COVID-19 tại ASEAN hết 15/4: Campuchia phong tỏa thủ đô; Thái Lan lại lập kỷ lục ca mắc mới

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 15/4, 9 quốc gia ASEAN ghi nhận 21.722 ca mắc COVID-19 và 326 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 3.111.807 ca, trong đó 63.439 người tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng đầu về số ca mắc trong ngày 15/4 vẫn là Philippines với 11.429 ca, tiếp đó là Indonesia (6.177 ca), Malaysia (2.148 ca) và Thái Lan (1.542 ca).

Dù số ca mắc không cao bằng 4 quốc gia trên nhưng tình hình ở Campuchia ngày càng nghiêm trọng hơn, buộc chính phủ phải thực hiện nhiều động thái nghiêm ngặt. Các nước còn lại có số ca mắc mới không đáng kể.

Về số ca tử vong, có 4 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (167 ca), Philippines (148 ca), Malaysia (10 ca) và Campuchia (1 ca).

Campuchia phong tỏa thủ đô, số ca mắc mới vẫn tăng cao

Ngã tư đại lộ Monivong và đường Mao Tse Tung ở thủ đô Phnom Penh vắng vẻ trong ngày đầu thực hiện phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Hùng (P/v TTXVN tại Campuchia)

Bất chấp lệnh phong tỏa đã có hiệu lực, trong ngày 15/4, Campuchia ghi nhận 344 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 5.218 ca.

Ngày 15/4, Chính phủ Campuchia thông báo lệnh đóng cửa 14 ngày một số nhà máy dệt may tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao (tỉnh Kandal) trong nỗ lực nhằm chặn đứng đà lây lan của dịch COVID-19. Trước đó, chính phủ đã ban bố lệnh phong tỏa Phnom Penh. Campuchia đã quyết định thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội tại thủ đô Phnom Penh 2 tuần, đến ngày 28/4 tới.

Sắc lệnh do Thủ tướng Campuchia Hun Sen ký đêm 14/4, nêu rõ tình trạng phong tỏa có hiệu lực cả ở Takhmao, thành phố thủ phủ của tỉnh Kandal tiếp giáp Phnom Penh.

Quyết định phong tỏa của Chính phủ Campuchia cấm mọi hình thức tụ tập, trừ trường hợp các thành viên gia đình trong cùng một nhà; việc tổ chức tang lễ phải xin phép nhà chức trách.

Những hoạt động đi lại ngoài phạm vi cho phép của lệnh phong tỏa sẽ bị xử lý nghiêm. Ảnh: Nguyễn Hùng (P/v TTXVN tại Campuchia)

Lệnh phong tỏa thủ đô Campuchia được đưa ra chỉ một ngày sau khi Đô thành Phnom Penh kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm thêm 2 tuần, cho tới hết ngày 28/4, trong một nỗ lực nhằm kiềm chế tốc độ lây lan dịch COVID-19 vốn đã buộc một loạt chợ đầu mối và chợ dân sinh ở Phnom Penh phải đóng cửa.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh rằng việc thực hiện lệnh phong tỏa Phnom Penh và Takhmao là để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 đang lan rộng trong cộng đồng. Ông khẳng định: “Không hề thiếu thực phẩm, gạo, thịt và rau quả tại Phnom Penh trong thời gian thực hiện lệnh phong tỏa”.

Thủ tướng Hun Sen yêu cầu Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng quan tâm đặc biệt việc cung cấp gạo và thực phẩm cho người nghèo. Ông cũng đề nghị Chính phủ mở kho dự trữ gạo để bán ra thị trường với giá bình ổn.

Thủ tướng Hun Sen bày tỏ mong người dân thấu hiểu, kiên nhẫn và đồng hành cùng chính phủ trong thời gian 14 ngày nhằm chặn đứng sự lây lan của dịch COVID-19.

Malaysia tái phong tỏa một số địa phương

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 28/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Do số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh trong 2 tuần qua, 7/10 quận thuộc bang Kelantan ở Malaysia sẽ phải thực hiện trở lại Lệnh hạn chế di chuyển (MCO) từ ngày 16-29/4.

Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob, cho biết trong 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Kelantan đã tăng 30,5%, từ 756 ca lên 1.088 ca/ngày, khiến 7/10 quận tại đây trở thành Vùng Đỏ (có từ 41 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trở lên). Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện 9 ổ dịch mới ở Kelantan khiến nguy cơ lây nhiễm cộng đồng tăng rất cao.

Do đó, Lệnh hạn chế di chuyển sẽ được áp dụng trở lại tại Kelantan từ ngày 16/4 và kéo dài trong 2 tuần. Trong thời gian áp đặt Lệnh hạn chế di chuyển, giữa các quận thuộc Kelantan và ranh giới Kelantan với các bang khác sẽ được thiết lập chướng ngại vật, tất cả các hoạt động kinh tế thương mại đều phải được cấp phép mới được vận hành.

Số ca mắc mới ở Thái Lan tăng kỷ lục ngày thứ hai liên tiếp

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 15/4, Thái Lan ghi nhận thêm 1.543 ca mắc COVID-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 37.453 ca. Trong khi đó, số ca tử vong duy trì ở mức 97 ca.

Theo Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Thái Lan, trong số các ca mắc mới có 1.540 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 3 ca nhập cảnh. Cho tới nay, đã có 75/77 tỉnh ở nước này xuất hiện các ca mắc liên quan đến ổ dịch mới bùng phát, chủ yếu do biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu ở Anh.

Truyền thông địa phương đưa tin Chính phủ Thái Lan có thể sẽ áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Bangkok và các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19 sau dịp Tết cổ truyền Songkran (còn gọi là Lễ hội té nước).

43/77 tỉnh của Thái Lan đã áp đặt các hạn chế đi lại đối với du khách. Trong khi đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh cho các quan chức trong tất cả các cơ quan nhà nước làm việc tại nhà cho đến cuối tháng nếu có thể và khuyến nghị khu vực tư nhân làm theo để giúp ngăn chặn sự lây lan của đợt bùng phát thứ ba.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 8/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Thái Lan đã cảnh báo rằng số lượng các ca nhiễm COVID-19 theo ngày có thể vượt quá 20.000 nếu không có các biện pháp phòng chống và người dân vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường.

Bộ Y tế cũng đưa ra 5 kịch bản về đợt bùng phát COVID-19 thứ 3 sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran, trong đó nêu lên các mức độ lây nhiễm tùy theo các biện pháp được áp dụng. Với kịch bản tốt nhất, việc đóng cửa các địa điểm vui chơi giải trí, hủy bỏ các bữa tiệc riêng tư, cắt giảm các hoạt động tập thể và yêu cầu mọi người làm việc tại nhà sẽ giảm số lượng ca mắc mới trung bình hàng ngày xuống 391 ca. Theo kịch bản xấu nhất, số lượng ca mắc mới trung bình theo ngày sẽ là 9.140 nếu các địa điểm vui chơi giải trí vẫn được phép mở cửa.

Để đối phó với việc số lượng các ca nhiễm mới đang tăng lên, thủ đô Bangkok đã thành lập các bệnh viện dã chiến tại Viện Lão khoa Bang Khun Thian, Bệnh viện Rachaphiphat, Sân vận động Chalerm Phrakiat Bang Bon và Nhà thi đấu Bangkok. Ngoài ra, các bệnh viện dã diễn cũng được lập tại những tỉnh có số lượng các ca nhiễm cao như Chiang Mai và Khon Kaen.

Philippines ghi nhận hơn 11.400 ca nhiễm trong một ngày

Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 31/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này ngày 15/4 thông báo ghi nhận 11.429 ca nhiễm mới COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 904.285 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 148 người tử vong do COVID-19 đưa tổng số người không qua khỏi lên 15.594.

Philippines tiếp tục phải đối mặt với sự gia tăng các ca bệnh trong khi đang áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm kiềm chế sự lây lan trong cộng đồng.

Tỉ lệ lây nhiễm tại Philippines bắt đầu tăng từ cuối tháng 2, buộc chính phủ phải tái áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm hạn chế sự di chuyển của người dân tại vùng đô thị Manila và 4 tỉnh lân cận.
ộ Y tế cho biết các ổ lây nhiễm xuất phát từ nơi làm việc, các cuộc tụ tập không cần thiết, các hộ gia đình và các hệ thống giao thông.

Philippines tiếp tục tăng cường công suất của các bệnh viện tại vùng đô thị Manila, trung tâm dịch để đối phó với sự gia tăng theo cấp số mũ các ca nhiễm.

Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người vào tháng 7

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 3/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết nước này đặt mục tiêu đến tháng 7 tới có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 70 triệu người.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo chính quyền địa phương, Tổng thống Widodo khẳng định: “Đường cong dịch tễ tại Indonesia có thể sẽ được ghi nhận vào tháng 7 khi số lượng tiêm chủng đạt 70 triệu người”. Ông đề nghị các lãnh đạo chính quyền địa phương tiếp tục ủng hộ chương trình tiêm chủng quốc gia mà ông cho là “phần không thể thiếu” trong kế hoạch chống dịch COVID-19, bên cạnh lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM) và thực hiện các quy trình y tế nghiêm ngặt.

Chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 của Indonesia đang bước vào giai đoạn hai, hướng đến các nhóm đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm, công chức-viên chức, người già và tiểu thương tại các khu chợ.

Tổng thống Widodo khẳng định Chính phủ Indonesia đang tập trung tiêm chủng cho các đối tượng tại các địa điểm có số lượng người tương tác cao, đồng thời cho hay mục tiêu đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng là động lực thúc đẩy chương trình tiêm chủng của quốc gia đông dân thứ tư thế giới này. Giới chức Indonesia cho biết hiện nước này đứng thứ 9 thế giới về lượng vaccine đã được tiêm chủng cho người dân, và đứng thứ 4 trong nhóm các nước không sản xuất vaccine.

Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia có tổng cộng 1,58 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 42.900 ca tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-154-campuchia-phong-toa-thu-do-thai-lan-lai-lap-ky-luc-ca-mac-moi-20210415212119996.htm