COVID-19: Cảnh báo làn sóng lây nhiễm mới vào mùa thu tới

Người dân ở trên phố tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 45 ngày 9/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 497,38 triệu ca mắc COVID-19, trong đó số có gần 6,2 triệu ca tử vong. Số ca hồi phục là hơn 433 triệu ca.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm hơn 1 triệu ca nhiễm, trong đó Hàn Quốc có số ca nhiễm mới cao nhất 205.289 ca, tiếp sau là Đức 169.454 ca và Pháp 148.768 ca. Đây cũng là 3 nước duy nhất trên thế giới hiện có số ca nhiễm mới ở mức 6 con số.

Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19, với tổng số ca nhiễm là hơn 82 triệu ca và số ca tử vong là hơn 1 triệu người. Trong 24 giờ qua, Mỹ có 35.276 ca nhiễm mới. Tuy nhiên, Tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ, cảnh báo trong vài tuần tới, số ca mắc tại Mỹ sẽ bắt đầu tăng trở lại và có khả năng tăng mạnh vào mùa Thu năm nay. Ông bày tỏ hy vọng với chương trình tiêm phủ vắc xin ngừa COVID-19, không có nhiều người phải nhập viện.

Theo ông Fauci, diễn biến dịch bệnh của Mỹ thường diễn ra theo sau nhiều nước khác như Anh. Điển hình là BA.2 đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ sau Anh xác nhận "biến thể tàng hình" này chiếm số đông các ca mắc mới tại quốc gia châu Âu này.

Cùng chung quan điểm cho rằng dịch bệnh COVID-19 có khả năng lây lan mạnh vào mùa thu năm nay, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho rằng sẽ cần siết chặt lại các biện pháp phòng dịch vào mùa Thu này.

Chia sẻ với báo giới, Bộ trưởng Karl Lauterbach khẳng định chắc chắn sẽ có thêm làn sóng dịch vào mùa Thu năm nay. Theo ông, Chính phủ Đức có thể không có sự chuẩn bị tối ưu cho làn sóng dịch bệnh này. Ông khẳng định quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ có vai trò quan trọng bảo vệ người dân nước này trước làn sóng dịch bệnh mới trong bối cảnh còn khoảng cách tiêm chủng vắc xin vẫn còn tồn tại.

Tại Úc, Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt ngày 9/4 thông báo, Paxlovid, một loại thuốc uống theo đơn được sử dụng để điều trị các triệu chứng nhẹ đến trung bình của bệnh COVID-19, sẽ được đưa vào chương trình trợ cấp dược phẩm từ ngày 1/5 tới.

Ông Hunt cho biết các kết quả thử nghiệm cho thấy thuốc Paxlovid giảm 88% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong khi dùng trong vòng 5 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Những người xuất hiện các triệu chứng COVID-19 nhẹ có thể được kê đơn Paxlovid nếu họ trên 65 tuổi và có hai yếu tố nguy cơ khác có thể mắc bệnh nặng. Những người bị suy giảm miễn dịch trung bình hoặc nghiêm trọng cũng có thể được kê đơn thuốc.

Ông Hunt cho biết loại thuốc này sẽ được bán với giá 42,50 AUD (gần 30 USD) cho mỗi đợt điều trị và giảm xuống còn 6,80 AUD (4,7 USD) cho các đối tượng được ưu đãi. Bộ trưởng Y tế Úc nhấn mạnh điều quan trọng là bệnh nhân phải tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương và cách ly nếu có kết quả dương tính với COVID-19.

Trong khi đó, các ca nhiễm biến thể Deltacron và Omicron tái tổ hợp đã được phát hiện ở bang New South Wales (NSW), Úc, trong khi các chuyên gia cho biết chưa có bằng chứng nào về việc các biến thể mới này của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 tránh được vắc xin hoặc gây bệnh nặng hơn.

Dữ liệu từ báo cáo COVID-19 hàng tuần của Bộ Y tế bang NSW cho thấy địa phương này đã ghi nhận hai ca được gọi là "tái tổ hợp", bao gồm một ca nhiễm Deltacron - kết hợp giữa hai biến thể Delta và Omicron - và một ca nhiễm kết hợp hai biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron .

Giới chức y tế Úc đang theo dõi các trường hợp tái tổ hợp xảy ra khi hai chủng virus riêng hợp nhất thành một chủng mới. Theo Giáo sư Dominic Dwyer thuộc Bộ Y tế bang NSW, cần thực hiện thêm các xét nghiệm để xác định liệu phiên bản kết hợp của hai biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron được phát hiện ở bang NSW có phải là phiên bản XE đã được phát hiện ở Anh trong thời gian gần đây hay không, do có nhiều phiên bản tái tổ hợp khác đã được phát hiện trên khắp thế giới. Mặt khác, cũng cần có thêm thời gian để xem các phiên bản tái tổ hợp này có khả năng lây lan hay không hay chỉ xuất hiện một lần.

Tại Czech, Viện Y tế Công cộng CH Czech (SZÚ) thông báo việc thu giữ mẫu trong Phòng Thí nghiệm Tham chiếu Quốc gia (NRL) xác nhận sự xuất hiện của một biến thể XE, kết hợp của biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron dễ lây lan hơn 10% so với biến thể Omicron ban đầu.

Giám đốc NRL Helena Jiřincová cho biết một phụ nữ ở Praha đã đến xét nghiệm PCR một cách ngẫu nhiên, không do chỉ định của bác sĩ. Kết quả xét nghiệm cho thấy người này dương tính với biến thể XE. Bà Helena Jiřincová nêu rõ: "Biến thể tái tổ hợp phát sinh khi một người bị nhiễm hai hoặc nhiều biến thể virus cùng một lúc, do đó truyền và trộn thông tin di truyền giữa các biến thể virus trong cơ thể vật chủ. Những đột biến như vậy đã xảy ra nhiều lần trong một đại dịch. Sự tái tổ hợp tương tự cũng xảy ra với các bệnh nhiễm virus khác, bao gồm cả bệnh cúm”.

Cho đến nay có khoảng 470 mẫu XE được xác nhận bằng giải trình tự toàn bộ gene từ 5 quốc gia trong cơ sở dữ liệu quốc tế, đặc biệt quan tâm đến việc điều tra chi tiết hơn về bộ gene của virus SARS-CoV-2. Phần lớn các mẫu đến từ Vương quốc Anh, 3 mẫu từ Mỹ và các mẫu từ Ireland, Đan Mạch và CH Czech.

Ngày 8/4, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết đến nay, số ca mắc COVID-19 ở nhóm trẻ từ 0-9 tuổi là 1.846.489 ca, chiếm 49,9% dân số nhóm tuổi này. Số ca mắc ở thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi là 1.991.775 ca, tương đương 42,4% dân số thuộc cùng nhóm tuổi.

KDCA cũng cho biết tỉ lệ mắc COVID-19 ở nhóm tuổi 20 là 32.195 ca/100.000 người, nhóm tuổi 30 là 32.453 ca/100.000 người, nhóm tuổi 40 là 28.070 ca, nhóm tuổi 50 là 20.709 ca, nhóm tuổi 60 là 20.379 ca, nhóm tuổi 70 và 80 lần lượt là 17.972 ca và 19.302 ca/100.000 người, xu hướng giảm dần theo độ tuổi.

Giới chức y tế Hàn Quốc giải thích trẻ nhỏ có tỉ lệ nhiễm bệnh cao do hệ miễn dịch yếu hơn so với các nhóm tuổi khác. Ngoài ra, đây là độ tuổi cần được chăm sóc nên gia đình và người thân thường xuyên tiếp xúc, mức độ tiếp xúc càng tăng khi trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo.

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đang có chiều hướng giảm mạnh và giới chức nước này đang cân nhắc hạ cấp độ dịch bệnh để quản lý theo mức độ thông thường.

KDCA cho biết số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc trong ngày 8/4 là khoảng 200.000 ca, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp ở mức này trong bối cảnh chính quyền nới lỏng thêm nhiều quy định về giãn cách trong phòng dịch. Theo đó, Hàn Quốc ghi nhận 205.333 ca mắc mới, trong đó có 31 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc kể từ đầu dịch lên 14.983.694 ca.

Sáng 9/4, Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc công bố báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 của nước này cho biết Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 25.164 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, trong đó có 1.350 ca có triệu chứng và 23.815 ca không triệu chứng. Trung Quốc không có ca tử vong do COVID-19 nào được ghi nhận trong ngày 8/4.

Một ngày trước đó, Trung Quốc có 1.576 ca mắc có triệu chứng và 22.648 ca mắc không triệu chứng. Tính đến ngày 8/4, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 163.042 ca mắc COVID-19 và tổng số ca tử vong đến nay là 4.638.

Theo Cơ quan an ninh y tế Trung Quốc, tính đến ngày 2/4, đã có 3,2 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 được tiêm cho người dân tại Trung Quốc đại lục. Tổng chi phí chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của nước này đã lên tới hơn 120 tỉ nhân dân tệ (18,9 tỉ USD).

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/273073/covid-19--canh-bao-lan-song-lay-nhiem-moi-vao-mua-thu-toi.html