CPTPP rộng mở cơ hội hợp tác, phát triển

Sau khi được một loạt quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam phê chuẩn, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự tham gia của 11 nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế khu vực.

Đầu tháng 11 vừa qua, sau khi Ô-xtrây-li-a trở thành quốc gia thứ sáu phê chuẩn CPTPP, thỏa thuận thương mại giữa các quốc gia của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chính thức "hồi sinh". Theo thỏa thuận của các thành viên, khi được đủ sáu nước phê chuẩn, CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay. Việc CPTPP vượt qua nhiều thăng trầm và "về đích" đang tạo ra niềm tin lớn vào xu thế tự do hóa thương mại, hội nhập, kết nối của khu vực; đồng thời kỳ vọng tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Một "kết thúc có hậu" của hiệp định càng có ý nghĩa hơn khi cách đây hơn hai năm, văn kiện tiền thân của CPTPP là Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước, đã bị "khai tử". Tuy nhiên, 11 quốc gia thành viên còn lại của TPP đã quyết tâm theo đuổi hiệp định tới cùng và đàm phán để thống nhất duy trì TPP trong một "hình hài" mới là CPTPP. Ðến tháng 3-2018, văn kiện nội dung CPTPP được 11 nước ký thông qua đi kèm với quy định hiệp định sẽ có hiệu lực 60 ngày kể từ khi được sáu quốc gia thành viên phê chuẩn.

Dẫu không còn Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất, quan trọng nhất trong hiệp định, song CPTPP vẫn là một "sân chơi" giàu sức hút đối với các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thỏa thuận thương mại này bao trùm các quốc gia trên ba châu lục với thị trường lên tới 463 triệu dân và GDP đạt hơn 10.000 tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu. Về nội dung, CPTPP là một thỏa thuận thương mại tiến bộ với việc cho phép xóa bỏ các hàng rào với dòng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ và vốn đầu tư trong khu vực. Từ các ưu thế như trên, các nước châu Á - Thái Bình Dương đang kỳ vọng, sau khi có hiệu lực và chính thức "đi vào cuộc sống" từ cuối năm nay, hiệp định sẽ tạo thêm động lực mới cho kinh tế khu vực. Nhờ CPTPP, các nền kinh tế sẽ đẩy mạnh cải cách, đổi mới sáng tạo, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân. CPTPP cũng được kỳ vọng sẽ là "điểm tựa" để các nước thành viên hội nhập khu vực, toàn cầu mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, giúp các nền kinh tế Ðông - Nam Á như Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Bru-nây và Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030. Niu Di-lân, Nhật Bản, Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Chi-lê và Ô-xtrây-li-a cũng sẽ tăng khoảng 1% GDP. Ở bình diện quốc gia, mỗi nước thành viên CPTPP cũng đã nhìn rõ những "quả ngọt" mà họ có thể "gặt hái" được từ hiệp định. Ca-na-đa cho rằng CPTPP đã đến "đúng thời điểm" để các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước này có thể tận dụng lợi thế tại các thị trường chủ chốt ở châu Á, đa dạng hóa thương mại và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ - một đối tác ngày càng "khó đoán định". Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, các ngành công nghiệp của Ca-na-đa sẽ có lợi thế lớn khi CPTPP được thực thi, với 99% sản lượng xuất khẩu hiện nay của Ca-na-đa sang thị trường các thành viên CPTPP sẽ được miễn thuế. Chính phủ Niu Di-lân dự kiến CPTPP sẽ thúc đẩy nền kinh tế của quốc đảo này lên khoảng 1,2 tỷ đô-la Niu Di-lân đến 4 tỷ đô-la Niu Di-lân mỗi năm. Trong khi đó, giới chức Ô-xtrây-li-a nhận định, CPTPP sẽ giúp các doanh nghiệp nước này phát triển và mỗi năm đóng góp tới 15,6 tỷ đô-la Ô-xtrây-li-a cho nền kinh tế quốc gia vào năm 2030.

Không chỉ tạo động lực tăng trưởng mới cho các nền kinh tế, CPTPP còn đang được nhìn nhận như là một "vũ khí" để chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang lan rộng trong khoảng hai năm vừa qua. Theo các chuyên gia kinh tế Ô-xtrây-li-a, CPTPP đã trở thành "bức tường thành" chống lại sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên thế giới. Trong bối cảnh hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương có Mỹ tham gia, điển hình là Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), đã phải đàm phán lại, việc CPTPP có hiệu lực sẽ trở thành một mảng sáng trong bức tranh u ám của thương mại toàn cầu.

Với những ưu điểm và triển vọng khả quan như trên, CPTPP đã trở thành tâm điểm chú ý và giống như "thỏi nam châm" thu hút nhiều đối tác tham gia "mái nhà chung" cùng 11 thành viên hiện có. Gần đây, một loạt nền kinh tế trong và ngoài khu vực, bao gồm In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc, Phi-li-pin, Ðài Loan (Trung Quốc), Thái-lan và Anh đã cân nhắc khả năng gia nhập CPTPP.

Ở thời điểm hiện tại, CPTPP đang tạo cơ hội rộng mở cho các nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương hội nhập, gắn kết và phát triển, đồng thời đối phó chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội lớn mà hiệp định mang lại, mỗi quốc gia cần chuẩn bị hành trang tốt nhất tham gia hành trình chung, được bắt đầu từ đầu năm 2019.

ĐÔNG DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/38237402-cptpp-rong-mo-co-hoi-hop-tac-phat-trien.html