Covid-19 làm giảm tiền lương trên toàn cầu

Cuộc khủng hoảng này có khả năng sẽ khiến tiền lương còn giảm trầm trọng trong thời gian tới, theo ILO...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đây là phát hiện chính trong Báo cáo Tiền lương Toàn cầu 2020-2021 vừa được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 2/12.

Theo ILO, đại dịch Covid-19 đã khiến tiền lương tháng giảm đi hoặc tăng chậm hơn trong 6 tháng đầu năm 2020 ở 2/3 quốc gia toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này có khả năng sẽ khiến tiền lương còn giảm trầm trọng trong thời gian tới.

Với những nước áp dụng các biện pháp quyết liệt để duy trì việc làm, có thể thấy rõ tác động chính mà khủng hoảng gây nên là tình trạng sụt giảm tiền lương thay vì mất việc hàng loạt.

Khủng hoảng cũng tác động nghiêm trọng đến nhóm lao động vốn được trả lương thấp hơn. Thời giờ làm việc của lao động làm những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp hơn giảm nhiều hơn so với các vị trí quản lý hay công việc chuyên môn được trả lương cao hơn.

Báo cáo cho thấy, nếu không có trợ cấp, ước tính 50% số lao động được trả lương thấp nhất lẽ ra đã phải đối diện với mức giảm 17,3% tiền lương. Nếu không có trợ cấp, mức sụt giảm tiền lương trung bình ở tất cả các nhóm lẽ ra đã là 6,5%. Tuy nhiên, trợ cấp tiền lương đã bù đắp được 40% mức tổn thất này.

"Sự gia tăng bất bình đẳng do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây nên có nguy cơ để lại một hệ quả lâu dài về nghèo đói và bất ổn về kinh tế và xã hội, và đây là điều vô cùng tồi tệ", ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho biết.

Theo ông Guy Ryder, chiến lược phục hồi của chúng ta phải đặt con người làm trung tâm, cần có những chính sách về tiền lương phù hợp có tính đến tính bền vững của việc làm và doanh nghiệp. Đồng thời, giải quyết tình trạng bất bình đẳng và sự cần thiết phải duy trì nhu cầu tiêu dùng.

Báo cáo cũng phân tích các hệ thống tiền lương tối thiểu, theo đó, tiền lương tối thiểu hiện đang được triển khai dưới một số hình thức khác nhau tại 90% quốc gia thành viên của ILO.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, báo cáo cho thấy, 266 triệu người trên toàn cầu, tương đương với 15% tổng số lao động làm công ăn lương trên toàn thế giới, có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

"Mức lương tối thiểu phù hợp có thể bảo vệ người lao động khỏi việc bị trả lương thấp và giúp giảm tình trạng bất bình đẳng. Nhưng để đảm bảo chính sách tiền lương tối thiểu phát huy hiệu quả, cần phải có các gói giải pháp mang tính tổng thể và bao trùm", bà Rosalia Vazquez-Alvarez, một trong những tác giả của báo cáo cho biết.

Theo bà Rosalia Vazquez-Alvarez, điều đó đồng nghĩa với tuân thủ pháp luật tốt hơn, mở rộng diện bao phủ tới nhiều người lao động hơn và xác định tiền lương tối thiểu ở mức phù hợp và liên tục được điều chỉnh so với điều kiện thực tế.

Báo cáo Tiền lương Toàn cầu 2020-2021 cũng xét đến xu hướng tiền lương tại 136 nước trong 4 năm trước đại dịch. Báo cáo cho thấy tăng trưởng tiền lương thực tế toàn cầu dao động trong khoảng 1,6% đến 2,2%. Tiền lương thực tế tăng nhanh nhất ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương và Đông Âu, và chậm hơn nhiều tại Bắc Mỹ và Bắc Âu, Nam Âu và Tây Âu.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/covid-19-lam-giam-tien-luong-tren-toan-cau-20201202202524496.htm