Credit Suisse bị đồn sắp phá sản, thị trường tài chính 'rung lắc' thế nào?

Tin đồn Credit Suisse đang trên bờ vực sụp đổ đã khiến cổ phiếu và vốn hóa của ngân hàng Thụy Sĩ này sụt giảm mạnh, trong khi chi phí bảo hiểm phá sản cho các khoản nợ của Credit Suisse đang tăng mạnh.

Credit Suisse là một ngân hàng lớn và uy tín ở Thụy Sỹ với lịch sử gần 170 năm tuổi, đồng thời cũng là một trong những định chế tài chính quan trọng nhất thế giới, là một trong những "kho" quản lý gia sản cho người giàu. Nếu xét theo tiêu chuẩn giám sát của châu Âu, Credit Suisse là một trong những ngân hàng có mức vốn tốt nhất khu vực.

Nguy cơ vỡ nợ, vốn hóa sụt giảm mạnh

Tuy nhiên, những ngày gần đây, Credit Suisse trở thành một chủ đề bàn tán xôn xao của các nhà đầu tư trên các diễn đàn mạng xã hội Twitter và Reddit. Các nhà đầu tư và giới chuyên gia đồn đoán rằng Credit Suisse đang gặp rắc rối lớn, đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Song, Credit Suisse đã tìm cách trấn an nhà đầu tư và khách hàng rằng mình vẫn ổn. Tuần trước, ngân hàng này cho biết đang triển khai bán tài sản trong kế hoạch kinh doanh mới.

Credit Suisse là ngân hàng khổng lồ gần 170 năm tuổi của Thụy Sỹ. (Ảnh: WSJ)

Credit Suisse là ngân hàng khổng lồ gần 170 năm tuổi của Thụy Sỹ. (Ảnh: WSJ)

Các phương tiện truyền thông xã hội đồn đoán rằng Credit Suisse đang trên bờ vực sụp đổ đã khiến cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ đi xuống trong những ngày gần đây. Credit Suisse hiện đang phải chịu áp lực lớn sau khi các trái phiếu rủi ro nhất mà ngân hàng này nắm giữ sụt giá và chi phí bảo hiểm phá sản đã tăng mạnh. Cổ phiếu Credit Suisse có lúc đã giảm tới 11% trong phiên giao dịch 3/10. Cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm đến 60%, tính từ đầu năm đến nay. Hiện 1 cổ phiếu Credit Suisse chỉ giao dịch khoảng 3,63 USD/cổ phiếu, mức thấp nhất trong lịch sử. Vốn hóa ngân hàng này hiện chỉ còn 10,6 tỷ USD, thấp hơn 1 nửa so với hồi tháng 2 năm nay.

Nguyên nhân "tin đồn" Credit Suisse phá sản xuất phát từ việc các thành viên thị trường nhận thấy tín hiệu lạ. Cụ thể, phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Credit Suisse tiếp tục tăng lên 350 điểm cơ bản, mức cao kỷ lục mới, kể từ năm 2009. CDS tăng, chứng tỏ nhiều người mua bảo hiểm vì lo ngại Credit Suisse vỡ nợ là cao.

Tin đồn lan rộng trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Credit Suisse không thuận lợi. Trong khi đa phần các ngân hàng phố Wall công bố kinh doanh có lợi nhuận, Credit Suisse đã thua lỗ trong 3 quý liên tiếp. Đây là hệ quả đến từ các sai lầm trong hoạt động đầu tư, đáng kể nhất là khoản lỗ 5,5 tỷ USD sau khi cho Archegos Capital Management của Bill Hwang vay tiền.

Ngân hàng đầu tư - mảng kinh doanh cốt lõi của Credit Suisse, cũng phải đối mặt với một trong những giai đoạn khó khăn nhất kể từ đầu đại dịch Covid-19, do thực hiện ít thương vụ giao dịch và gọi vốn doanh nghiệp.

Chi phí bảo hiểm phá sản cho các khoản nợ của Credit Suisse đang tăng mạnh. Theo S&P Global Market Intelligence, các nhà đầu tư phải trả 335 euro/10.000 euro tài sản đã mua, từ mức khoảng 250 euro vào ngày 3/10. Giá hợp đồng bảo hiểm tín dụng 1 năm lên tới 483 euro - cho thấy nhà đầu tư dự đoán khả năng vỡ nợ sớm xảy ra.

Vấn đề của Credit Suisse xảy ra ở đúng thời điểm thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh đã tăng vọt, khiến Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phải can thiệp thị trường để "giải cứu" các quỹ hưu trí lớn nhất nước này. Từ đó làm dấy lên mối lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn khác trong hệ thống tài chính.

Trấn an dư luận

Nhà phân tích Kian Abouhossein của JPMorgan Chase cho biết, vị thế vốn và thanh khoản của Credit Suisse vào cuối quý II vẫn lành mạnh. Song, điều đó không có nghĩa là không có rủi ro.

Các nhà phân tích tại Citigroup cho rằng, vào cuối quý II, thước đo chính về vị thế vốn của Credit Suisse - gắn liền với khả năng hấp thụ lỗ - ở mức 13,5%, cao hơn so với các công ty cùng ngành. Ngân hàng cũng có mức tiền mặt "rất lành mạnh", có thể được tiếp cận nhanh chóng trong thời gian ngắn.

Tờ Financial Times đưa tin, các giám đốc điều hành cấp cao tại Credit Suisse đã dành cuối tuần để gọi điện cho các khách hàng và các đối tác lớn, đảm bảo với họ rằng ngân hàng đang đứng vững. Nếu khách hàng bắt đầu rút tiền thì có thể tạo ra một vòng phản hồi nguy hiểm.

Credit Suisse cần huy động vốn mới từ các nhà đầu tư để hỗ trợ một kế hoạch quay vòng vốn sẽ được công bố vào cuối tháng này, trong đó bao gồm cả việc rút vốn ngân hàng đầu tư đang gặp khó khăn của mình.

Tình trạng tại Credit Suisse khiến giới đầu tư lo ngại về một Lehman Brothers thứ hai. (Ảnh minh họa: KT)

Chia sẻ trên kênh CNBC, ông Mohamed El-Erian, Cố vấn kinh tế của công ty dịch vụ tài chính Allianz cảnh báo trường hợp của Credit Suisse có khả năng đi theo "bánh xe đổ" của Lehman Brothers. Sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008 đã gây ra làn sóng hoảng loạn thị trường trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu./.

Trần Ngọc/VOV.VN (lược dịch) Theo WSJ, CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/credit-suisse-bi-don-sap-pha-san-thi-truong-tai-chinh-rung-lac-the-nao-post975252.vov