CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2019 tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2018.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Trong mức tăng 0,18% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2019 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33% (lương thực tăng 0,05%; thực phẩm tăng 0,4%); giáo dục tăng 0,22% (dịch vụ giáo dục tăng 0,17%) do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,15% (giá du lịch trọn gói tăng 0,22%; khách sạn tăng 0,58%; dịch vụ giải trí tăng 0,74%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,1%;

Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; bưu chính viễn thông tăng 0,01%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% do chỉ số giá nhóm bảo hiểm y tế tăng 6,67%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,94%. Riêng nhóm giao thông và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng cùng giảm 0,03%.

CPI bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 7/2019 tăng 1,59% so với tháng 12/2018 và tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2019 tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 1,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Với số liệu CPI được đưa ra hồi tháng 6/2019, cụ thể là CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so cùng kỳ năm 2018, thấp nhất trong vòng 3 năm qua, theo dự báo của nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá, từ nay đến cuối năm, có một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá như: Biến động của giá xăng dầu thế giới, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường, việc điều chỉnh lương cơ sở, yếu tố rủi ro về dịch bệnh, thiên tai và thời tiết bất lợi…

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Dự báo giá gạo trong nước và thế giới có khả năng giảm do nhu cầu thấp, nguồn cung dồi dào; các mặt hàng vật liệu xây dựng ổn định; giá dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm; tỷ giá, lãi suất hiện vẫn đang được điều hành ổn định…

Từ đó, nhóm giúp việc dự báo 2 kịch bản tăng lạm phát bình quân cho cả năm 2019 đều nằm trong khoảng từ 3,17-3,41%, thấp hơn cả mục tiêu đặt ra từ phiên họp trước đó là CPI 3,3-3,9% và thấp hơn cả CPI của năm 2018.

“Với kịch bản trên, các mặt hàng, dịch vụ công do Nhà nước còn quản lý sẽ còn dư địa xem xét vào quý IV/2019”, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết.

BẢO VY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/cpi-binh-quan-7-thang-dau-nam-2019-tang-thap-nhat-trong-3-nam-gan-day-3515260.html