COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật kịch bản tăng trưởng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng dự báo áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong cả ngắn và dài hạn.

Tại phiên họp Chính phủ ngày 2/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 và dự báo tình hình, kịch bản điều hành 6 tháng đầu năm 2021.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định trường hợp dịch được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.

Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP.

Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm).

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2021 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, khởi sắc với nhiều điểm sáng.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại, tiêu dùng được thúc đẩy do nhu cầu mua sắm, chuẩn bị Tết của người dân. Lạm phát được kiểm soát dù phải chịu áp lực từ nhu cầu tiêu dùng tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: chínhphu.vn).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: chínhphu.vn).

Xuất siêu tiếp tục là điểm sáng với động lực xuất khẩu từ ngành chế biến, chế tạo. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính tháng 1/2021, xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Đáng chú ý, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt được kết quả nổi bật và ấn tượng, cho thấy sự đúng đắn, hiệu quả của những giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng thời gian qua.

Tính đến hết tháng 1/2021, ước giải ngân năm 2020 đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (năm 2019 đạt 76,75%). Ước giải ngân tháng 1/2021 đạt 15 nghìn tỷ đồng, bằng 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 0,95%).

Tuy vậy, bên cạnh các điểm sáng của nền kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2021 cũng có nhiều điểm cần lưu ý.

Tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm. Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Rủi ro còn đến từ biến động chính trị, căng thẳng thương mại và tình hình nợ công trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên giảm 3,2% so với tháng 12/2020; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,1%. Nguyên nhân có thể do chu kỳ kinh doanh, khi doanh nghiệp thường có xu hướng đẩy mạnh sản xuất trong các tháng cuối năm và tập trung tiêu thụ trong tháng 1. Tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi sát sao để đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài.

"Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2020. Dù vậy, dự báo áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong cả ngắn và dài hạn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về một số nhiệm vụ giải pháp 6 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động. Hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát triển thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường đầu ra qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để thúc đẩy quản lý theo chuỗi, tạo điều kiện thuận lợi truy xuất nguồn gốc.

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết. Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đối số trong doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện, triển khai các đề án lớn về kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Cùng với đó, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ thứ hai cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ trưởng lưu ý, hiện, các địa phương còn rất nhiều dự án đầu tư gặp vướng mắc. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt do một Phó Thủ tướng đứng đầu để tháo gỡ.

Châu Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/covid-19-dien-bien-phuc-tap-bo-ke-hoach-va-dau-tu-cap-nhat-kich-ban-tang-truong-ar594327.html