CPTPP và động lực thúc đẩy cải cách

Cũng như việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trước đây, tham gia một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Sản xuất linh kiện cơ khí chính xác tại Công ty TNHH Fujikin Bắc Ninh, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Đây còn là động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, giúp Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước và ngoài nước.

Vượt qua sức ép

Để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động,... Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) Ngô Chung Khanh cho biết: Chúng ta sẽ phải sửa ít nhất bảy luật, cùng hàng chục nghị định, văn bản dưới luật để đưa khung khổ pháp lý Việt Nam gần hơn với chuẩn mực hiện đại. Tham gia CPTPP, Việt Nam cũng sẽ trực tiếp áp dụng nhiều cam kết, nhất là trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.

Sức ép phải thay đổi hệ thống pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của CPTPP không hề nhỏ, nhưng theo đánh giá, Việt Nam sẽ vượt qua được nhờ một số lý do. Một là, những cam kết khó nhất, đòi hỏi nguồn lực thực thi lớn như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đã được 11 nước “tạm hoãn” sau khi Mỹ rút khỏi TPP.

Hai là, nhiều cam kết tuy mới nhưng lại phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước (thí dụ như trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa...) nên sức ép thay đổi hệ thống pháp luật không lớn.

Ba là, không phải tất cả các cam kết trong Hiệp định CPTPP đều dẫn tới việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật. Riêng đối với các thư trao đổi song phương, biên bản ghi nhớ mà Việt Nam ký với 10 nước thành viên CPTPP, do bản chất là dành linh hoạt hoặc thời gian dài hơn cho Việt Nam trong việc thực thi một số cam kết, hay dành thuận lợi hơn cho Việt Nam trong một số vấn đề, cho nên về cơ bản, các thư trao đổi song phương và biên bản ghi nhớ này không trái với các quy định, pháp luật hiện hành của Việt Nam và cũng không làm phát sinh việc phải sửa đổi, bổ sung pháp luật.

Cuối cùng, như kinh nghiệm trước đây khi gia nhập WTO, với sự chuẩn bị nghiêm túc, nỗ lực cao, chúng ta có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi ta được quyền thực hiện theo lộ trình. Cụ thể, ngay sau khi Hiệp định được ký kết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Bộ Tư pháp khẩn trương rà soát các quy định hiện hành trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi phụ trách. Từ đó, đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung hoặc hình thức áp dụng phù hợp nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu của CPTPP. Dự kiến, một Chương trình xây dựng pháp luật thực thi Hiệp định CPTPP với các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, kèm theo phân công và thời hạn cụ thể sẽ được ban hành để Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện.

Chủ động cải cách

Sức ép lớn về cải cách thể chế cũng là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam chấp nhận tham gia vào một sân chơi chung như CPTPP. Sau khi tham gia Hiệp định này, chúng ta sẽ phải duy trì được đà cải cách liên tục, có chất lượng. Ngược lại, nếu cải cách thể chế có tính thụ động và thiếu sự tích cực, xuyên suốt, chắc chắn thách thức do CPTPP mang lại sẽ nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, nhìn ở mặt tích cực, đây cũng là động lực quan trọng giúp Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước, thúc đẩy vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Ông Ngô Chung Khanh nhận định: Các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần duy trì đà tăng trưởng của đầu tư trong nước và nước ngoài. Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam X.Éc-cát cho rằng, lợi ích quan trọng nhất của CPTPP đối với Việt Nam là sẽ giúp tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc thực hiện các cam kết trong CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa và xây dựng thể chế hiện đại. Mặt khác, các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy nhà nước trong CPTPP sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; thúc đẩy cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Để có thể tận dụng được tốt nhất những cơ hội mà CPTPP mang lại, về phía Nhà nước và Chính phủ, cần chủ động tiến hành những cải cách cần thiết trong bộ máy quản lý từ T.Ư đến địa phương. Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt thông tin về các cam kết, thông tin thị trường, từ đó chủ động đón đầu cơ hội. Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng luôn đi kèm với rủi ro, thách thức.

Kinh nghiệm quốc tế cũng như của nước ta trong 30 năm đổi mới, hội nhập vừa qua đã cho thấy, mặt thuận lợi là cơ bản, chủ yếu, còn rủi ro và thách thức hoàn toàn có thể kiểm soát được, nếu có sự thống nhất về nhận thức cũng như hành động để phòng tránh rủi ro, vượt qua thách thức. Các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch cũng như hành xử khách quan của bộ máy nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý. Đây cũng là những tiêu chuẩn mà chúng ta đang hướng đến để xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thật sự của dân, do dân và vì dân, với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, kỷ luật, kỷ cương.

Theo kết quả rà soát của Chính phủ, Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung sáu luật, bao gồm: Bộ luật Lao động năm 2012; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009; Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010; Luật An toàn thực phẩm năm 2010 để đưa khung khổ pháp lý trong nước phù hợp với các cam kết trong CPTPP. Ngoài ra, còn có 15 cam kết/nhóm cam kết được đề xuất áp dụng trực tiếp; ba điều ước, hiệp ước quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được kiến nghị gia nhập.

THÁI LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38616702-cptpp-va-dong-luc-thuc-day-cai-cach.html