Công xưởng gia công Việt Nam: Vì sao khó bằng Trung Quốc?

Nếu cứ giữ nguyên những gì chuyển từ Trung Quốc sang thì nguy cơ Việt Nam trở thành bãi thải của các nước là khó tránh khỏi

Đây là nhận định của PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương.

Những lựa chọn khó khăn

PV: Thời gian qua, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế Trung Quốc sang phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao, cộng với giá nhân công tăng lên, đã thúc đẩy làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, tiêu biểu là sự chuyển dịch của các nhà sản xuất giày dép khổng lồ như Nike, Adidas... Mới đây nhất, Giám đốc điều hành của hãng đồ thể thao Adidas dự đoán, sự chuyển dịch của hoạt động gia công giày từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp diễn.

Ông có vui mừng trước những thông tin này không? Với những diễn biến trên, nếu viễn cảnh công xưởng gia công của thế giới thành hiện thực, Việt Nam sẽ nhận được gì và những hệ lụy có thể nhìn thấy trước ra sao?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: Xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, chủ yếu là các ngành có công nghệ trung bình, lạc hậu, sang các nước xung quanh đã diễn ra vài năm trở lại đây. Lý do là nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển dần sang các ngành sản xuất mang tính công nghệ cao, đồng thời việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đi các nước không còn dễ dàng như trước.

Minh chứng cho điều này là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi đánh thuế cao nhiều mặt hàng Trung Quốc vì cho rằng Trung Quốc bán hàng ồ ạt, giá rẻ sang thị trường Mỹ.

PSG.TS Nguyễn Văn Nam

Những ngành dịch chuyển đầu tiên là dệt may, da giày, sản xuất giấy, thép... và một trong những quốc gia được Trung Quốc nhắm đến là Việt Nam, bởi lao động Việt Nam dồi dào và giá rẻ. Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển các ngành công nghiệp này và vẫn đang mở cửa thu hút đầu tư dù có đề cập đến vấn đề môi trường hay một số vấn đề khác. Mặt khác, nếu Việt Nam phát triển các ngành này thì xuất khẩu của Việt Nam đi các nước có lẽ không khó khăn như hàng Trung Quốc.

Chính vì thế, Trung Quốc nhắm đến Việt Nam. Điều còn lại chỉ phụ thuộc vào Việt Nam sẽ chấp nhận mở cửa thế nào, chính sách ra sao...

Việc phát triển các ngành công nghiệp nói trên chỉ có một giai đoạn và nó cũng tạo một cơ sở kinh tế nhất định cho Việt Nam. Tuy nhiên, hệ lụy của nó rất lớn. Bởi sử dụng công nghệ không cao nên các ngành công nghiệp này gây ô nhiễm môi trường, bóc lột lao động giản đơn dù rằng phía Việt Nam cũng đang có nhu cầu tạo công ăn việc làm cho những lao động này.

PV: Nhiều người cho rằng, công xưởng gia công Trung Quốc làm tất cả các sản phẩm từ công nghệ thấp đến công nghệ rất cao. Trong khi đó, Việt Nam chỉ dừng lại ở những việc gia công đơn giản, tạo ra giá trị gia tăng thấp. Nhiều chuyên gia đã khuyến cáo, Việt Nam nên có chiến lược khác với thu hút FDI, khắt khe với các ngành sản xuất gây ô nhiễm, giá trị gia tăng thấp và mở rộng cửa với đầu tư công nghệ cao. Theo quan sát của ông, đã có những dấu hiệu gì chứng tỏ khuyến nghị trên đã được lắng nghe? Lý do gì khiến chúng ta không đặt ra những giấc mơ xa hơn, chấp nhận giai đoạn công xưởng gia công như một bước đệm để tiến tới nền sản xuất phát triển, điều mà Trung Quốc đã làm được?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: Những khuyến cáo về việc Việt Nam nên có chiến lược khác với thu hút FDI, khắt khe với các ngành sản xuất gây ô nhiễm, giá trị gia tăng thấp và mở rộng cửa với đầu tư công nghệ cao, dù có được cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe nhưng làm được rất ít. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trình độ tổ chức, điều hành của Việt Nam rất hạn chế. Cho nên, ngay bây giờ ngành dệt may, da giày của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên phụ liệu của nước ngoài.

Cách phát triển của Việt Nam khác với Trung Quốc. Trung Quốc phát triển đồng bộ và phân bổ đều trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị, từ những bộ phận đầu tiên cung cấp nguyên phụ liệu cho đến những bộ phận chi tiết, máy móc... Họ phát triển như vậy được vì đó là đất nước lớn, nền công nghiệp ở trình độ cao hơn.

Còn Việt Nam mới chỉ ở khâu lắp ráp, gia công cuối cùng, nguyên phụ liệu thiếu, máy móc, phụ tùng, bán thành phẩm... đều chưa đầy đủ. Việt Nam nhỏ bé, tài nguyên không quá dồi dào dù phong phú, nên nếu muốn làm hoàn chỉnh, đồng bộ như Trung Quốc thì e rằng không làm nổi, chỉ có cách liên kết với nước ngoài.

Việt Nam có thị trường lao động dồi dào nhưng không thể bằng một thị trường 1,3 tỷ dân của Trung Quốc.

Cho nên, một mặt Việt Nam có thể vẫn tiếp nhận các ngành công nghiệp chuyển dịch từ Trung Quốc sang, mặt khác phải có nhân lực rõ ràng, phát triển đồng bộ hơn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Nếu Việt Nam cứ nhận nguyên xi những gì họ chuyển sang thì sẽ chỉ trở thành bãi thải của các nước, bởi không có công nghệ mới thì không có năng suất mới, những gì chúng ta làm sẽ không có lợi nhuận, giá trị gia tăng cực thấp.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/cong-xuong-gia-cong-viet-nam-vi-sao-kho-bang-trung-quoc-3358493/