CPJ lại diễn trò lố bịch

Thuật ngữ 'quyền dân tộc tự quyết' xuất hiện trong đời sống nhân loại từ những năm giữa thế kỷ XVIII và sau này được Liên hợp quốc ghi nhận tại khoản 2 Điều 1 của Hiến chương Liên hợp quốc: 'Phát triển quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và dân tộc tự quyết'. Như vậy, quyền dân tộc tự quyết được hiểu là một dân tộc hoàn toàn tự do trong việc tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như lựa chọn thể chế chính trị, đường lối phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của mình trên cơ sở chủ quyền quốc gia.

Như vậy, luật pháp quốc tế đã quy định rất rõ ràng và dễ hiểu về quyền dân tộc tự quyết. Thế nhưng, Ủy ban bảo vệ các nhà báo có tên viết tắt là CPJ lại cố tình che mắt, bịt tai xem như không nghe, không thấy, không hiểu gì nên chuyên nói liều, nói ẩu. Tuy là tổ chức được một nhóm thông tin viên nước ngoài của Mỹ thành lập năm 1981, với mục đích ban đầu đề ra là thúc đẩy tự do báo chí và bảo vệ các quyền của nhà báo, trên thực tế hoạt động của CPJ lại trái ngược hoàn toàn. Vì từ nhiều năm nay, CPJ liên tục cho đăng tải, phát tán các thông tin, bài viết với nội dung xuyên tạc, bịa đặt về tình hình dân chủ, tự do báo chí ở Việt Nam. Chưa hết, CPJ còn lưu truyền không ít bài viết mang tính can thiệp một cách trắng trợn và thô thiển vào công việc nội bộ của Việt Nam - quốc gia có chủ quyền và là thành viên của Liên hợp quốc.

Bằng chứng là thời gian qua, những đối tượng có hành vi tuyên truyền, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã bị xử lý nghiêm theo pháp luật, nhưng lại được CPJ tôn vinh là các “nhà báo”, “nhà hoạt động dân chủ”, “nhân quyền”... chân chính. Đó là Trần Huỳnh Duy Thức, Trương Duy Nhất, Võ Thanh Tùng, Tạ Phong Tần, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Thị Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy… Thâm độc và nguy hiểm hơn, CPJ còn câu kết với các tổ chức thù địch, phản động hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam để trao “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng”, “giải thưởng Nhân quyền Việt Nam”, “giải thưởng báo chí”… Cụ thể là vào ngày 14-7-2022, trong bản tin trên website của CPJ, tổ chức này đã công bố danh sách 4 người được “tôn vinh” nhận giải thưởng “Tự do Báo chí quốc tế năm 2022”. Trong số đó có Phạm Thị Đoan Trang - người đang phải chấp hành án 9 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Cũng theo website của CPJ, “những nhà báo nhận giải năm nay được mô tả là đã phải chịu đựng những thử thách lớn lao như sự đàn áp và tấn công của chính quyền, và sự tù đày, trong lúc thực thi sứ mạng cung cấp tin tức độc lập”. Chưa hết, tổ chức này còn đưa ra lời “khuyến cáo” rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng và chính quyền Việt Nam nói chung nên bắt đầu coi tự do báo chí là một điều cần thiết, để khắc phục những vấn đề nội tại trong xã hội, để cải thiện vấn đề quản trị công và để đưa đất nước đi lên”. Tuy nhiên, lời nói của một cá nhân hay phát ngôn của một tổ chức không chính danh thì ai mà nghe. Hơn nữa, thực chất đây chỉ là giải thưởng mang tính chất “tự sướng” của những kẻ thiếu thiện chí muốn chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhằm can thiệp vào công việc nội bộ và hạ uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Và với bản chất của những kẻ chống phá đất nước thì vô hình trung việc “tôn vinh” hay “vinh danh” hoặc trao giải thưởng này càng làm lộ rõ bản chất của những kẻ đứng ở phía sau.

Thực chất hoạt động của CPJ là câu móc, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc các thành phần chống đối thuộc các nước có hệ tư tưởng đối lập với hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa và cổ vũ, tài trợ, hướng dẫn các đối tượng chống đối thực hiện hành vi chống phá Đảng, Nhà nước ta. Sau đó, chúng dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để lên án, can thiệp, gây sức ép về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Không những thế, CPJ còn trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam khi ra rả loan tin cổ xúy, đòi trả tự do cho những kẻ lợi dụng tự do báo chí để chống chế độ. Bỉ ổi và lố bịch hơn, CPJ còn thường đưa ra các “thông cáo”, “báo cáo”, “kháng nghị”, “tuyên bố”… dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan, thậm chí bị bóp méo, xuyên tạc về những vấn đề liên quan đến tự do ngôn luận.

Thế nhưng, sự thật về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam trong những năm qua đã phản bác lại những xuyên tạc, vu cáo của CPJ. Việt Nam hiện có 816 cơ quan báo chí, trong đó 634 cơ quan báo in với 813 ấn phẩm; hơn 600 đài truyền thanh cấp huyện; hơn 41 ngàn người làm việc trong các cơ quan báo chí; hơn 18 ngàn người được cấp thẻ nhà báo và Hội Nhà báo Việt Nam có hơn 27 ngàn hội viên. Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có 93,5 triệu thuê bao sử dụng smartphone - điện thoại thông minh. Trong đó, số người sử dụng smartphone từ 15 tuổi là 53,5 triệu, đạt 84,6%. Kể từ ngày internet vào Việt Nam năm 1997, đến nay Việt Nam đã là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới, với tỷ lệ 70,3% và tương đương với các nước phát triển. Trong khi đó, tỷ lệ bình quân của thế giới là 59,5%.

Xin nói lại cho rõ, chỉ những “nhà dân chủ”, “nhân quyền” giả danh mới xem tự do báo chí, tự do ngôn luận là một quyền không giới hạn. Vì điều này là không thể có và không tồn tại ở bất cứ quốc gia nào trên trái đất này. Vẫn biết rằng, tự do ngôn luận, tự do báo chí là một quyền cơ bản của công dân. Và tại khoản 2 Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự khẳng định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, để thực thi quyền này, tại khoản 3 Điều 19 của Công ước quy định: Việc thực hiện quyền này kèm theo nghĩa vụ, trách nhiệm đặc biệt, phải chịu một số hạn chế được quy định trong pháp luật để tôn trọng quyền, uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức... Vì vậy, CPJ và những tổ chức cùng hội cùng thuyền đã không có não trạng thì cũng đừng tư duy bằng đầu gối.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/135234/cpj-lai-dien-tro-lo-bich