CPTPP khả năng có hiệu lực vào đầu năm 2019

Trong tuần giữa tháng 10, Thượng viện Australia đã thông qua văn kiện phê chuẩn Hiệp định CPTPP, hiệp định thương mại sâu rộng được ký kết giữa 11 nền kinh tế ở Thái Bình Dương.

Hiệp định được ký kết hồi tháng 3 năm 2018 tại Chile. Australia trở thành nước thứ tư đã phê chuẩn hiệp định này theo kế hoạch, sau Mexico, Nhật Bản và Singapore, góp phần thúc đẩy khả năng CPTPP có hiệu lực vào đầu năm tới. Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định “đó là một ngày quan trọng đối với doanh nghiệp trên cả nước”. Khi có hiệu lực, CPTPP “sẽ kết nối Australia với nửa tỷ người tiêu dùng trên khắp thế giới” đặc biệt có lợi cho nông dân và các nhà cung cấp dịch vụ của Australia.

Theo các điều khoản của CPTPP, yêu cầu phải có ít nhất một nửa số nước ký kết thực hiện phê chuẩn, tương đương 6/11 nước. Trong khi 4 nền kinh tế đã phê chuẩn, nhưng nền kinh tế khác vẫn đang thực hiện các thủ tục nội bộ, khả năng là Canada, Việt Nam và Niu Dilan sẽ đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn tất thủ tục này.

Cùng ngày mà Australia phê chuẩn hiệp định, CPTPP cũng được phê chuẩn tại Hạ viện Canada và sẽ sớm được Thượng viện xem xét. Đầu năm nay, Văn phòng Kinh tế trưởng tại Global Affairs Canada đã đưa ra một báo cáo cho rằng “CPTPP sẽ tạo ra lợi ích kinh tế dài hạn cho Canada với tổng trị giá 4,2 tỷ đô la Canada”, điều này tốt hơn so với đánh giá trước đây. Báo cáo cũng ghi nhận khả năng cải thiện tiếp cận thị trường đối với hoạt động kinh doanh của Canada đối với các nước CPTPP khác khi không có sự cạnh tranh của Mỹ.

Niu Dilan dự kiến sẽ hoàn tất phê chuẩn nội bộ sau khi nghị viện kết thúc cuộc thảo luận trong vài tuần. Bộ trưởng Thương mại và tăng trưởng xuất khẩu David Parker đã nhấn mạnh “việc sớm phê chuẩn hiệp định cũng có nghĩa là tạo sân chơi bình đẳng ngay lập tức cho nhiều nhà xuất khẩu Niu Dilan ở một số thị trường quan trọng”.

Còn tại Việt Nam, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng hy vọng sẽ phê chuẩn hiệp định trong tháng 11, vì hiệp định này giúp khai thác các tiềm năng kinh tế và tiềm năng thương mại tối đa của Việt Nam.

Đối với các nước ký kết CPTPP khác, một số nước cũng đang thực hiện các bước tiến quan trọng trong quá trình phê chuẩn. Tại Chile, hiệp định đang được cơ quan lập pháp trong nước xem xét, và Bộ trưởng Ngoại giao Roberto Ampuero cho biết hồi tháng 9 rằng, hy vọng quốc gia Nam Mỹ này sẽ sớm phê chuẩn hiệp định. Các quan chức Peru đã đưa ra những tuyên bố tương tự về phía họ. Hiện chưa rõ lộ trình đối với Brunei và Malaysia như thế nào. Tuy nhiên, Malaysia có một chính phủ mới, trước đây đã bày tỏ một số cảnh báo về CPTPP và các hiệp định khác được ký kết theo chính phủ trước. Mới đây, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, Malaysia “vẫn đang tìm kiếm những ưu và nhược điểm” khi phê chuẩn CPTPP. Ông phản đối hiệp định thương mại vì nó không phải là thỏa thuận thương mại công bằng khi đã cho các công ty quyền khởi kiện các chính phủ vì tổn thất lợi nhuận trong tương lai, và những thứ tương tự.

Về khả năng gia nhập của các thành viên mới, với việc hiệp định sắp có hiệu lực, nhiều người quan tâm đến thương mại đang tìm kiếm xem các nước khác có thể gia nhập CPTPP như thế nào. Ví dụ, chính phủ Anh đã thể hiện sự quan tâm đến CPTPP sau Brexit, và đã được Nhật Bản hoan nghênh. Một số nền kinh tế khác cũng đang xem xét đề nghị gia nhập CPTPP như Colombia, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Gần hai năm sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định TPP ban đầu, các báo cáo đã nhiều lần nhắc đến việc liệu Tổng thống Donald Trump có tái gia nhập hiệp định CPTPP hay không. Tuy nhiên, nếu thế thì Washington sẽ cần phải đàm phán lại việc tái gia nhập của minh và nhận được sự chấp thuận của các bên ký kết hiện có để có thể trở lại hiệp định.

Trong vài tháng qua, đã có nhiều nỗ lực trong các phương diện hợp tác, bao gồm cả khu vực Châu Á Thái Bình Dương, để thúc đẩy đàm phán, phê chuẩn và thực thi các hiệp định thương mại mới, đặc biệt là một số thách thức mới nổi trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. Cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được giảm bớt, đã được cho là một nguyên nhân cho nhiều mối quan tâm của các nền kinh tế khác, lo lắng về sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và hậu quả liên quan khác. CPTPP cũng như một hiệp định khác ở Châu Á Thái Bình Dương là RCEP vẫn đang được đàm phán, từ lâu đã được coi là những con đường có thể hướng tới một thỏa thuận lớn hơn bao trùm phần lớn thương mại khu vực. Tuy nhiên, hai hiệp định khác nhau về mục tiêu và phạm vi, trong đó RCEP bao gồm 16 thành viên bao quanh khu vực ASEAN và 6 đối tác FTA khác. Hiện nay, các nước RCEP đang hy vọng có thể kết thúc cơ bản đàm phán hiệp định trước cuối năm nay, dự kiến trong dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cptpp-kha-nang-co-hieu-luc-vao-dau-nam-2019-110789.html