COVID-19 và những thảm kịch tại Ấn Độ

Dịch bệnh đang tàn phá Ấn Độ một cách khủng khiếp. Trên khắp mặt báo cũng như mạng xã hội nhan nhản các câu chuyện được coi là những thảm kịch đang xảy ra tại Ấn Độ.

Đi khắp 6 bệnh viện không tìm được chỗ trống

Đây là câu chuyện của một người phụ nữ 51 tuổi tên là Seema Gandotra. Bà được xác định dương tính với COVID-19, được xe cấp cứu đưa đến bệnh viện. Nhưng điều đáng buồn là bà phải nằm suốt 10 tiếng trên xe cấp cứu và di chuyển qua 6 bệnh viện ở thủ đô New Delhi nhưng các nhân viên y tế không tìm được một chiếc giường trống cho bà. Đến khi tìm được một bệnh viện tiếp nhận thì đã quá muộn, bà qua đời chỉ vài giờ sau khi nhập viện.

Sân vận động trong nhà bị biến thành bệnh viện dã chiến

Hệ thống y tế tại Ấn Độ đã rơi vào tình trạng khủng hoảng khi các ca nhiễm COVID-19 tăng vọt. Ấn Độ đang chứng kiến đợt bùng phát dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay với số ca mắc theo ngày đạt mức kỷ lục, hơn 250.000 người, 1700 người đã tử vong. Đến nay, Ấn Độ đã có hơn 15 triệu người mắc COVID-19, 180.000 người tử vong. Theo các chuyên gia, con số thực sự có thể còn lớn hơn.

Làn sóng dịch bệnh đang ào ạt tấn công Ấn Độ, nước Anh đã ban hành lệnh cấm du lịch tới Anh với người Ấn Độ. Hai thành phố lớn nhất của Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, đẩy người dân vào cuộc sống khó khăn, đặc biệt là người nghèo. Nhiều người đã rời khỏi các thành phố lớn, bởi họ lo sợ sẽ lặp lại kịch bản của năm ngoái, khi tất cả mọi doanh nghiệp đóng cửa đột ngột khiến hàng triệu người lao động nhập cư mất việc làm tại các thành phố,nhiều người phải đi bộ về quê nếu không muốn đối mặt với nguy cơ chết đói.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có bài phát biểu trước người dân vào tối ngày 20/4, ông nói: "Sự gia tăng của các ca bệnh như một cơn bão và chúng ta đang ở trước một trận chiến lớn".

Nhiều nơi bị phong tỏa để phòng chống dịch bệnh

Để đối phó với tình trạng sụp đổ của hệ thống y tế, Thủ đô New Delhi đã chuyển đổi trường học thành các bệnh viện. Bệnh viện dã chiến ở các thành phố trước đây bị bỏ hoang nay đang được khôi phục trở lại. Ấn Độ nỗ lực nhập khẩu ô xy và đã bắt đầu chuyển hướng cung cấp ô xy từ các ngành công nghiệp sang y tế.

Ấn Độ và những bài học đau xót trong phòng chống dịch

Đây là nhận định của chuyên gia theo dõi dịch bệnh tại Ấn Độ, ông Bhramar Mukherjee. Chuyên gia này cho rằng, Ấn Độ đã thất bại trong việc học hỏi từ các đợt bùng phát dịch bệnh trên thế giới, những dự đoán không chuẩn xác đã dẫn tới những quyết định sai lầm.

Theo ông Mukherjee, khi các đợt lây nhiễm mới giảm vào tháng 9, các nhà chức trách cho rằng thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch đã qua. Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan thậm chí còn tuyên bố hồi tháng 3 rằng đất nước đã bước vào "chặng cuối cùng" - nhưng thực tế khi đó Ấn Độ mới “ở chân của một con sóng lớn”. Sau thời điểm đó, các ca bệnh không ngừng tăng lên, tại bang Maharashtra, nơi có thủ đô tài chính Mumbai, số ca mắc đã tăng gấp 3 lần so với các tháng trước.

Chuyên gia Mukherjee là một trong những người đã lên tiếng kêu gọi các nhà chức trách Ấn Độ tận dụng thời điểm các ca bệnh thấp hồi đầu năm nay để tăng tốc độ tiêm chủng. Ông cũng kêu gọi chính quyền hạn chế các cuộc tụ tập đông người trong các lễ hội của người Hindu và trì hoãn các cuộc bầu cử đang diễn ra ở Tây Bengal, bởi lo ngại rằng các cuộc tụ tập đông người hay biểu tình sẽ làm gia tăng sự lây lan của virus.

Làn sóng lây nhiễm mới của Ấn Độ đang góp phần làm gia tăng các ca mắc mới trên toàn thế giới. Một số nơi cũng đang trải qua đợt khủng hoảng trầm trọng như Brazil và Pháp. Nguyên nhân chính của làn sóng dịch mới này là do các biến thể mới của virus dễ lây lan hơn, bao gồm cả các biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ.

Hơn một năm sau đại dịch, số người chết trên toàn cầu đã vượt qua 3 triệu người và đang tăng trở lại, trung bình gần 12.000 người mỗi ngày. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng ở nhiều nơi trên thế giới đang gặp khó khăn. Ấn Độ -quốc gia sản xuất vắc xin lớn của thế giới - đã hoãn việc xuất khẩu các mũi vắc xin để tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tuần trước, Ấn Độ cho biết họ sẽ cho phép sử dụng tất cả vắc xin COVID-19 mà Tổ chức Y tế Thế giới hoặc các cơ quan quản lý ở Mỹ, châu Âu, Anh hoặc Nhật Bản cho phép sử dụng. Ngày 19/4, Ấn Độ tuyên bố sẽ tiêm chủng mở rộng cho tất cả người trưởng thành ở Ấn Độ, ước tính khoảng 900 triệu người. Hiện nay, nguồn cung vắc xin toàn cầu trong tình trạng thiếu hụt, không rõ khi nào các nhà sản xuất vắc xin Ấn Độ sẽ có đủ năng lực để đáp ứng những mục tiêu này. Nhà sản xuất vắc xin của Ấn Độ Bharat Biotech cho biết, họ đang mở rộng quy mô để sản xuất 700 triệu liều vắc xin mỗi năm.

Hải Yến

(Theo AP)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/covid-19-va-nhung-tham-kich-tai-an-do-n190408.html