CPI tăng trở lại

Theo số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2018 vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố ngày 29/8, CPI tháng này tăng 0,45% so với tháng 7, tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,59% so với tháng 12 năm trước.

Người dân chọn mua đồ tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Thực phẩm, học phí đẩy CPI tháng 8 tăng mạnh

Với các dữ liệu cơ bản trên, lạm phát cơ bản tháng 8/2018 tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 1,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng, chỉ số này tăng 1,38% so với cùng kỳ 2017. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng trong tháng 8/2018. Tuy vậy, nguyên nhân làm tăng CPI tháng 8/2018 chủ yếu là do nhóm lương thực, thực phẩm, học phí tăng giá đẩy CPI tháng 8 tăng mạnh.
Cụ thể, giá thịt lợn tăng 3,41% so với tháng trước đã khiến nhóm thực phẩm tăng 1,12% và góp phần làm CPI chung tăng 0,45%; giá rau xanh tăng 2,87% do ảnh hưởng của mưa bão, lũ quét. Từ ngày 1/8/2018, giá gas trong nước điều chỉnh tăng do giá gas thế giới bình quân tháng 8/2018 công bố ở mức 587,5 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với tháng trước.
Một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Chính phủ. Tính chung, nhóm giáo dục tăng 0,46% do 14 địa phương tăng học phí theo lộ trình.
Giá USD biến động khá mạnh, tăng 1,12% so với tháng 7 và tăng 2,44% so với cùng kỳ 2017. Cơ quan thống kê đánh giá, với biên độ tỷ giá VND/USD dao động 3% là "phù hợp với tình hình thị trường trong nước, quốc tế".
Bám sát diễn biến giá cả
Như vậy, sau tháng 7 giảm nhẹ, CPI tháng 8 tăng trở lại do hầu hết các nhóm hàng hóa và dịch vụ đều có chỉ số tăng so với tháng trước.Trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản 8 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ ở mức 1,38% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định...
Theo đánh giá của ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), trong các tháng còn lại của năm nay, giá dầu thế giới biến động sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng. NFSC cho rằng, việc kiểm soát lạm phát và giá cả một số mặt hàng như xăng dầu, thực phẩm các tháng cuối năm là yêu cầu cần lưu ý. Về giá dầu, NFSC tính toán, nếu giá dầu năm 2018 tăng lên mức 60 - 62 USD/thùng như dự báo thì sẽ làm cho giá dịch vụ nhóm giao thông tăng khoảng 5 - 7% so với năm trước và lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tăng ở mức 3,5 - 3,8%. 65 USD/thùng theo như dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) thì giá nhóm giao thông tăng khoảng 8 - 10%, lạm phát năm 2018 dự báo tăng 4 - 4,1% so với cùng kỳ.
Với giá dịch vụ công theo lộ trình, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ tư duy có thể tăng giá nếu còn dư địa. Bởi khi tăng giá sẽ ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát, đồng thời kiến nghị nên xem lại cả kế hoạch tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.
Giá cả đang chịu áp lực kép, đó là tác động từ yếu tố thị trường và tâm lý nặng nề ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đòi hỏi Chính phủ luôn đi sát từng diễn biến của giá, không để có bất thường gì lớn xảy ra. Trong bối cảnh áp lực lạm phát và tỷ giá đang ngày càng tăng, mục tiêu ổn định vĩ mô cần được ưu tiên nhất. Theo đó, những tín hiệu đầu tiên về chính sách tiền tệ thắt chặt đã xuất hiện. Có thể thấy, NHNN đã giới hạn room tín dụng và những động thái tăng lãi suất đang dần trở thành xu thế lan rộng ở nhiều các NHTM.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cpi-tang-tro-lai-324122.html