CPI thấp hơn dự báo: Lạm phát sẽ được kiểm soát

Hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá theo lộ trình; dịch tả lợn châu Phi bùng phát… đã khiến không ít người lo ngại thị trường hàng hóa sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, sự linh hoạt trong công tác điều hành đã giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý đầu năm tăng ở mức khá thấp, tạo dư địa cho mục tiêu cả năm.

CPI giảm trong tháng 3

Theo Tổng cục Thống kê, sau 2 tháng tăng, tháng 1 tăng 0,1% so với tháng trước, tháng 2 tăng 0,8%, CPI đã giảm trong tháng 3 (giảm 0,21%). CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2019 ước tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018 - mức thấp nhất trong 3 năm liên tiếp gần đây (quý I/2017: 4,96%, quý II/2018: 2,82%).

Tiêu thụ thịt lợn ổn định ở hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm an toàn

Tiêu thụ thịt lợn ổn định ở hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm an toàn

Phân tích về biến động của CPI trong quý đầu năm, bà Tạ Thị Thu Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cho hay, CPI tháng 3 giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi phát hiện ở nhiều tỉnh, thành phố nên người dân hạn chế sử dụng, giá thịt lợn giảm thấp. Nhu cầu các mặt hàng khác như may mặc, giày dép, điện tử… đều giảm khiến CPI thấp hơn khá nhiều so với dự đoán trước đó.

Ngoài những yếu tố khách quan, chỉ số CPI còn được giữ vững nhờ sự điều hành linh hoạt các mặt hàng thiết yếu do nhà nước quản lý. Cụ thể, ngày 20/3, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 8,36%, tương ứng với mức tăng 144 đồng/kWh sau thời gian dài ổn định.

Mặc dù mức tăng giá điện được tính toán sẽ chỉ tác động khoảng 0,33% lên mức tăng CPI của tháng 3, nhưng do điện là đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác nên không loại trừ khả năng nhiều mặt hàng sẽ lợi dụng việc tăng giá điện để “té nước theo mưa”. Chưa kể, việc được điều chỉnh sát ngày tăng giá xăng dầu cũng khiến nhiều người lo ngại sẽ tạo tác động bất lợi “kép” cho các mặt hàng khác.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, tháng 3 cũng là thời điểm giá xăng dầu thế giới tăng cao. Tuy nhiên, để giảm áp lực lên CPI, liên Bộ Tài chính và Công Thương đã thực hiện xả Quỹ Bình ổn xăng dầu để bù vào đà tăng của giá xăng dầu theo tín hiệu tăng của thế giới. Trong kỳ điều hành gần đây nhất vào ngày 18/3, Quỹ đã xả 2.801 đồng/lít với xăng E5RON92, 2.061 đồng/lít với xăng RON95, 1.343 đồng/lít với dầu DO nhằm giữ nguyên giá xăng dầu, tạo dư địa cho tăng giá điện sau đó 2 ngày để giảm tác động của việc tăng giá điện lên CPI.

Đối với mặt hàng thịt lợn, việc dịch tả lợn châu Phi đến cùng lúc với thông tin sán lợn “bùng nổ” trên mạng xã hội khiến không ít người tiêu dùng hoang mang, tẩy chay loại thực phẩm này. Tuy nhiên, bên cạnh phối hợp với các đơn vị khác thực hiện tốt việc dập dịch, Bộ Công Thương đã vận động các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… nói không với thịt lợn không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về thịt lợn. Nhờ đó, dù ở một số chợ dân sinh, lượng tiêu thụ thịt lợn giảm, nhưng ở hệ thống siêu thị và các cửa hàng thực phẩm an toàn, nguồn hàng này khá dồi dào.

Minh bạch chi phí đầu vào

Dự báo CPI tháng 4, bà Tạ Thị Thu Việt cho hay, CPI dự báo sẽ tăng nhẹ do các yếu tố như giá điện tăng khiến tăng nguyên nhiên vật liệu đầu vào; nhu cầu sử dụng điện tăng cao do mùa nóng; giá xăng dầu, gas tăng theo xu hướng thế giới…

Theo quy luật các năm trước, CPI quý II sẽ ảnh hưởng lớn đến CPI cả năm nên cần các giải pháp giúp CPI giảm hơn so với cùng kỳ. “Tổng cục Thống kê kiến nghị các cơ quan chức năng không nên tăng giá những mặt hàng do nhà nước quản lý, hoặc có sự tính toán sao cho hợp lý nhất để không tác động quá lớn đến CPI thời gian này” - bà Việt cho biết.

Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, Bộ Công Thương được yêu cầu có giải pháp điều hành cung - cầu, không để xảy ra biến động lớn đối với mặt hàng thịt lợn. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến giá thế giới, có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước, kết hợp với trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý, bình ổn trong thời điểm giá thế giới có biến động bất thường, không ảnh hưởng tới kỳ vọng về lạm phát; tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch chi phí đầu vào của giá điện, kết quả sản xuất, kinh doanh điện theo quy định.

Tại Cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ quý I/2019 và cập nhật tình hình, đề xuất các giải pháp điều hành trong những tháng còn lại của năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá Vương Đình Huệ nhận định, Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát của năm 2019 ở mức từ 3,3 - 3,9%.

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cpi-thap-hon-du-bao-lam-phat-se-duoc-kiem-soat-117722.html