Công viên nước hồ Tây lo mất khách vào tay Lotte, công viên Kim Quy

Năm 2018, bình quân mỗi ngày công viên nước Hồ Tây đạt hơn 412 triệu doanh thu. Thế nhưng năm nay công ty chỉ đặt mục tiêu doanh thu ở mức 393 triệu/ngày.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội - HES, chủ sở hữu và vận hành Công viên nước Hồ Tây mới đây đã công bố kế hoạch kinh doanh trong năm 2019 với nhiều thay đổi do tác động từ yếu tố thời tiết.

Công viên nước Hồ Tây đông đúc trong đợt nắng nóng đầu mùa Công viên nước Hồ Tây mở cửa đúng dịp Hà Nội đang trong đợt nắng nóng khiến người dân phải chen chúc xếp hàng từ khâu mua vé đến khi được ngâm mình xuống dòng nước mát.

Giảm kỳ vọng doanh thu

Theo đó, ban lãnh đạo công viên này chỉ đặt mục tiêu doanh thu cho năm nay đạt hơn 144 tỷ đồng, giảm gần 5% so với số tiền thu được năm 2018.

Doanh thu các hoạt động tự doanh tại công viên kỳ vọng sẽ tăng 2% và doanh thu hợp tác kinh doanh với nhà hàng Sen Tây Hồ tăng 3%. Tuy nhiên, thu từ tour du lịch lại kế hoạch giảm gần 16%.

Tính bình quân, công viên nước Hồ Tây chỉ đặt mục tiêu doanh thu mỗi ngày đạt gần 393 triệu đồng cho năm 2019, trong khi số thực hiện được trong năm trước đó lên tới 413 triệu.

Công viên nước Hồ Tây là công viên có vị trí đẹp nhất thủ đô Hà Nội, nằm ngay sát bờ Hồ Tây thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Ảnh: Việt Hùng.

Công viên nước Hồ Tây là công viên có vị trí đẹp nhất thủ đô Hà Nội, nằm ngay sát bờ Hồ Tây thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Ảnh: Việt Hùng.

Tuy vậy, ban lãnh đạo công ty vẫn kỳ vọng sẽ thu về 7,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước.

Theo lý giải từ ban lãnh đạo công viên, việc xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm nay được cân nhắc theo hướng thận trọng. Tuy nhiên, ban điều hành vẫn mong muốn thúc đẩy tăng trưởng ở hầu hết hoạt động kinh doanh chính tại công viên nước Hồ Tây để đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng 15%.

Các lãnh đạo công ty cũng cho biết ngoài những yếu tố thuận lợi trong năm 2019, công viên nước Hồ Tây sẽ phải đối mặt với những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh.

Trong đó, yếu tố thời tiết không thể lường trước được như quá nắng nóng, quá rét hoặc mưa bão quá nhiều… sẽ làm giảm lượng khách đến công viên. Một phần khác do thiết bị trò chơi tại công viên này phần lớn đều được đầu tư từ ngày khai trương cách đây 18-19 năm, và toàn bộ đã cũ.

Ngoài ra, ban lãnh đạo công viên dự báo trong năm nay, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp sẽ xuất hiện như khu đại siêu thị Lotte tại Ciputra đối diện sẽ có khu vui chơi trong nhà và khu vui chơi thủy cung.

Bên cạnh đó, Công viên Kim Quy với quy mô rất lớn đang thi công tại Đông Anh (Hà Nội) sẽ đón các khách hàng tỉnh của công viên nước Hồ Tây.

“Các khu vui chơi giải trí với mức đầu tư trung bình cũng đang mọc lên như nấm tại Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận cũng sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công viên”, ban lãnh đạo HES nhận định.

Thu hơn trăm tỷ nhưng lợi nhuận nhỏ giọt

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 của HES cho biết Công viên nước Hồ Tây có vị trí đẹp nhất trong các công viên của thủ đô Hà Nội, nằm sát bờ Hồ Tây hiện nay.

Tuy nhiên, chính lợi thế này khiến các chi phí mà công viên phải chịu cũng cao hơn rất nhiều so với đối thủ ở khu vực khác. Như tiền thuê đất hiện nay công viên này đang phải trả ở khung giá thuê thuộc nhóm cao nhất tại Hà Nội.

Ngoài ra, khách hàng chính của công viên là đối tượng có thu nhập trung bình và khách các tỉnh lẻ. Vì vậy hoạt động kinh doanh của công viên trong nhiều năm trở lại đây luôn trong tình trạng bấp bênh, kinh doanh không đạt lợi nhuận cao. Và hiệu quả hoạt động chưa khai thác hết tiền năng của khu đất.

Năm 2018, Công viên nước Hồ Tây đón tổng cộng 518.810 lượt khách, tăng hơn 3% so với năm 2017, qua đó giúp công ty thu về 150 tỷ doanh thu, tăng 26%.

Tuy nhiên, doanh thu gia tăng năm vừa qua chủ yếu đến từ hoạt động tour du lịch (mảng kinh doanh phát sinh ngoài công viên) khi đạt gần 57 tỷ đồng, tăng 85%. Trong khi đó, doanh thu các hoạt động tự doanh tại công viên nước mang về hơn 83 tỷ đồng, chỉ tăng 6%; doanh thu từ hợp đồng hợp tác kinh doanh với Sen Tây Hồ cũng chỉ đạt gần 10 tỷ đồng, tương đương năm trước.

Sau khi từ các chi phí quản lý và vận hành doanh nghiệp, công viên nước Hồ Tây thu về 6,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 22%.

Dù lợi nhuận sau thuế đã tăng mạnh trong năm vừa qua, tỷ suất lợi nhuận ròng/tổng doanh thu của Công viên nước Hồ Tây vẫn rất kém hiệu quả.

Cụ thể, năm 2018, tỷ suất này của công viên chỉ đạt 4%, trong khi hệ số của Công viên nước Đầm Sen (tại TP.HCM) lên tới 44%.

Trong những năm trước đó, công viên nước Hồ Tây luôn có doanh thu trên 100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu về chỉ dưới 10 tỷ đồng, và tỷ suất lợi nhuận ròng/tổng doanh thu 4 năm gần nhất luôn dưới 5%, trong khi phía công viên ở TP.HCM đều trên 40%.

Thực tế, ban lãnh đạo của Công viên Hồ Tây từng thừa nhận trong giai đoạn năm 2012-2013, hoạt động kinh doanh của công ty còn tương đối tích cực nhưng đà đi xuống đã bắt đầu từ năm 2014 khi nhiều khu vui chơi giải trí của các đối thủ khác khai trương tại khu vực Hà Nội và Quảng Ninh, đã làm giảm lượng khách đến công viên.

Và với việc càng thêm nhiều công viên nước khai trương quanh khu vực Hà Nội, kết quả kinh doanh của công viên sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong những năm tiếp theo.

Quang Thắng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cong-vien-nuoc-ho-tay-lo-mat-khach-vao-tay-lotte-cong-vien-kim-quy-post944372.html