COP 25: 'Nhịp đập của trái tim Hiệp định về biến đổi khí hậu đang yếu dần'

Sau gần 2 tuần họp tại Madrid, Tây Ban Nha, Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 25) đã kết thúc ngày 15/12 với một tuyên bố chung hết sức 'dè dặt'.

Tuyên bố chung của COP 25 chỉ thừa nhận "nhu cầu cấp thiết" đối với các những kết cắt giảm khí carbon mới. (Nguồn: Climate Change News)

Tuyên bố chung của COP 25 chỉ thừa nhận "nhu cầu cấp thiết" đối với các những kết cắt giảm khí carbon mới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa khí thải hiện tại với các mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất dưới 2ºC.

Các cuộc đàm phán kéo dài thêm 2 ngày so với dự kiến được xem là cuộc thử nghiệm ý chí tập thể của chính phủ các nước với lời khuyên của các nhà khoa học về việc cắt giảm khí thải nhà kính nhanh hơn để ngăn chặn nhiệt độ Trái đất tăng lên.

Liên minh châu Âu (EU) đã hối thúc COP 25 gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng, các nước đang sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn để giảm khí thải.

EU nhấn mạnh, trong bối cảnh Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đang bước vào giai đoạn thực thi quan trọng, hội nghị không thể kết thúc mà không thống nhất được một thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc tăng cường cam kết cắt giảm khí thải vào năm tới. Tuy nhiên, nhiều nước lớn như Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Australia, Saudi Arabia dường như phớt lờ lời kêu gọi này.

Việc chống lại áp lực phải tăng cường các nỗ lực chống hiện tượng Trái Đất ấm dần lên này, đã gây ra sự chỉ trích của các nước nhỏ hơn và các nhà hoạt động môi trường. Bởi các nước nhỏ mong muốn cam kết mạnh mẽ hơn về cắt giảm khí thải từ chính những nước phát thải nhiều nhất thế giới nói trên.

Mặc dù đã nỗ lực hoàn tất một bộ quy tắc của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt của Trái đất dưới ngưỡng 2ºC và nếu có thể là 1,5ºC, các quốc gia tham dự COP 25 tại Tây Ban Nha vẫn chưa tìm được tiếng nói chung sau hai tuần thảo luận.

Điểm bất đồng mấu chốt là cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý các thị trường carbon. Bên cạnh đó, các bên chưa ghi nhận tiến triển đáng kể trong vấn đề bồi thường và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu.

Trong tuyên bố đưa ra ngay sau khi COP 25 kết thúc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: 'Tôi rất thất vọng về kết quả của COP 25. Cộng đồng quốc tế đã mất đi cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng lớn hơn về giảm nhẹ tác động, tăng cường thích nghi và tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

Việc các nước chưa thể hoàn thành việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại COP 25 lần này, đồng nghĩa với việc mọi vấn đề còn dang dở sẽ được tiếp tục thảo luận và giải quyết tại COP 26, dự kiến diễn ra tại Glasgow, Anh vào năm 2020.

Tuy nhiên, ông Mahamed Adow, Giám đốc Power Shift - một tổ chức chống biến đổi khí hậu cho rằng sau tuyên bố của COP 25, hy vọng về sự sống của Hiệp định về biến đổi khí hậu ngày càng mong manh khi "nhịp đập của trái tim Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đang yếu dần đi".

Thế Việt

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cop-25-nhip-dap-cua-trai-tim-hiep-dinh-ve-bien-doi-khi-hau-dang-yeu-dan-106290.html