Coteccons liệu có trở lại?

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Coteccons đang có biến chuyển tốt sau cuộc họp Đại hội cổ đông.

Mâu thuẫn tạm lắng xuống

Mâu thuẫn giữa Kustocem và lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) đã âm ỉ từ năm 2017. Xuất phát từ thương vụ sáp nhập giữa Coteccons và Ricons.

Đó cũng là thời điểm Coteccons bắt đầu đi xuống, còn Ricons, công ty ban đầu có tên Phú Hưng Gia, do ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons tham gia sáng lập từ năm 2004 và Coteccons hiện nắm khoảng 15% cổ phần, lại vươn lên mạnh mẽ.

Đã có ý kiến quan ngại, lãnh đạo Coteccons “có sân trước sân sau”. Ảnh minh họa: TL.

Đã có ý kiến quan ngại, lãnh đạo Coteccons “có sân trước sân sau”. Ảnh minh họa: TL.

Giai đoạn 2014-2017, trong khi doanh thu Coteccons chỉ tăng 3,5 lần thì con số này ở Ricons là hơn 4,1 lần. Còn lợi nhuận sau thuế trong 3 năm này của Ricons cũng tăng lên 7 lần so với Coteccons chỉ tăng 5 lần. Vì thế, trong đại hội cổ đông năm 2018, đã có ý kiến quan ngại, lãnh đạo Coteccons “có sân trước sân sau”.

Mâu thuẫn tiếp tục được đẩy lên đỉnh điểm, khi Kusto - cổ đông lớn nhất, nắm giữ 18,23% cổ phần ở Coteccons - đã cùng nhóm của mình (Công ty Kinh doanh và Đầu tư Thành Công, giữ 14,67% cổ phần) chính thức khai hỏa, mở màn cho đợt xung đột nội bộ mới ở Coteccons.

Cụ thể, Kusto đã ra thông báo triệu tập Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 13.7 tới, cho mục đích bầu Hội đồng Quản trị mới và chỉ định kiểm toán độc lập, để làm rõ các vấn đề xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan tại Coteccons từ năm 2017 đến nay.

Theo Kusto, sở dĩ Kusto đơn phương triệu tập Đại hội cổ đông bất thường vì cuối tháng 4 vừa qua, Kusto đã yêu cầu Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát tổ chức họp nhưng không được đồng ý. Kusto đã từng phủ quyết nhiều vấn đề do Ban lãnh đạo Coteccons đề xuất, như bác bỏ phương án sáp nhập Coteccons và Ricons, dẫn đến xung đột giữa đôi bên ngày càng leo thang...

Thế rồi, sau mọi chuyện, ngày 30.6 vừa qua, Coteccons đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2020.

Khác với những diễn biến căng thẳng, kịch tính giữa đôi bên. Đại hội ngày 30.6 được diễn ra rất hòa nhã, theo kiểu đã được dàn xếp ổn thỏa từ trước.

Cũng tại cuộc họp, khi được hỏi về mâu thuẫn nội bộ giữa nhóm cổ đông, ông Dương chia sẻ: “Cuộc họp hôm nay đã nói lên tất cả khi chúng ta gạt bỏ mâu thuẫn và ngồi lại với nhau. Tôi tin rằng Coteccons sẽ rất khác khi Hội đồng Quản trị đồng lòng”.

Chia sẻ tại Đại hội, ông Dương cho hay kể từ năm 2017 khi doanh số bắt đầu đi xuống, Công ty đã xuất hiện nhiều mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên Hội đồng Quản trị. “Lỗi ở đây là lỗi của Hội đồng Quản trị, tôi xin nhận lỗi về mình”, ông Dương nói.

Về phía mình, ông Bolat Duisenov đại diện cho Kusto cho biết có thể rất nhiều cổ đông thắc mắc Kusto lại can thiệp sâu vào việc quản lý của Coteccons. “Chúng tôi xin khẳng định không có ý đồ gì khác ngoài việc giúp Coteccons phát triển hơn nữa”.

Ông Dương cũng chia sẻ ở cuối buổi họp rằng: "Sau hơn 3 giờ làm việc, đại hội đạt được kết quả ngoài mong đợi. Có những việc không chỉ làm tốt là được, mà cần có sự đoàn kết, đồng lòng”.

Coteccons liệu có trở lại?

Có thể nói, nhìn về chặng đường của Coteccons trước đây, doanh thu và lợi nhuận của Công ty liên tục tăng trưởng qua các năm. Tính trong giai đoạn 2012-2017, lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng trưởng bình quân 52,8%, một con số rất ấn tượng.

Đặc biệt năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt hơn 1.422 tỉ đồng, lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỉ đồng lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh của Coteccons qua các năm. Nguồn: NCĐT.

Sau đó, năm 2017 và năm 2018 cũng duy trì mức lợi nhuận cao, lần lượt là 1.652 tỉ đồng và 1.510 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2019, lợi nhuận của Công ty sụt giảm mạnh, chỉ còn ở mức hơn 710,9 tỉ đồng sau thuế.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, CTD cũng là một cổ phiếu tên tuổi.

Bắt đầu từ tháng 3.2015, cổ phiếu CTD bước vào đà tăng mạnh như vũ bão, từ vùng giá vài chục ngàn đồng lên mức giá hàng trăm ngàn đồng mỗi cổ phiếu.

Khoảng thời gian đó quả đúng là thời hoàng kim của Coteccons. Tháng 6.2016, thị trường hân hoan khi một nhà thầu Việt Nam là Coteccons đã “vượt mặt” nhiều nhà dầu tư ngoại để thắng thầu dự án Landmark 81.

Diễn biến giá cổ phiếu CTD trên thị trường kể từ khi niêm yết. Ảnh: FireAnt.

Thế rồi, cổ phiếu CTD cứ tiếp tục tăng phi mã trong sự hân hoan của thị trường. Và rồi, đến tháng 11.2017, cổ phiếu CTD chạm đỉnh ở vùng giá 230.000 đồng/cổ phiếu. Kể từ đó, Coteccons như bước sang một trang mới, cổ phiếu liên tục lao dốc. Phiên giao dịch 17.6.2019, lần đầu tiên cổ phiếu CTD đánh mất mốc 100.000 đồng/cổ phiếu trong suốt hơn 3 năm.

Chưa dừng lại ở đó, cổ phiếu CTD tiếp tục lao dốc, và đến tháng 3.2020, giá cổ phiếu CTD có lúc chỉ còn 45.000 đồng/cổ phiếu.

Và rồi ngày hôm nay (1.7.2020) khi tín hiệu tích cực từ những mâu thuẫn nội bộ dường như đã lắng xuống. Nhà đầu tư lại tiếp tục đặt kỳ vọng vào Coteccons. Minh chứng cho điều đó, ngay từ đầu phiên sáng nay, cổ phiếu CTD đã tăng kịch trần, và trở thành một trong những mã đóng góp tích cực nhất cho chỉ số VN-Index.

Liệu rằng, sự đồng lòng của nội bộ Coteccons có thể đưa CTD trở lại như ngày xưa?

Vũ Hoài

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/coteccons-lieu-co-tro-lai-3335809/