'Cột mốc sống' giữa trùng khơi

Tết đến xuân về, hay những ngày lễ trọng đại, khi mọi người nô nức du xuân thì những người lính hải quân vẫn đang miệt mài bám trụ nơi biển đảo hay tuần tra trên biển. Các anh- những người lính đã bỏ lại sau những nhỏ nhặt đời thường, ngạo nghễ, kiên trung và bất khuất, trở thành những cột mốc sống nơi biên cương Tổ quốc.

Trong chuyến đi thăm và chúc Tết cán bộ chiến sỹ nơi biển đảo những ngày cuối năm, hải trình của chúng tôi 3 lần đi qua nơi tàu hải quân tuần tra và cắm neo định phận ranh giới Tổ quốc. Do đặc thù công việc của chuyến đi, nên chúng tôi không áp mạn và trực tiếp lên tàu hải quân, mà chỉ chào tàu từ xa.

Song, 3 lần chào tàu ngắn ngủi đó là cả một niềm xúc cảm đợi chờ dâng trào trong suốt cuộc hành trình nhiều ngày lênh đênh trên biển, và cũng là 3 khoảnh khắc thiêng liêng mà tất cả thành viên trong đoàn chúng tôi không thể quên được. Đó là cảm giác háo hức chờ đợi và ngóng trông, để rồi khi chiếc tàu hải quân chỉ như chấm nhỏ đầu tiên bắt đầu xuất hiện trong tầm nhìn, đã khiến cho chúng tôi xúc động, hò reo, mong mỏi. Cái chấm đó lớn dần lớn dần phía chân trời, cho đến khi 3 hồi còi rú lên thay cho lời chào, từ phía tàu hải quân, và 3 hồi còi đáp lại…

Tất cả thành viên trên cả hai tàu, những phóng viên tác nghiệp, những người lính hải quân, đều lên boong tàu, vẫy chào nhau rối rít và đầy lưu luyến khi tàu rời đi, khiến cho đại dương mênh mông rộn ràng 1 góc.

Những “cột mốc sống” giữa trùng khơi.

Những “cột mốc sống” giữa trùng khơi.

Tiếng còi tàu ngân vang trên sóng. Đó là lời chào đầy uy mãnh của những người lính dành cho nhau. Giữa biển khơi, tiếng còi tàu át đi tiếng sóng, tiếng gió bão, như lời khẳng định chủ quyền nơi biển đảo. Vì, ngay phía sau lưng các anh, biên giới hải phận đã được định chia. Các anh đứng đó, ngạo nghễ giữa trùng khơi, neo chặt xuống lòng biển, là cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo, khẳng định chủ quyền của đất nước.

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tàu, là niềm kiêu hãnh về chủ quyền đất nước, chủ quyền của những người dân Việt Nam. Các anh đứng đó, phân định ranh giới cho những ngư dân từ đất liền ra vươn khơi bám biển.

Có các anh, những ngư dân đó biết rằng mình có chủ quyền, có tự do, độc lập. Họ được khai thác cá trong lòng mẹ đại dương sâu thẳm, bình yên với niềm kiêu hãnh tự tôn. “Chúng tôi đi đánh cá, vừa là cái nghề kiếm sống, nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam: đi để khẳng định chủ quyền biển đảo.

Dù đã quen với biển cả bao la, với mênh mông sóng nước, với nỗi cô đơn thăm thẳm nhiều ngày trời lênh đênh trên biển, nhưng chúng tôi vẫn mong mỏi những giây phút được gặp tàu tuần tra hải quân. Nhìn thấy tàu hải quân, chúng tôi thấy được quê hương, gia đình, anh em của chính mình.

Thực sự xúc động lắm. Đấy là chưa kể những ngày biển nổi giông bão, những chiếc tàu hải quân trở thành phao cứu sinh, là điểm tựa cho chúng tôi. Giống như ngọn hải đăng, những người lính hải quân đã dẫn dắt ngư dân chúng tôi trở về bến bờ neo đậu. Với chúng tôi, lính hải quân là gia đình của mình”, ông Hải, một ngư dân xúc động chia sẻ.

Chúng tôi hiểu và chia sẻ cảm giác của những ngư dân như ông Hải. Quả thực, lênh đênh nhiều giờ liền trên biển, giữa mênh mông bao la, thăm thẳm, cả 4 phương 8 hướng, nơi cuối tầm nhìn chỉ có trời với biển, tịnh không một bóng hòn đảo, không một bóng chim nên cả đoàn chúng tôi háo hức mong chờ được gặp người, gặp đồng đội, đồng chí như mong gặp cố nhân. Thế nên khi được thông báo tàu sẽ đến chào những người lính hải quân đang thả neo làm cột mốc trên biển, không ai bảo ai đoàn phóng viên cũng như thủy thủ trên tàu đều cố gắng thu xếp công việc của mình để có thể lên boong chào tàu.

3 lần chào tàu trên chuyến đi, 1 lần khi hoàng hôn đỏ rực, một lần giữa đêm tối mịt mờ và 1 lần trong ánh bình minh bắt đầu ló rạng, chúng tôi đều xếp hàng chờ đợi trước cả tiếng đồng hồ. Dù không được lên tàu cùng với các chiến sỹ để tay bắt mặt mừng, chúc mừng năm mới, song chỉ mấy phút lướt qua nhau, cũng đã thể hiện niềm luyến lưu đến lạ.

Nhà báo Trần Miêu - người lớn tuổi nhất đoàn chúng tôi không giấu được niềm xúc động chia sẻ: anh cũng đã từng là quân nhân, cũng đã nếm trải bao khó khăn gian khổ của người lính nơi biên giới, nhưng ra giữa trùng khơi, nơi đầu sóng ngọn gió, anh mới thấy những trải nghiệm của mình trước đây không thấm vào đâu so với những gian khổ mà người lính hải quân tuần tra trên biển đang hứng chịu.

“Đến chào tàu, đừng chỉ nghĩ rằng chúng tôi đến động viên anh em, mà đến đó, được gặp anh em, chào nhau 1 câu thôi, chúng tôi cũng thấy mình mới là người được động viên khích lệ. Khi chúng tôi còn đang mải mê với những niềm vui nhỏ nhoi nơi đất liền, những tính toán vụn vặt, thì nơi đây, các anh khoáng đạt như trời, như biển.

Giữa trùng trùng khơi xa, không chỉ còn là nhiệm vụ, mà tấm lòng, trái tim các anh đang rộng mở, chở che cho để những ánh đèn nơi thành phố vẫn giăng sao đêm đêm, để những ước mơ của em thơ được chắp cánh nơi bến bờ tri thức, để tình yêu vẫn nở thắm những đóa hoa hồng… Thực sự chúng tôi xúc động. Thương các chiến sỹ, ngưỡng mộ ý chí và trái tim của các anh”.

Những người lính Hải quân trên đảo tiền tiêu.

Thuyền trưởng Ngô Tuấn - một người con từ quê lúa Thái Bình đến với biển như có duyên nợ từ kiếp trước. Đã hàng chục năm nay, anh cùng với đồng đội lái tàu đi khắp biển đảo quê hương, thế nhưng, đối với anh, mỗi lần chào tàu vẫn mang đến một cảm xúc rất riêng: vẫn hồi hộp, mong ngóng và xúc động. “Đi biển, nếm trải những khó khăn gian khổ nên chúng tôi càng hiểu những gian khó mà lính hải quân, đặc biệt là những “cột mốc sống” đang đối mặt. Nhưng chúng tôi tự hào và hãnh diện vì vượt lên tất cả, chúng tôi là đại diện cho hơn 90 triệu dân Việt Nam vẽ nên ranh giới, khẳng định dáng hình của Tổ quốc. Đó là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh mà không phải ai cũng có được”, Thiếu tá Ngô Tuấn chia sẻ.

Trong đoàn công tác, tôi ấn tượng bởi cảm xúc của Đại tá Lê Huy Dân - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 351 - Hải quân Vùng 3 khi ông chào tàu, chào những người lính hải quân mà ông xem như con cháu của mình. Gặp họ, ông xúc động rưng rưng nước mắt. Vị thủ trường già ấy nhớ hết tên từng người, ông thậm chí còn biết cả nết ăn nết ở của các anh em trong đơn vị. Ông tâm sự: “Thương chúng nó lắm. Nó như con cái trong nhà, như ruột thịt, như tay chân của mình vậy.

Để có được cái Tết bình yên trên đất liền, “chúng nó” đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu nơi đầu sóng ngọn gió. Mùa này đang là mùa bão, hôm nay, trời yên biển lắng, chứ vào những hôm bão biển động, nhìn “chúng nó” rắn rỏi, kiên trung thế kia, nhưng cũng phải nôn mật xanh mật vàng đấy. Đứa nào đi biển cũng không thể béo, chỉ có điều, càng ngày càng rắn rỏi, kiên trung”- Đại tá Dân rưng rưng nói.

Quả thực, những cảm xúc vỡ òa và thực sự được đẩy lên cao trào chỉ ta ở giữa mênh mông biển trời khoáng đạt. Ở đó, tình yêu và tình nghĩa; trách nhiệm và nghĩa vụ, đã hòa làm một, không còn phân định giới ranh. Các anh bảo vệ biển, vì niềm yêu dành cho Tổ quốc và đất liền, vì tình yêu với những người thân ở quê nhà hay các ngư dân là đồng bào trên biển.

Với những người lính hải quân, không chỉ xác định nhiệm vụ tuần tra biên giới, các anh cũng thực hiện chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân trên biển, vươn khơi bám biển. Đặc biệt, khi biển cả nổi giông bão, các anh đã phối hợp với lực lượng biên phòng, cảnh sát biển và tàu đánh cá của các ngư dân để cứu hộ cứu nạn, chỉ đạo hướng dẫn ngư dân vừa đánh bắt vừa kết hợp phòng chống bão lụt.

Bên cạnh đó, lực lượng hải quân còn chống đánh bắt thủy hải sản trái phép không khai báo, tổ chức tuyên truyền, giúp đỡ, ủng hộ ngư dân bằng vật lực như áo phao, cờ Tổ quốc, các vật chất như xăng dầu, quân y và các phương tiện khác, đặc biệt sẵn sàng vật tư để cứu hộ sửa chữa tàu thuyền ngư dân khi gặp nạn trên biển.

Với những người lính mang màu da rám nắng, biển là quê hương, mỗi người Việt Nam đều là gia đình, anh em, cùng chung niềm tự hào về lá cờ đỏ sao vàng. Nơi biên cương Tổ quốc, các anh như những pháo đài sống, cột mốc sống để khẳng định chủ quyền của quê hương, đất nước, và cũng là đại diện cho ý chí kiên trung của con người Việt Nam…

Hà An

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/cot-moc-song-giua-trung-khoi-582619/