"CSGT có thể dùng trâu, bò...để bắt xe vi phạm"

(Nguoiduatin.vn) - Hiện tượng dùng lưới bắt cá bắt dân không chỉ phản ánh sự bất lực của CSGT tỉnh Thanh Hóa trong việc sử dụng các biện pháp mà Nhà nước quy định để phòng ngừa và xử lý hành vi vi phạm luật giao thông, mà còn làm dấy lên nhiều luồng dư luận trái chiều về “hoạt động mang tính sáng tạo luật”.

Xung quanh hoạt động này, ông Trịnh Xuyên, giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa có ý kiến rằng, việc này là "không bị pháp luật cấm" như là cơ sở lý luận cho việc chấp thuận đề xuất sử dụng lưới bắt cá để bắt xe vi phạm.

Lâu nay, người ta vẫn thường tranh cãi về việc có được phép làm những điều mà pháp luật không cấm. Có nhiều ý kiến nói cho và cũng có những ý kiến nói rằng không cho và cũng không có văn bản nào nói rõ về nguyên tắc này. Tuy nhiên, đó là ở khía cạnh khi mà chủ thể thực hiện các hành vi “không bị pháp luật cấm” là người không phải là chủ thể áp dụng pháp luật, còn đối với chủ thể áp dụng pháp luật thì cần xem xét lại nghiêm túc hơn.

Ở góc độ lý luận Nhà nước và pháp luật, “áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính tổ chức quyền lực Nhà nước của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc cá nhân có thẩm quyền theo thủ tục, trình tự do pháp luật quy định, nhằm cá biệt hóa quy phạm pháp luật hiện hành đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức cụ thể trong trường hợp cụ thể” (theo PGS. TS Nguyễn Văn Động – Đại học Luật Hà Nội). Một trong số các đặc điểm của áp dụng pháp luật là hoạt động này có hình thức, thủ tục được pháp luật quy định chặt chẽ, trong đó pháp luật quy định một cách rõ ràng về cơ sở, điều kiện, trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ áp dụng pháp luật và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các bên có liên quan trong quá trình áp dụng pháp luật phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định có tính thủ tục đó.

Theo quy định tại mục III, Thông tư số 27/2009/TT-BCA(C11) ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ, thì trang thiết bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ bao gồm: a) Phương tiện giao thông (gồm xe ôtô, xe môtô và các loại xe chuyên dùng khác. Trên xe ôtô, xe môtô lắp đặt đèn, còi của xe được quyền ưu tiên); b) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (gồm: Máy đo tốc độ có ghi hình; Máy đo nồng độ cồn; Cân trọng tải xe cơ giới; Thiết bị đánh dấu hóa chất; Thiết bị đo thử chất ma túy; Máy quay Camera chuyên dụng; máy chụp ảnh, ghi âm chuyên dụng; Đèn soi tia cực tím; Phương tiện, thiết bị nghiệp vụ chuyên ngành và phương tiện khác. c) Phương tiện thông tin liên lạc (máy bộ đàm, máy điện thoại, máy Fax; Vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho Cảnh sát giao thông; Gậy chỉ huy giao thông, còi, loa, cọc tiêu, rào chắn, biển báo để ngăn đường, cản, dừng phương tiện); e) Đèn chiếu ánh sáng.

Hoạt động của CSGT tỉnh Thanh Hóa là hoạt động áp dụng pháp luật, tức là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhằm triển khai các quy định cụ thể mà Nhà nước đã ban hành vào một trường hợp cụ thể. Do vậy, hoạt động này cần căn cứ vào các điều khoản đã được quy định một cách rõ ràng trong văn bản luật (cụ thể là Thông tư số 27 nêu trên) để áp dụng.

Trong số trang thiết bị, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí và công cụ hỗ trợ nêu trên không bao gồm lưới bắt cá. Tuy nhiên, nếu CSGT tỉnh Thanh Hóa cho rằng, lưới bắt cá là “phương tiện khác” như trong quy định tại mục b trong quy định trên đây thì e rằng, sẽ có vô số biện pháp khác có thể được áp dụng, như đào đường hay thậm chí mang....ngựa và trâu bò ra chặn đường. Và cũng cần xem xét lại, liệu CSGT tỉnh Thanh Hóa có thẩm quyền để bổ sung “lưới bắt cá” làm phương tiện nghiệp vụ của ngành CSGT hay không, trong khi văn bản quy định về vấn đề này là do Bộ Công an ban hành và có hiệu lực áp dụng trong cả nước.

Với hoạt động sáng tạo, đưa lưới đánh cá vào số những phương tiện, thiết bị nghiệp vụ, tôi e rằng, CSGT tỉnh Thanh Hóa đang lấn sân sang lĩnh vực làm luật chứ không phải là áp dụng pháp luật theo đúng tinh thần của nó.

Chắc chắn dư luận sẽ còn đặt ra câu hỏi rộng hơn, tại sao CSGT tỉnh Thanh Hóa lại phải sáng tạo thêm những công cụ hỗ trợ mới trong khi Bộ Công an đã quy định cụ thể nhiều công cụ được phép sử dụng. Phải chăng, luật được ban hành thống nhất trên cả nước nhưng "về" Thanh Hóa lại không đủ “liều” để điều trị bệnh vi phạm. Hay phải chăng là thuốc đã nhờn hết rồi vì bị cho uống sai?

Cơ quan nào được quyền ban hành luật và có quan nào có quyền ban hành quy định hướng dẫn luật? Thẩm quyền của cơ quan áp dụng pháp luật? Có chăng đang có sự nhầm vai ở đây ? Từ góc độ lý luận, xin giành để các đồng nghiệp của chúng tôi, những luật gia trên cả nước cùng bàn thêm.

Cá nhân chúng tôi, những người đang công tác trong ngành luật, xin được bày tỏ ý kiến không đồng tình với hoạt động sáng tạo đó của CSGT tỉnh Thanh Hóa.

Luật gia Huy Khôi

Phối hợp đưa tin trên chuyên mục. Chuyên mục Người đưa tin Luật sư có sự phối hợp, hợp tác của Công ty dịch vụ tư vấn Ka Long, địa chỉ: Phòng 3012 Tầng 3 Tòa nhà 71 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa - Hà Nội; Tel: 04. 62513999 - Fax: 04. 62513999 - Hotline: 0903. 255 339 - Email: hanoi@klc.vn - Website: http://klc.vn.

Nguồn ĐS&PL: http://nguoiduatin.vn/phan-bien-vu-luoi-danh-ca-cua-csgt-thanh-hoa-a21355.html