CPTPP gia tăng áp lực lên ngành bán lẻ

Làn sóng các nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam vốn dĩ đã mạnh, nay thêm các cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cạnh tranh đến từ các nhà đầu tư CPTPP trên thị trường bán lẻ có thể sẽ thêm gay gắt hơn.

Cạnh tranh đến từ các nhà đầu tư CPTPP trên thị trường bán lẻ có thể sẽ thêm gay gắt hơn. Nguồn: Internet

Cạnh tranh đến từ các nhà đầu tư CPTPP trên thị trường bán lẻ có thể sẽ thêm gay gắt hơn. Nguồn: Internet

Một đánh giá gần đây từ giới phân tích thị trường bán lẻ Việt Nam cho thấy các nhà bán lẻ ngoại đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang nắm 92% mô hình đại siêu thị tại Việt Nam. Dự báo năm 2019, ngành bán lẻ Việt sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ ngoại rót vốn, với các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sôi nổi.

Cạnh tranh khốc liệt hơn

Theo Báo cáo triển vọng năm 2019 của công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), số lượng các siêu thị, đại siêu thị và trung tâm thương mại tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) giai đoạn 2015 – 2017 lên tới 36,8% so với mức 16,2% trong giai đoạn 2012 – 2014, với động lực đến từ các thương vụ M&A của các nhà đầu tư ngoại, thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh doanh mới này.

VCBS cũng cho biết, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi là mô hình phát triển nhanh nhất. Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu bán lẻ (khoảng 0,4%, theo Euromonitor) nhưng đây là loại hình chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất, với tốc độ tăng trưởng CAGR giai đoạn 2012 – 2017 đạt 48%. Sự tăng trưởng này đã thu hút các nhà đầu tư ngoại với các thương hiệu quốc tế như Family Mart, Circle K, Shop&Go và Bs Mart, GS25…

Theo bà Phạm Thanh Nga, thành viên Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), với CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019, cạnh tranh đến từ các nhà đầu tư CPTPP trên thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ gay gắt hơn vì cam kết mở cửa thị trường sâu hơn WTO. Đặc biệt sau 5 năm khi CPTPP có hiệu lực (khi các quy tắc Kiểm tra nhu cầu kinh tế được dỡ bỏ hoàn toàn với đầu tư của các đối tác này).

"Tuy nhiên, các cam kết trong các lĩnh vực khác của CPTPP, đặc biệt là cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa và thương mại điện tử lại hứa hẹn những nguồn cung mới, hấp dẫn và hiệu quả cho thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam, đi kèm với kỳ vọng về sự sôi động của thị trường này sau khi CPTPP chính thức có hiệu lực", bà Nga nhận định.

Như vậy, có thể thấy làn sóng các nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam vốn dĩ đã tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, cộng với lực đẩy mới từ CPTPP, sẽ càng tăng mạnh thêm trong những năm tới.

Đặc biệt là làn sóng các giao dịch M&A trong ngành bán lẻ Việt, như nhận định của VCBS, đã dậy lên từ đầu năm 2016 và tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây như một kênh đầu tư hấp dẫn.

Thu nhập người dân tăng là động lực tăng trưởng chính của ngành này (tổng chi tiêu của hộ gia đình được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 11,4% trong giai đoạn 2017 – 2021, theo Euromonitor), cũng như dư địa mở rộng thị trường nhờ đô thị hóa tiếp tục diễn ra.

Thiếu quan tâm tới các cam kết

Điều đáng lưu tâm là kết quả điều tra doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt trong một nghiên cứu cho thấy các DN bán lẻ có hiểu biết về CPTPP ở mức trung bình so với nhận thức của cộng đồng DN nói chung về hiệp định này. Cụ thể, chỉ có 45% các DN bán lẻ biết ở mức tương đối rõ, rõ hoặc rất rõ về CPTPP. Phần lớn DN dường như chưa thực sự nắm bắt được các vấn đề cốt lõi có liên quan tới mình trong CPTPP.

Bà Phạm Thanh Nga cho biết tỷ lệ các DN bán lẻ được điều tra hiểu về cam kết bán lẻ trong CPTPP rất thấp, cho thấy thực tế là các DN dường như mới chỉ biết tới CPTPP theo phong trào, dưới tác động của báo chí, hơn là xuất phát từ các quan tâm cụ thể. Điều này phần nào cho thấy khiếm khuyết trong công tác phổ biến tuyên truyền CPTPP cho DN nói chung và DN bán lẻ nói riêng.

Đáng chú ý, trong một thống kê gần đây cho thấy có tới 58% các DN thừa nhận việc mở cửa cho các nhà đầu tư CPTPP vào thị trường bán lẻ sẽ khiến cho cạnh tranh của mình trở nên khó khăn hơn, nhưng DN vẫn nhìn nhận và mong chờ ở những tác động tích cực của các cam kết này nhiều hơn.

Ngoài ra, có tới 98% DN đánh giá đây là cơ hội để họ học hỏi và phát triển; 91% DN cho rằng CPTPP sẽ giúp họ có thêm nguồn cung hàng hóa phong phú với giá cả hợp lý hơn. Các con số này thậm chí còn cao hơn tỷ lệ đánh giá về tác động tích cực của CPTPP đối với ngành bán lẻ.

Về vấn đề cạnh tranh ở thị trường bán lẻ Việt trong tương lai, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpaner Việt Nam (công ty chuyên về nghiên cứu thị trường), lưu ý đòi hỏi DN Việt cần hiểu người tiêu dùng, cải tiến sản phẩm, đưa ra sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.

Mặt khác, giới chuyên gia cho rằng các DN bán lẻ Việt Nam cũng có những đánh giá rất lạc quan và tỉnh táo về CPTPP. Đó là dù nhìn thấy được các thách thức cạnh tranh, nhưng DN Việt vẫn nghiêng về hướng các tác động tích cực. Sự sẵn sàng về mặt tinh thần của các DN đã có, vấn đề còn lại là chuyển tinh thần này thành hành động cụ thể trong việc lên kế hoạch, chuẩn bị kỹ càng cho tương lai cùng với CPTPP.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/cptpp-gia-tang-ap-luc-len-nganh-ban-le-301985.html