COP21: Thỏa thuận lịch sử "cứu" biến đổi khí hậu

Ngày 12-12, các đại biểu từ 195 nước tham gia Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Pa-ri (Pháp), đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu, vốn đe dọa nhân loại với việc làm mực nước biển dâng cao và khiến tình trạng hạn hán, lũ lụt, giông bão trở nên tồi tệ hơn.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun, Ngoại trưởng Pháp Lô-răng Pha-bi-uýt, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (thứ 2,3,4 từ trái sang) vui mừng với kết quả đạt được của COP21. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Pháp Lô-răng Pha-bi-uýt cho biết: "Tôi nhận thấy phản ứng tích cực trong phòng hội nghị. Tôi không thấy sự phản đối nào. Thỏa thuận khí hậu Pa-ri đã được thông qua."

Trước đó cùng ngày, Pháp đã đệ trình lên hội nghị COP21 bản thỏa thuận nhằm hạn chế hoạt động phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính đe dọa bầu khí quyển của Trái Đất.

Các cuộc thảo luận chính thức về bản dự thảo thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Pa-ri (Pháp) đã được lùi tới 17 giờ 30 ngày 12-12 giờ Pa-ri, tức 23 giờ 30 giờ Việt Nam - muộn hơn dự kiến ban đầu 2 tiếng đồng hồ.

Trong khi đó, người phát ngôn nhóm các nước đang phát triển Gu-đi-an Xinh Ni-gia cho biết Ấn Độ, Trung Quốc và A-rập Xê-út tỏ ra hài lòng với bản dự thảo thỏa thuận nhằm cắt giảm mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ông tuyên bố :"Chúng tôi hài lòng với thỏa thuận này. Chúng tôi cho rằng đó là một thỏa thuận cân bằng."

Ông nói rõ: "Ấn Độ đồng ý. Trung Quốc đồng ý. A-rập Xê-út đồng ý. Khối nước Ả-rập đồng ý."

Một số điểm nổi bật trong thỏa thuận bao gồm việc giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng thêm ở mức 2 độ C (cố gắng chỉ trong mức 1,5 độ C) và dành 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển kể từ năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Pháp khẳng định đây là một thỏa thuận công bằng, bền vững và có tính ràng buộc về pháp lý.

Ba nhà hoạt động môi trường trong trang phục của các chú gấu tham gia tuần hành gần Tháp Ép-phen, thủ đô Pa-ri (Pháp), khi phiên họp cuối cùng của COP21 đang diễn ra tại Buốc-giê. Ảnh: Reuters

Với 13 ngày đàm phán và hơn 40.000 người tham dự hàng ngày, hội nghị COP21 cho thấy khối lượng công việc đáng kể của các nhà tổ chức tại Pháp. Có thể thấy điều đó qua những con số thống kê thú vị.

150 nguyên thủ tham dự các phiên khai mạc của hội nghị khí hậu. 195 quốc gia tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

2.800 cảnh sát và bảo vệ được huy động đảm bảo an ninh tại hội nghị.

21.000 tấn khí nhà kính đã thải ra trong hội nghị COP21. Nó tương đương với lượng khí CO­­­­2 do 4.420 chiếc ô tô phát thải trong một năm. Pháp cam kết sẽ “bù đắp” sự ô nhiễm này bằng việc ủng hộ các sáng kiến vì khí hậu.

412.000 bữa ăn đã được phục vụ tại Hội nghị COP21.

170-186 triệu ơ-rô (180-196 triệu USD) là khoản ngân sách nước Pháp đã duyệt chi cho việc tổ chức hội nghị COP21.

B.P (Tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cop21-thoa-thuan-lich-su-cuu-bien-doi-khi-hau/