COVID-19 lại giảm, WHO triệu tập ủy ban khẩn cấp: Tìm đường kết thúc đại dịch?

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói: Chúng ta có tất cả các công cụ cần thiết để chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở mọi quốc gia nhưng cho rằng khoảng cách tiêm chủng, giám sát - xét nghiệm giảm sẽ là rào cản cho việc kết thúc đại dịch COVID-19.

Thông cáo báo chí và báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 13-10 cho thấy tuần qua số ca COVID-19 toàn cầu tiếp tục giảm 10% còn hơn 2,89 triệu ca, tử vong giảm 1% còn 9.002 ca, tiếp nối đà "hạ nhiệt" của đại dịch suốt hơn 1 tháng qua.

Mức giảm về số ca ghi nhận trên cả 6 khu vực của WHO, trong đó số ca nhiều nhất ghi nhận ở châu Âu (gần 1,67 triệu ca), Tây Thái Bình Dương (hơn 770.000 ca) và châu Mỹ (gần 397.000 ca). Có sự gia tăng cục bộ ở các khu vực này, nhất là ở các nước trải qua làn sóng trước đã lâu và hiện tại đang đối diện với thời tiết dần vào mùa đông.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: WHO

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: WHO

Trong cuộc họp báo toàn cầu tối 12-10, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Ủy ban khẩn cấp (EC) về Quy định Y tế quốc tế (IHR) liên quan đến COVID-19 sẽ tổ chức cuộc họp thường kỳ hàng quý.

Tiến sĩ Tedros không trực tiếp đề cập đến vấn đề đang được quốc tế quan tâm - lời tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp của WHO trong bối cảnh hầu hết các nơi đã dỡ bỏ các biện pháp, quy định thời đại dịch.

Tuy nhiên, người đứng đầu WHO khẳng định: "Rõ ràng, hiện tại chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh rất khác so với thời điểm mà ủy ban đề nghị tôi tuyên bố Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) hơn 33 tháng trước. Chúng ta có tất cả các công cụ cần thiết để chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở mọi quốc gia".

Ông cũng thận trọng: "Nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc, và còn nhiều việc phải làm. WHO sẽ giới thiệu tóm tắt cho ủy ban về tình hình hiện tại và trình bày mối quan ngại về những rủi ro tiếp tục xảy ra đối với dân số thế giới - với khoảng cách tiêm chủng lớn, giám sát giảm, tỉ lệ xét nghiệm và giải trình tự gien, và sự không chắc chắn về tác động tiềm tàng của các biến chủng hiện tại và tương lai".

Trong nhiều phát ngôn trước đó, tiến sĩ Tedros từng đề cập đến việc trong khi hầu hết các nước trên thế giới người dân đã được bảo vệ bền vững bởi vắc-xin, tiêm nhiều mũi tăng cường, dễ tiếp cận thuốc điều trị... thì ở một số quốc gia đang phát triển tỉ lệ tiêm chủng còn thấp, thậm chí một số nhân viên y tế và đối tượng nguy cơ vẫn chưa được bảo vệ đầy đủ bằng vắc-xin.

Khu vực có Việt Nam giảm sâu 21%

Tuần qua khu vực Tây Thái Bình Dương mà WHO xếp Việt Nam vào ghi nhận số ca COVID-19 mới giảm 21% so với tuần trước, còn hơn 770.000 ca và 1.573 ca tử vong.

Sự giảm sâu ghi nhận ở hầu hết các quốc gia, ngoại trừ các nước dường như đang bước vào làn sóng mới như Mông Cổ, Papua New Guinea, Singapore, Trung Quốc.

Trong đó Trung Quốc và Singapore ghi nhận số ca cao. Trung Quốc có 333.830 ca, tăng 10% so với Tuần trước. Singapore có 36.985 ca, tăng 64%. Hai nước có số ca cao khác trong khu vực là Nhật Bản (208.547 ca) và Hàn Quốc (151.178 ca) nhưng là con số giảm lần lượt 32% và 24% so với tuần trước, bởi Nhật - Hàn đã trải qua "đỉnh" hơn 1 tháng trước.

Trên bản đồ số ca mắc lẫn bản đồ tử vong, Việt Nam vẫn được đánh dấu lần lượt bằng màu vàng nhạt và xanh lá cây nhạt, biểu thị mức thấp nhất (dưới 10 ca mắc/100.000 dân và dưới 0,5 ca tử vong/100.000 dân).

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/covid-19-lai-giam-who-trieu-tap-uy-ban-khan-cap-tim-duong-ket-thuc-dai-dich-20221013104903079.htm