Crimea thẳng thừng khước từ đề nghị của Ukraine

Lãnh đạo mới được bổ nhiệm gần đây của nước Cộng hòa Crimea ở miền nam Ukraine cho biết chính phủ nước này từ chối đàm phán với chính quyền mới thành lập của Kiev.

“Chúng tôi không coi chính phủ đang đề xuất đàm phán với chúng tôi là hợp pháp, đó là vấn đề chính”, Thủ tướng mới được bổ nhiệm của Crimea – Sergei Aksyonov cho biết.
Đồng quan điểm với Thủ tướng Aksyonov, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho rằng, chính phủ Ukraine hiện nay là bất hợp pháp.

Biểu tình ủng hộ Nga ở thủ phủ Simferopol của Crimea

Ông Aksyonov đã yêu cầu Moscow hỗ trợ an ninh cho bán đảo Crimea, nơi phần lớn người ủng hộ Nga sinh sống trong bối cảnh khủng hoảng chính trị ở Ukraine ngày trở nên căng thẳng. Sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ, Nga điều quân tới Crimea, nhằm bảo vệ dân Nga và những người nói tiếng Nga.
Trong khi đó, Thủ tướng lâm thời của Ukraine - Arseny Yatseniuk hôm 4/3 cho biết , Ukraine và Nga đã bắt đầu tiến hành các cuộc gặp gỡ cấp cao để bàn về cơn khủng hoảng tại Ukraine.
“Hai nước đã liên lạc ở cấp bộ trưởng”, ông Yatseniuk cho biết, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.
Thủ tướng Ukraine cũng lặp lại yêu cầu Nga cần phải rút binh sĩ về các căn cứ ở Khu tự trị Crimea, cũng như ngừng ngay các hành động đe dọa gây bất ổn trong khu vực.
Phía Nga vẫn chưa đưa ra phản ứng gì với phát biểu của ông Yatsenyuk.
Thủ tướng Ukraine cũng cho biết, chính quyền lâm thời sẽ ký kết một hiệp ước thương mại quan trọng với Liên minh châu Âu (EU), điều mà cựu Tổng thống Ukraine Victor Yanukovych đã khước từ trước đây, làm bùng nổ làn sóng biểu tình bạo động kéo dài hơn 3 tháng, khiến gần 100 người chết.
Theo ông Yatsenyuk, quan chức Ukraine và Nga liên lạc với nhau chủ yếu để bàn về khoản cho vay trị giá 15 tỉ USD mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hứa với ông Yanukovych hồi tháng 12/2013.
Chính quyền lâm thời tại Kiev đặc biệt muốn biết liệu Moscow có còn ý định cung cấp phần tiền trị giá 2 tỉ USD trong gói viện trợ 15 tỉ USD cho Ukraine như đã hứa hay không.
“Chúng tôi muốn nghe câu trả lời rõ ràng từ Liên bang Nga. Liệu Nga có tôn trọng các cam kết mà nước này đã đưa ra các đây vài tháng hay không?”, ông Yatsenyuk nói.
Ông này còn nói thêm rằng Ukraine muốn “Nga thừa nhận trách nhiệm trong việc gây bất ổn tại châu Âu, cũng như thừa nhận rằng Ukraine là một quốc gia độc lập”.
Trong một diễn biến liên quan khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4/3 khẳng định hiện vẫn chưa cần phải sử dụng đến lực lượng quân đội tại Khu tự trị Crimea. Theo Tổng thống Putin, việc Nga triển khai lực lượng trên đất Ukraine chỉ là "lựa chọn cuối cùng".
Được biết, hôm qua (4/3), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho binh lính ở phía Tây nước Nga, gần biên giới Ukraine, trở về căn cứ sau khi kết thúc cuộc tập trận đột xuất ở khu vực này. Cuộc tập trận kiểm tra sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Nga bắt đầu từ ngày 26/2 và đã kết thúc ngày 3/3 theo chỉ thị của Tổng thống Putin.
Nước cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine, nơi sinh sống của chủ yếu là người dân tộc Nga (60%) hiện đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại đất nước này.
Khu vực tự trị này đang quay lưng lại với chính phủ lâm thời mới ở Kiev sau khi chính phủ này lên cầm quyền bằng một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovych và có những chính sách phân biệt đối xử nhằm vào những người gốc Nga.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thỏa thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow.
Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là “cuộc đấu” giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine – chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

Đan Khanh - (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/quoc-te/tin-tuc/17_2242355/crimea_thang_thung_khuoc_tu_de_nghi_cua_ukraine.html