COVID-19 tại ASEAN hết 10/5: Lào và Campuchia số ca mắc mới giảm; Toàn khối 5 nước ghi nhận ca tử vong

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 17.869 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 71.310 người.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 17/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 17/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Malaysia.

Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đã bớt căng thẳng hơn so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ hai.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong vẫn xấp xỉ 100 trường hợp.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 16 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 27/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 10/5 ghi nhận thêm 1.630 ca bệnh mới và có 22 ca tử vong.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 506 bệnh nhân mới trong ngày 10/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 71.312 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 341 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.589.219 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.271.137 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/11 nước ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Diễn biến dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 10/5:

Bác sĩ Lào đang lấy mẫu xét nghiệm cho một sinh viên Việt Nam tại Ký túc xá sinh viên Việt Nam ở thủ đô Viêng Chăn, Lào. Ảnh: Phạm Kiên – Phóng viên TTXVN tại Lào

Bộ Y tế Lào chiều 10/5 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 25 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại 4/18 tỉnh, thành trên cả nước. Đây là ngày có số ca mắc mới COVID-19 thấp nhất được ghi nhận tại quốc gia Đông Nam Á trong 18 ngày qua.

Trong khi tâm dịch thủ đô Viêng Chăn có xu hướng giảm mạnh, xuống còn 6 ca, "điểm nóng" tại tỉnh Bokeo tiếp tục có số ca nhiễm mới nhiều nhất nước, với 15 ca… Việc số tỉnh có người mắc mới và số ca được phát hiện tại Lào tiếp tục giảm mạnh cho thấy tình hình dịch bệnh tại nước này đang từng bước được kiểm soát nhờ các biện pháp quyết liệt của chính phủ và chính quyền các cấp, trong đó có việc phong tỏa toàn quốc từ cuối tháng 4/2021 đến nay và sự tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch của người dân.

Trong động thái nhằm hạn chế hành vi nhập cảnh bất hợp pháp, Bộ Công an Lào vừa ra quy định nêu rõ công dân nước này trở về từ Thái Lan, bao gồm cả những người đã làm việc ở đó bất hợp pháp, chỉ phải chịu hình phạt cao nhất là cảnh cáo mà không còn bị xử phạt như trước đây. Bên cạnh việc khuyến khích công dân nhập cảnh hợp pháp, nhà chức trách Lào trong thời gian qua đã tăng cường việc kiểm soát biên giới để ngăn chặn những người nhập cảnh trái phép vào Lào từ Thái Lan, đồng thời cảnh báo mọi hành vi nhập cảnh trái phép sẽ phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc, kể cả xử lý hình sự.

Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.327 ca nhiễm COVID-19, trong đó gần 1.300 được phát hiện từ đầu tháng 4 và phần lớn là lây nhiễm cộng đồng. Hiện Lào đã chữa khỏi cho 237 bệnh nhân và mới chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong do COVID-19.

Cùng ngày, tại Phnom Penh, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận thêm 506 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 6 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới, có 11 ca nhập cảnh, còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 19.743 ca mắc COVID-19, trong đó có 19.165 ca liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2/2021” và 126 người tử vong.

Người dân Phnom Penh tham gia giao thông bình thường tại khu vực được phép di chuyển sau khi thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng - PV TTXVN tại Campuchia

Bộ Quốc phòng Campuchia công bố báo cáo cho thấy từ ngày 10/2-9/5, đã có 1.773.994 người được tiêm vaccine phòng COVID-19 trên cả nước, trong đó bao gồm cả lực lượng vũ trang và thân nhân.

Kể từ ngày 1/5, Bộ Quốc phòng Campuchia đã thực hiện chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho một lượng lớn người dân ở Khu vực Đỏ (nơi rủi ro lây nhiễm COVID-19 ở mức cao) thuộc Phnom Penh.

Campuchia cũng tiêm phòng cho các ngoại giao đoàn và gia đình của họ, cũng như cả những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc hợp pháp trên đất nước Campuchia.

Theo kế hoạch, trong tháng này, Campuchia sẽ nhận thêm 1,5 triệu liều vaccine từ Trung Quốc và trong năm nay sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu tiêm phòng cho 80% người dân nước này, với mong muốn sớm khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/5, tại Indonesia, Chủ tịch Ủy ban xử lý COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia (KPC-PEN) của Indonesia, Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này có kế hoạch kéo dài lệnh hạn chế hoạt động quy mô nhỏ (PPKM) tới hết tháng 5 này.

Phát biểu họp báo trực tuyến từ Phủ Tổng thống ở Jakarta, Chủ tịch KPC-PEN đồng thời là Bộ trưởng Điều phối Kinh tế cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục áp đặt PPKM tại 30 trên tổng số 34 tỉnh và thành phố trên cả nước, từ ngày 18-31/5, ngay sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid Al-Fitr của người Hồi giáo.

Theo Bộ trưởng Airlangga, hoạt động di chuyển của người dân đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, ngoại trừ tại đặc khu hành chính Yogyakarta, các tỉnh Bali và Quần đảo Riau. Song song với đó, các ca mắc COVID-19 cũng gia tăng trở lại tại 11 tỉnh, thành, trong đó 5 địa phương tăng khá mạnh gồm Quần đảo Riau, Riau, Nam Sumatra, Aceh, và Tây Kalimantan. Ông Airlangga khẳng định ngoài việc kéo dài PPKM, Chính phủ Indonesia cũng đang chuẩn bị các cơ sở y tế nhằm dự phòng sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 sau kỳ nghỉ lễ Idul Fitri.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin tiết lộ rằng 70.000 giường cách ly và 23.000 giường điều trị đặc biệt (ICU) đã chuẩn bị sẵn sàng để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng số người nhập viện “sẽ không tăng gấp đôi”.

Trước đó, Chính phủ Indonesia đã cấm người dân trở về quê trong khoảng thời gian từ ngày 6-17/5. Tổng thống Joko Widodo cho biết quyết định này nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 được ghi nhận ở các nước khác cũng như sau các ngày nghỉ lễ dài ngày ở Indonesia. Số ca dương tính đã tăng vọt 93% sau kỳ nghỉ lễ Idul Fitri hồi năm ngoái.

Cũng theo Bộ trưởng Y tế Indonesia, nước này sẽ tăng cường chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid Al-Fitr của người Hồi giáo, với mục tiêu tiêm 1 triệu liều mỗi ngày. Indonesia đặt mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 181,5 triệu người nhằm đạt khả năng miễn dịch cộng đồng trong vòng một năm.

Quốc gia này đã đặt hàng tổng cộng 426 triệu liều vaccine với nhiều hãng dược phẩm quốc tế, trong đó có Sinovac, AstraZaneca, Pfizer và Novavax. Chi phí tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên “Gotong Royong (Hợp tác cùng nhau)” là 500.000 rupiah (35,2 USD) mỗi liều.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-105-lao-va-campuchia-so-ca-mac-moi-giam-toan-khoi-5-nuoc-ghi-nhan-ca-tu-vong-20210511004419408.htm