CPI tháng 8, 9 sẽ tăng mạnh

Dự báo này đã được hầu hết các chuyên gia đưa ra sau khi tăng giá điện thêm 5% từ 1-8.

Không chỉ giá điện, mở đầu tháng 8 cũng ghi nhận hàng loạt cú đúp tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác đổ lên người tiêu dùng lẫn DN. Giá gas đã chính thức tăng thêm 667 đồng/kg, tương đương mức 8.000 đồng/bình 12kg, giá gas tới tay người tiêu dùng vào khoảng 384.000 - 390.000 đồng/bình 12 kg. Giá sữa cũng được điều chỉnh tăng thêm từ 5-20% tùy từng dòng sản phẩm.

Trước đó, việc tăng giá xăng dầu từ ngày 17-7, dù chưa gây ảnh hưởng tới CPI tháng 7 nhưng chắc chắn sẽ dồn vào CPI tháng 8. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, áp lực lạm phát hiện nay là không thể coi thường và sẽ càng tăng cao hơn từ nay tới cuối năm. Chỉ số CPI tháng 9 có thể còn cao hơn tháng 8.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội đồng quan điểm, CPI tháng 8 sẽ tăng cao hơn CPI tháng 7 là điều chắc chắn, dao động từ 0,6-0,7%. Phân tích rõ hơn, ông Phú nhấn mạnh, việc hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá, có những mặt hàng trong hơn 1 tháng tăng tới 3 lần như xăng đã tạo thành một đợt sóng dồn dập đổ vào CPI tháng 8, và khả năng lan sang tháng 9.

Song, điều đáng bàn nhất hiện nay không phải câu chuyện tăng giảm CPI mà là đời sống người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tăng giá đang tạo thành một cú sốc lớn, liên tục gây áp lực lên người dân. Trong bối cảnh sức cầu giảm rất mạnh, doanh số bán ra chỉ tăng hơn 4,5%, giảm tới 1,3% so với con số cùng kỳ năm ngoái là 6,7%.

Hàng hóa đang tăng giá một cách âm thầm và tinh vi, kèm theo đó là những nguy cơ về chất lượng suy giảm, biến tướng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, hàng kém phẩm chất sẽ phát sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân. Lương cơ bản đã tăng nhưng không đáng kể do giá đã tăng gấp đôi, gấp ba. Tức là chỉ có lương danh nghĩa lên, còn lương thực tế vẫn thấp” – ông Phú bình luận.

Đồng thời, điều khiến người dân quan tâm nhất hiện nay là chính sách điều hành chưa rõ ràng, dẫn tới việc tăng giá một cách bất hợp lý và thiếu minh bạch, từ giá điện, giá xăng, giá sữa… Như mặt hàng xăng dầu, nếu đã độc quyền thì nhà nước phải định giá, hoặc cần thêm các công ty kinh doanh xăng dầu để tạo sức cạnh tranh và sự minh bạch cho thị trường, tránh hiện tượng tăng nhanh giảm chậm như hiện nay.

Nguyễn Nga

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=67717&menu=1372&style=1