Covid-19 và thời của các nhà lãnh đạo nữ

Khi đại dịch Covid-19 tàn phá thế giới, những quốc gia có lãnh đạo là phụ nữ lại cực kỳ thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng. Họ đã làm điều này như thế nào?

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. (Nguồn: Getty)

Những quốc gia như Đức, New Zealand, cho đến lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đều có những thành công nhất định trong công cuộc đối phó với đại dịch Covid-19. Tất cả đều có chung một đặc điểm - lãnh đạo cấp cao là phụ nữ. Ngoài ra, chính phủ của các quốc gia và vùng lãnh thổ này đều có được mức độ tín nhiệm cao, ngăn chặn được đại dịch thông qua sự can thiệp sớm dựa trên khoa học.

Hành động sớm, quyết đoán

Tại Đài Loan (Trung Quốc), vùng lãnh thổ này đã có những biện pháp can thiệp sớm, giúp kiểm soát đại dịch Covid-19 thành công và hiện còn xuất khẩu hàng triệu chiếc khẩu trang hỗ trợ Liên minh châu Âu và các nước khác trong cuộc chiến với dịch bệnh.

Những năm gần đây, Đài Loan không còn được giữ tư cách quan sát viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vì vậy, nhiều người tưởng rằng, vùng lãnh thổ này sẽ cực kỳ dễ bị tổn thương bởi một dịch bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục.

Lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn.

Nhưng ngay khi nghe tin về một loại virus bí ẩn đang lây nhiễm cho công dân thành phố Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái, Lãnh đạo Đài Loan đã ngay lập tức ra lệnh kiểm tra và sàng lọc các chuyến bay đến từ Vũ Hán, bắt đầu từ ngày 31/12. Sau đó, bà Thái Anh Văn cũng đã thành lập một trung tâm khẩn cấp vào ngày 2/1, đẩy mạnh sản xuất các thiết bị y tế cá nhân như khẩu trang và hạn chế tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau.

Tất cả những hành động quyết liệt và quyết đoán này đã giúp hạn chế sự bùng phát của Covid-19 tại Đài Loan, khi tính đến ngày 15/4, vùng lãnh thổ này mới ghi nhận 395 ca nhiễm và 6 ca tử vong.

Nước Đức, với 83 triệu dân, với hơn 132.000 ca nhiễm Covid-19 nhưng hiện giữ tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với mặt bằng của chung châu Âu (khoảng 2,6%).

Mỗi tuần, Đức thực hiện khoảng 350.000 xét nghiệm Covid-19 trên toàn bộ lãnh thổ. Việc xét nghiệm hàng loạt giúp Đức phát hiện người nhiễm virus SARS-CoV-2 sớm và có những biện pháp cách ly, cũng như chữa trị kịp thời.

Tỷ lệ ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã tăng vọt nhờ khả năng lãnh đạo của bà trong cuộc khủng hoảng Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Đức Angela Merkel, với bằng tiến sĩ hóa học lượng tử, đã sớm cảnh báo virus corona chủng mới rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến 70% dân số. "Nó rất nghiêm trọng. Vì vậy hãy nghiêm túc" - bà nhấn mạnh. Đức đã bắt tay chống dịch và xét nghiệm ngay từ đầu, bỏ qua các giai đoạn bỡ ngỡ, tức giận như ở nhiều nước khác.

Còn tại New Zealand, cho dù quốc gia này phụ thuộc phần lớn vào ngành du lịch, nhưng nữ Thủ tướng Jacinda Ardern đã không ngần ngại hành động từ khi nước này chỉ mới có 6 ca bệnh, yêu cầu cách ly tất cả những người nhập cảnh và sau đó cấm hoàn toàn người nước ngoài vào New Zealand từ ngày 19/3. Ngày 23/3, bà Ardern tuyên bố lệnh giãn cách xã hội toàn quốc.

New Zealand cũng tiến hành xét nghiệm rộng rãi và ghi nhận gần 1.400 ca nhiễm chủng mới của virus corona. Thế nhưng, sự quyết đoán của bà Ardern đã cứu New Zealand khỏi cơn bão Covid-19 với chỉ 9 trường hợp tử vong.

Nam giới không phải lúc nào cũng đúng

Trong số 5 quốc gia Bắc Âu, chỉ có Thụy Điển được lãnh đạo bởi nam giới. Ở 4 quốc gia còn lại, tỷ lệ người tử vong do dịch Covid-19 đều thấp hơn so với mặt bằng chung châu Âu. Nước Phần Lan của lãnh đạo trẻ nhất thế giới, Thủ tướng Sanna Marin đã thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 khi chỉ 64 ca tử vong trên tổng số 5,5 triệu dân.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin. (Nguồn: Getty)

Dù chỉ là nước nhỏ, Iceland của Thủ tướng Katrin Jakobsdottir thực hiện số xét nghiệm cao gấp năm lần Hàn Quốc và hoàn toàn ngẫu nhiên. Iceland cũng tìm ra được một nửa số người dương tính với SARS-CoV-2 không có triệu chứng, phần nào giúp thế giới biết thêm về loại virus nguy hiểm này. Hệ thống kiểm soát dịch bệnh tốt cũng đã giúp họ không phải phong tỏa hay đóng cửa trường học.

Trong khi đó, tại Thụy Điển, Thủ tướng Stefan Lofven từ chối nghe theo cảnh báo của WHO khi không đưa ra các lệnh phong tỏa, giữ các trường học và doanh nghiệp tiếp tục mở cửa. Ở đó, tỷ lệ tử vong đang cao hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Âu khác.

Một số nữ nguyên thủ khác cũng được đánh giá cao vì những phản ứng nhanh chóng và quyết liệt trước Covid-19. Thủ tướng Silveria Jacobs của đảo quốc Sint Maarten tuy chỉ điều hành một hòn đảo nhỏ với hơn 41.000 dân ở vùng Caribbean, nhưng nổi tiếng toàn cầu với video kêu gọi người dân "đơn giản là dừng di chuyển" trong 2 tuần.

Hiện giờ, tâm dịch Covid-19 của thế giới hiện nay là Mỹ. Tổng thống Trump cũng không nghe theo cảnh báo từ các nhà khoa học hàng đầu trong nhiều tháng và giờ đây, xứ cờ hoa đang rơi vào tình trạng khủng hoảng y tế và xã hội, với hơn 614.000 ca nhiễm Covid-19, 26.064 ca tử vong và những con số này vẫn chưa thể dừng lại.

Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson thời gian đầu cũng bác bỏ những lời cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này, cũng từ chối đưa ra các hạn chế xã hội, kể cả khi các nước châu Âu khác đã phải tuyên bố phong tỏa. Ông Boris Johnson cũng là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới phải nhập viện vì Covid-19.

Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir. (Nguồn: Getty)

Tất nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để kết luận chính xác nhà lãnh đạo nào đã thực hiện đầy đủ và hiệu quả các biện pháp cần thiết để kiểm soát sự lây lan của dịch Covid19. Nhưng các ví dụ trên cho thấy các nhà lãnh đạo có những hành động sớm và quyết đoán đối với Covid-19 thì thường là phụ nữ.

Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay chỉ có 10/152 nguyên thủ quốc gia là phụ nữ. Giám đốc điều hành của UN Women Phumzile Mlambo-Ngcuka cho biết: “Chúng ta đã tạo ra một thế giới mà phụ nữ chỉ chiếm 25% tại các cơ quan có tiếng nói trên thế giới và đó là không đủ”.

Quang Đào

(theo CNN)

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-va-thoi-cua-cac-nha-lanh-dao-nu-113778.html