COVID-19 tới 6h sáng 16/2: Thế giới vượt 415 triệu ca bệnh; thêm 9.283 người chết/ngày

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 1,8 triệu ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh vượt mốc 415 triệu. Số ca tử vong trong ngày cũng tăng mạnh lên 9.283 trường hợp.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác ở Kiev, Ukraine ngày 9/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác ở Kiev, Ukraine ngày 9/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 16/2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 415.709.604 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.854.552 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.820.850 và 9.283 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 338.060.925 người, 71.776.671 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 85.708 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 177.515 ca nhiễm mới; Nga đứng thứ hai với 166.631 ca; tiếp theo là Pháp (142.253 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.747 người chết trong ngày; tiếp theo là Brazil (776 ca) và Nga (704 ca).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 79.600.599 người, trong đó có 948.439 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.721.845 ca nhiễm, bao gồm 509.903 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 27.659.052 ca bệnh và 639.689 ca tử vong. Cả hai quốc gia này đã một lần nữa trở thành một điểm nóng lây nhiễm do làn sóng Omicron.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 146 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 109,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 93,42 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 52,39 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,37 triệu ca và châu Đại Dương gần 3,2 triệu ca nhiễm.

Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 4/2/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Singapore ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore ngày 15/2 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục với 19.420 ca, tăng gấp đôi so với hơn 9.000 ca của một ngày trước đó. Đây cũng là số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở nước này từ tháng 1/2020 tới nay.

Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn số liệu cập nhật của Bộ Y tế nước này cho biết trong số ca mắc mới trên có tới 19.179 ca lây nhiễm trong cộng đồng và chỉ có 241 ca nhập cảnh. Phần lớn các ca nhiễm trong cộng đồng được phát hiện qua xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART). Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore là 497.997 ca. Singapore cũng ghi nhận thêm 7 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 913 ca.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù số ca mắc tăng cao nhưng phần lớn chỉ có triệu chứng nhẹ và điều trị tại nhà, Singapore chỉ có thêm 23 người phải nhập viện, nâng tổng số bệnh nhân đang phải điều trị lên 1.355 ca, trong đó 140 ca phải hỗ trợ thở oxy và 23 ca cần chăm sóc đặc biệt.

Tính tới hết ngày 14/2, 90% dân số Singapore đã tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản ngừa COVID-19, trong đó 64% dân số đã tiêm mũi tăng cường.

Campuchia: Thủ đô Phnom Penh cân nhắc tạm ngừng một số hoạt động kinh doanh

Ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại Campuchia đã tăng gấp 4 lần trong tuần qua, gây sức ép nặng nề đối với công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Bộ Y tế Campuchia thông báo trong ngày 14/2, nước này ghi nhận các trường hợp nhiễm Omicron đã tăng gấp 5 lần lên 512 trường hợp so với số ca nhiễm 100 ca hồi tuần trước. Các chuyên gia y tế Campuchia lo ngại tình trạng số ca nhiễm biến thể Omicron tiếp tục tăng do người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp y tế sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch phục hồi.

Chính quyền thành phố Phnom Penh đã tính đến phương án ngừng tạm thời hoạt động trong một số ngành, cơ sở kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo ông Keut Chhe, Phó Thống đốc Phnom Penh, chính quyền thủ đô đang xem xét đóng cửa các dịch vụ giải trí để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát vì Phnom Penh là địa phương có số ca nhiễm biến thể Omicron cao nhất.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm mới đe dọa Đông Âu

Tại châu Âu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang dịch chuyển sang khu vực Đông Âu, đồng thời hối thúc các nước đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cùng các biện pháp khác.

Trong tuyên bố ngày 15/2, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết trong hai tuần qua, số ca mắc COVID-19 đã tăng hơn gấp đôi tại 6 quốc gia Đông Âu gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Nga và Ukraine. Hiện 10 quốc gia khu vực Đông Âu đều đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước châu Âu, trong đó có CH Séc và Ba Lan, đã thông báo khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế ngừa COVID-19 vào tháng tới nếu các ca mắc mới COVID-19 duy trì đà giảm. Tuy nhiên, WHO cho rằng các nước trong khu vực này cần duy trì các biện pháp, trong đó có xét nghiệm nhanh và đeo khẩu trang. Theo tổ chức này, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, hơn 165 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn châu Âu. Riêng trong tuần trước, có tới 25.000 người không qua khỏi.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Kiev, Ukraine ngày 7/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Anh: Người tiêm vaccine ít có nguy cơ bị COVID kéo dài

COVID kéo dài (Long COVID) dường như ít có nguy cơ ảnh hưởng đến những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 hơn là những người chưa được tiêm phòng. Đây là kết luận mới trong bản đánh giá về 15 nghiên cứu do Cơ quan an ninh y tế Anh (UKHSA) thực hiện và công bố ngày 15/2.
Trong bản đánh giá của UKHSA, cơ quan này cho hay nguy cơ bị các triệu chứng COVID kéo dài ở những người đã tiêm 2 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech, AstraZeneca hoặc Moderna, hay vaccine 1 mũi của J&J thấp hơn 50% so với những người chưa được tiêm vaccine.

UKHSA ước tính 2% dân số Anh đã mắc các triệu chứng của COVID kéo dài, trong đó triệu chứng phổ biến nhất là suy nhược cơ thể, hụt hơi, đau mỏi cơ và khớp. Trong số 4 nghiên cứu so sánh các triệu chứng COVID kéo dài trước và sau khi tiêm chủng, 3 nghiên cứu cho rằng nhiều người đã ghi nhận các triệu chứng COVID kéo dài được cải thiện hơn là xấu đi sau khi tiêm chủng. Ba nghiên cứu khác cho thấy triệu chứng COVID kéo dài được cải thiện ở những người đã tiêm phòng.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức: Cuộc chiến chống dịch đạt những bước tích cực

Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach cho biết cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của nước này đang có những diễn biến tích cực và làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đang bị phá vỡ. Theo Bộ trưởng Lauterbach, "đỉnh của làn sóng Omicron đã qua" theo đúng dự đoán trước đó. Điều này cho thấy các biện pháp mà Đức áp dụng là đúng đắn, giúp làm giảm đáng kể số ca tử vong. Đây là điều kiện tốt để chính phủ thực hiện dần nới lỏng các biện pháp.

Ông Lauterbach cũng "hoàn toàn ủng hộ" các đề xuất nới lỏng từng bước mà các bang đã nhất trí và các đề xuất này sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị giữa chính phủ liên bang với các bang, diễn ra vào ngày 16/2.

Italy siết chặt siêu thẻ xanh đối với người trên 50 tuổi

Từ ngày 15/2, tất cả những người lao động trên 50 tuổi, cả trong khu vực nhà nước và tư nhân, bắt buộc phải có siêu thẻ xanh, được cấp cho những người đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi COVID-19, mới được đến nơi làm việc.

Theo quy định tiêm chủng bắt buộc mới, được áp dụng cho tất cả người dân trên 50 tuổi tại Italy, bao gồm cả công dân nước ngoài, lao động tự do và người thất nghiệp, những người lao động chưa tiêm vaccine sẽ bị đình chỉ công tác mà không được trả lương, còn những người đi làm mà không có siêu thẻ xanh có nguy cơ bị phạt từ 600-1.500 euro (680-1.701 USD). Những người sử dụng lao động cũng có nguy cơ bị phạt 400-1.000 euro nếu vi phạm các quy định mới này.

Ngoài những người trên 50 tuổi, từ ngày 15/2, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng trở thành quy định bắt buộc đối với nhân viên các trường đại học và những người làm việc trong các học viện đào tạo âm nhạc, nghệ thuật và khiêu vũ. Người lao động dưới 50 tuổi vẫn chỉ cần thẻ xanh, được cấp cho những người có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, để được đến nơi làm việc.

Thống kê cho thấy khoảng 89% dân số Italy trên 12 tuổi đã tiêm vaccine và 36 triệu người đã tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 1,4 triệu người trên 50 tuổi vẫn chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trung Quốc: Thành phố Tô Châu gia tăng biện pháp kiểm soát dịch

Cùng ngày, chính quyền thành phố Tô Châu - trung tâm công nghiệp công nghệ cao ở miền Đông Trung Quốc, đã hạn chế việc tiếp cận một số tuyến đường cao tốc, sau khi phát hiện các ca mắc mới COVID-19.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 14/2/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), trong ngày 15/2, Tô Châu đã ghi nhận 8 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng có biểu hiện triệu chứng. Trong số các ca mắc mới có ca nhiễm biến thể Omicron. Tô Châu đã tạm ngừng hoạt động của một số dịch vụ xe buýt đường dài, đóng cửa một số tòa nhà liên quan và khuyến cáo người dân không nên rời nơi ở trong trường hợp không cấp thiết.

Thành phố này đã đóng cửa lối vào 15 cao tốc và yêu cầu cả tài xế lẫn hành khách di chuyển qua những tuyến đường còn lại phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ.

Trước đó 1 ngày, khu công nghiệp Tô Châu - khu vực phát triển công nghệ cao quan trọng với khoảng 100.000 công ty và cơ sở sản xuất của các công ty nước ngoài, trong đó có Samsung và Eli Lilly, đã bắt đầu xét nghiệm hàng loạt. Một số công ty trong khu công nghiệp nhận định dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn đối với hoạt động sản xuất và logistics.

Tính đến ngày 14/2, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 107.094 ca mắc COVID-19 biểu hiệu triệu chứng được xác nhận, trong đó bao gồm cả các ca lây nhiễm trong cộng đồng và nhập cảnh.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một em nhỏ ở Indonesia.

Israel: Ca bệnh nặng giảm mạnh

Ngày 15/2, Bộ Y tế Israel thông báo số ca mắc COVID-19 nặng tại đây đã giảm xuống còn 974 ca, so với mức đỉnh 1.229 ca hồi đầu tháng này. Đáng lưu ý trong số các bệnh nhân nói trên, những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 chiếm tới 41% (khoảng 400 ca), mặc dù nhóm này chỉ chiếm tỷ lệ 12% dân số.

Cũng theo Bộ Y tế Israel, hệ số lây nhiễm R, thước đo khả năng lây nhiễm của một bệnh nhân, đang ở mức 0,7, cho thấy làn sóng dịch hiện nay tại quốc gia Trung Đông này tiếp tục thu hẹp.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho phụ nữ mang thai tại Medellin, Colombia. Ảnh: AFP/TXVN

Cùng ngày, chuyên gia Eran Segal tại Viện khoa học Weizmann dự đoán làn sóng dịch COVID-19 tại Israel đã qua đỉnh. Chuyên gia này nhấn mạnh Israel đã ghi nhận số ca mắc mới giảm 3 tuần liên tiếp với tốc độ giảm 20%.

Ngày 14/2, Israel ghi nhận thêm 23.555 ca mắc mới, với tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính là 19,15%. Hiện Israel có tổng cộng 178.100 bệnh nhân COVID-19, trong đó bao gồm 338 bệnh nhân COVID-19 rất nặng và 279 bệnh nhân phải dùng máy thở.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-toi-6h-sang-162-the-gioi-vuot-415-trieu-ca-benh-them-9283-nguoi-chetngay-20220215212244527.htm