Công vụ và liêm sỉ

Hồi Tuyên Quang mở hội Trung Thu 2010, tôi tham gia ban giám khảo một cuộc thi người đẹp. Được hai vé mời 'tiêu chuẩn', tôi đưa cho bà ngoại bọn trẻ đi xem cho vui. Sân khấu lung linh mặt hồ Bảo tàng. Tuyên truyền rầm rộ từ cả tháng trước. Lại thêm nhiều người đẹp Thành Tuyên tên tuổi từ nhiều năm trước cũng có mặt, nên người người ao ước được vào xem. Chỗ ngồi không đủ, nên người người phải đứng ngoài thấp thỏm.

Ấy thế mà hôm sau có bác hàng xóm hoan hỉ:

- Hôm qua nhiều người đẹp quá. Cánh này vào sớm, ngồi ngay hàng đầu nên xem rõ lắm.

Tôi tròn mắt :

- Cụ săn vé tài thế cụ? Con cắp cặp đi làm nhiệm vụ hẳn hoi mà suýt đứng ngoài vì đông.

- Săn gì! Cánh tớ 4 người mà chỉ có 2 vé của cháu. Tớ đến cổng, bảo "tôi là mẹ của cô H. trong Ban giám khảo", thế là họ cho vào.

Tôi nghe mà sửng sốt, xen lẫn ngượng ngùng.

Lại nhớ, hồi bệnh viện khánh thành khu nhà điều trị mới, việc ra vào có quy định hẳn hoi. Nào giờ giấc, nào hạn chế số lượng người chăm sóc để bảo đảm không gian tốt nhất cho người bệnh. Nên người nhà phải có áo do bệnh viện phát.

Một người quen của tôi muốn vào thăm bệnh nhân mà không có loại áo ấy, liền điềm nhiên nói với bảo vệ:

- Tôi là chị gái cô H., bạn của giám đốc.

Thế là chả cần áo hay quy định gì, chị được qua cửa bảo vệ, vào thăm bệnh nhân ngon lành.

Sau này tôi mới được nghe kể lại chuyện mà thêm lần nữa suýt choáng và ngượng ngùng. Chính cô H. là tôi mấy hôm trước từng bị bảo vệ bệnh viện phạt 30 nghìn đồng vì cho mượn áo qua cửa sổ!

Trên đây mới chỉ là vài chuyện cỏn con. Chết nỗi, một số lúc, ảo tưởng quyền lực và lạm quyền đôi khi lại dọa được thiên hạ. Bởi người Việt mình duy tình hơn duy lý. “Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình” - nên đôi khi vì một tí cái tình cũng được việc.

Đáng lo ngại là việc lạm quyền, cậy quyền kiểu “cua cậy càng, cá cậy vây” hình như đã trở thành phản xạ của nhiều người. Sự lạm quyền đến càn quấy, thành tham nhũng quyền lực, kiểu cha bổ nhiệm con thăng tiến thần tốc, lợi ích nhóm, chạy chức chạy quyền, chạy trường, chạy phiếu bầu, chạy án...đang trở thành thứ giặc nội xâm nguy hiểm.

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã kêu gọi các quan chức phải đề cao liêm sỉ, coi liêm sỉ là phẩm chất đạo đức quan trọng để phòng chống tham nhũng, càng có chức quyền thì càng phải đề cao liêm sỉ.

Người liêm sỉ là người tính phân minh ngay thẳng, trong sạch, không tham lam; tự biết hổ thẹn khi làm sai. Liêm sỉ chính là thước đo sự tử tế của con người.

Nhìn lại thì thấy, những vị quan chân chính xưa nay đều hết sức coi trọng và đề cao liêm sỉ. Nhiều người sẵn sàng treo mũ từ quan để tránh những việc làm vô liêm sỉ. Người người nhắc nhau câu “vườn dưa không sửa dép” để giữ gìn liêm sỉ.

Tiếc là ngày nay điều đó đã có sự xao nhãng, thậm chí đứt gãy trong truyền thống về thực thi công vụ. Hy vọng cùng với “chiếc lồng cơ chế” để nhốt quyền lực, mỗi cán bộ, công chức chân chính luôn đề cao liêm sỉ trong việc thực thi công vụ và trong đạo làm người nắm giữ quyền lực công.

Hà Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/goc-nhin/cong-vu-va-liem-si-140114.html