COVID-19 tại ASEAN hết 17/11: Myanmar lại tăng vọt ca nhiễm; Indonesia lỡ kế hoạch tiêm vaccine

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17/11, các nước ASEAN ghi nhận thêm 7.749 ca mắc COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong đã lên tới trên 25.300 người.

Học sinh đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn tại Hội chợ Khoa học Công nghệ quốc gia 2020 ở Bangkok, Thái Lan ngày 13/11. Ảnh: Bangkok Post

Học sinh đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn tại Hội chợ Khoa học Công nghệ quốc gia 2020 ở Bangkok, Thái Lan ngày 13/11. Ảnh: Bangkok Post

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 17/11, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 1.070.434 ca mắc COVID-19 trong đó có 25.324 ca tử vong và 927.447 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN, khi nước này liên tục nhiều tuần qua ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất. Ca tử vong mới trong ngày 17/11 tại Indonesia tuy giảm so với những ngày trước nhưng vẫn ở mức cao, trên 3.800 trường hợp, và 97 ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines, Malaysia và Myanmar. Trong đó, tình hình Myanmar trở nên đáng lo ngại hơn khi số ca nhiễm mới tăng mạnh so với ngày 16/11.

Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 17/11/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).

Indonesia: Kế hoạch tiêm chủng hàng loạt có thể bị trì hoãn

Tờ Straits Times cho biết, nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng hàng loạt phòng COVID-19 của Tổng thống Joko Widodo vào tháng 12/2020 đang đối mặt nguy cơ bị trì hoãn sau khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia cảnh báo họ sẽ không thể cấp phép khẩn cấp cho đến tận tháng 1/2021 do dữ liệu chưa đầy đủ.

Indonesia vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh. Ảnh: AFP

Trả lời phỏng vấn Reuters tuần trước, Tổng thống Widodo cho biết Indonesia lên kế hoạch tiêm chủng đại trà cho nhân viên y tế và người làm việc trên tuyến đầu chống dịch ngay trong tháng 12/2020 nhằm kiềm chế làn sóng lây lan dịch COVID-19 cũng như hỗ trợ nền kinh tế đang lâm nguy của nước này.

Kế hoạch của Jakarta là sử dụng một loạt ứng cử viên vaccine, bao gồm loại vaccine do Sinovac (Trung Quốc) sản xuất và vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng ở Indonesia.

Ông Budi Gunadi Sadikin, lãnh đạo Ủy ban Phục hồi kinh tế quốc gia của chính phủ, cho biết Indonesia sẽ cần 246 triệu liều vaccine cho dân số 270 triệu người.

Tới hết ngày 17/11, Indonesia ghi nhận tổng cộng 474.455 ca COVID-19, trong đó có 3.807 ca mới, 15.393 ca tử vong và 398.636 người đã bình phục.

Singapore "sẽ không xếp cuối hàng" khi có vaccine COVID-19

Theo tờ Straits Times, ngày 17/11, Thủ tướng Lý Hiển Long cam kết Singapore đang thương lượng với các nhà sản xuất vaccine COVID-19 để đảm bảo nước này "sẽ không phải xếp hàng cuối cùng" khi vaccine được phân phối. Trong số các đối tác này có tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ, nơi vừa công bố vaccine COVID-19 của họ đạt hiệu quả 90%.

Singapore hiện đã thành lập một ủy ban có nhiệm vụ lập danh sách những người được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19.

Nhân viên y tế Singapore lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Straits Times

Thông báo của Bộ Y tế Singapore (MOH) ngày 17/11 cho biết nước này ghi nhận 6 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, tất cả đều là các ca bệnh “ngoại nhập”. Đảo quốc sư tử ghi nhận một tuần không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và không có bệnh nhân COVID-19 trong các khu lao động nước ngoài.

Hiện Singapore có 58.130 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó 58.033 người đã được chữa khỏi và xuất viện, 28 trường hợp tử vong.

Cùng ngày 17/11, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết quốc gia này sẽ khó có thể có thặng dư ngân sách trong tài khóa 2020. Ông Lý Hiển Long thừa nhận thậm chí việc đạt được mục tiêu cân bằng ngân sách tài khóa 2020 cũng rất khó thực hiện, đồng thời dự báo sẽ mất thêm nhiều thời gian để khôi phục ngân sách về trạng thái cân bằng. Điều này chủ yếu là hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phủ bóng nên kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Singapore nói riêng.

Trong năm 2020, Singapore đã chi 52 tỷ USD từ nguồn dự trữ quốc gia để đối phó với tác động từ COVID-19. Singapore sẽ tiếp tục phải tung ra các gói kích thích kinh tế và xử lý vấn đề sức khỏe cộng đồng trong ngắn và trung hạn. Trong khi đó, một số lĩnh vực của nền kinh tế - như hàng không, du lịch và giải trí - đang trong tình trạng tạm ngừng hoạt động.

Hồi tháng trước, Bộ Công Thương Singapore thông báo kinh tế Singapore có dấu hiệu tăng trưởng tích cực hơn sau khi các biện pháp “ngắt mạch” để ngăn chặn đại dịch COVID-19 được nới lỏng, với mức tăng trưởng GDP ước tính lần đầu trong quý III/2020 giảm 7,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

Singapore đã làm việc với các nhà sản xuất vaccine COVID-19 để đảm bảo cho đơn đặt hàng của mình. Ảnh: Straits Times

Kinh tế Singapore đã rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý II/2020 sau hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Bộ Công thương Singapore dự báo, tăng trưởng cả năm 2020 của Singapore sẽ ở mức từ âm 7,0% tới âm 5,0%. Tỷ lệ thất nghiệp của "Đảo quốc sư tử" đã lên tới 3,4% trong tháng 8 vừa qua, vượt mức kỷ lục 3,3% ghi nhận hồi tháng 9/2009 khi diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Kinh tế Thái Lan giảm 6,4% trong quý III do COVID-19

Số liệu chính thức cho thấy kinh tế Thái Lan đã giảm 6,4% trong quý III/2020, thấp hơn so với mức giảm 12,1% trong quý trước đó. Sự suy giảm thấp hơn trong quý trước là nhờ tổng kim ngạch xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng tư nhân cải thiện sau các biện pháp kích thích kinh tế do chính phủ thực hiện.

Tiêu dùng và đầu tư của chính phủ trong quý III/2020 lần lượt tăng 3,4% và 18,5%, tăng nhanh so với quý trước đó. Tuy vậy, ngành du lịch vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khiến nguồn thu từ khách du lịch nước ngoài giảm xuống con số 0.

Danucha Pichayanan, Tổng thư ký của văn phòng Hội đồng Kinh tế và phát triển xã hội quốc gia (NESDC), cho biết số liệu của quý III/2020 tốt hơn nhiều so với dự kiến. Trước đó, các nhà kinh tế ước tính nền kinh tế Thái Lan trong quý III/2020 suy giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại Malaysia. Ảnh: REUTERS

NESDC dự báo kinh tế Thái Lan sẽ giảm 6% trong năm 2020, thay vì giảm 7,3-7,8% trong dự báo đưa ra hồi tháng Tám. NESDC cũng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan trong năm tới sẽ tăng trưởng 3,5-4,5% nhờ các biện pháp kích thích của chính phủ và đà phục hồi của hoạt động thương mại toàn cầu.

Tình hình Myanmar ngày càng báo động

Ngày 17/11, Myanmar ghi nhận thêm 1.569 ca nhiễm mới, cao hơn nhiều so với con số 1.167 của ngày 16/11.

Số ca bệnh tại nước này đã tăng lên 71.730 trường hợp, trong đó có 1.625 người đã tử vong, 54.274 ca bình phục. Trong ngày 17/11, Myanmar cũng chứng kiến 26 ca tử vong vì COVID-19.

Người dân sát khuẩn tay phòng lây nhiễm COVID-19 tại khu trại tạm ở làng Stabelan, Boyolali, Trung Java, Indonesia, ngày 10/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Philippines: Số ca nhiễm mới thấp hơn Myanmar, Malaysia

Ngày 17/11, Philippines ghi nhận thêm 1.148 ca COVID-19 so với một ngày trước. Con số này thấp hơn cả hai "điểm nóng" mới là Myanmar và Malaysia.

Tuy vậy, tổng ca bệnh tại Philippines vẫn cao thứ hai khu vực, với 410.718 ca, bao gồm 7.862 trường hợp tử vong và 374.543 người bình phục.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Philippines, Trung Đông là khu vực có nhiều người Philippines mắc COVID-19 nhất, với 7.530 trường hợp, trong đó 574 ca tử vong và 4.652 người đã khỏe lại.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-1711-myanmar-lai-tang-vot-ca-nhiem-indonesia-lo-ke-hoach-tiem-vaccine-20201117200605827.htm