CSGT cứu người qua cơn nguy kịch

Biết đến Bình qua câu chuyện cứu mạng một người đi đường trong lúc làm nhiệm vụ, nhưng chỉ đến khi có cơ hội được trò chuyện với Bình, tôi mới hiểu thêm phần nào về tính cách cũng như mối lương duyên với nghề của chàng Trung úy CSGT Thủ đô.

Trung úy Bình bên vợ chồng người lái xe được giúp đỡ khi gặp nạn trên Đại lộ Thăng Long (Ảnh cắt từ clip do Đội CSGT số 11 cung cấp).

Mọi chuyện bắt đầu vào chiều 1/3/2018. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ trên Đại lộ Thăng Long, Tổ công các của Đội CSGT số 11 – Công an TP Hà Nội gồm 3 đồng chí: Đại úy Lã Sơn Tùng, Thượng úy Nguyễn Duy Linh và Trung úy Phùng Thế Bình bỗng phát hiện chiếc ôtô tải mang BKS 30P – 9956 đang di chuyển trên đường thì có dấu hiệu bất thường. Khi phương tiện trên dừng lại cách nơi làm việc của Tổ công tác chừng 200m, linh cảm có chuyện không lành, Trung úy Bình chạy lại kiểm tra và phát hiện một nam thanh niên ngồi trên xe đang trong tình trạng bị co giật, mặt mũi tái nhợt.

Khi hỏi, người này trả lời rất khó khăn và có biểu hiện khó thở, tay liên tục xoa lên lồng ngực. Trước tình huống cấp bách đó, Trung úy Bình đã báo cáo lãnh đạo Đội CSGT số 11 xin ý kiến rồi một mình nhảy lên xe tải chở người thanh niên đang gặp nạn tới Bệnh viện Thể thao để cấp cứu. Chính sự nhanh trí và quyết đoán đó của Bình đã giúp nạn nhân giữ được tính mạng.
Trái ngược với hình dung của tôi, Trung úy Phùng Thế Bình có vẻ ngoài khá thư sinh, trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 26 (Bình sinh năm 1992). Bình quê ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tháng 11/2010, Bình trúng tuyển vào trường Trung cấp Cảnh sát và đến 31/10/2012, sau khi ra trường, được phân công về công tác tại Đội CSGT số 1 – Công an TP Hà Nội (sau đó điều chuyển về Đội CSGT số 11).
Kể về sự việc chiều ngày 1/3 khi nhanh trí cứu mạng một người đi đường trong cơn nguy kịch, Bình cho biết, từ lúc bắt đầu vào ngành, ngoài công việc chính là điều tiết giao thông, tuần tra xử lý vi phạm, không ít lần em bắt gặp và giúp đỡ những người đi đường trong lúc khó khăn. “Đó là công việc bình thường của chúng em mà, đâu phải chỉ có CSGT đâu. Ai trong chúng ta gặp những trường hợp như thế đều giúp đỡ cả" - Bình chia sẻ.
Tuy nhiên, trường hợp xảy ra vào chiều 1/3 khiến Trung úy Bình nhớ nhất. Không phải chỉ vì đó là tình huống cấp bách, liên quan đến an nguy tính mạng của một con người, mà còn vì đó là lần đầu tiên Trung úy Bình được vận dụng nhiều nhất những kiến thức ngoài ngành, được dạy trong nhà trường trước đó chưa bao giờ có dịp sử dụng.
Chính nhờ những kiến thức đó mà Trung úy Bình có được dự cảm về sự bất thường của người lái xe tải. “Nhìn cái cách anh ấy co giật là em biết tình hình đang rất nguy kịch. Nếu không kịp thời đi cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Lúc em báo cáo, lãnh đạo đội đồng ý và yêu cầu em chở vào Bệnh viện Thể thao luôn vì đó là bệnh viện lớn gần nạn nhân nhất. May sao mọi chuyện vẫn kịp” - Trung úy Bình kể lại.
Trong lúc ngồi hàn huyên, tôi hỏi một câu riêng tư: “Việc em lựa chọn nghề CSGT là do gia đình định hướng hay do đam mê riêng của em?”. Bình không cần đến một giây suy nghĩ, trả lời ngay như từ trong vô thức: “Không phải do gia đình em nhưng cũng không hẳn là đam mê. Em chọn làm CSGT vì một kỷ niệm thời thơ ấu”.

Theo Bình kể, năm học lớp 6, trong một lần nghịch ngợm trèo cây bị ngã gãy tay, hai người thân trong gia đình đã phải đèo xe máy đưa em đi bệnh viện. “Trên đường đi, xe chở em bị CSGT dừng lại kiểm tra nhưng khi biết đang chở người bị nạn đi cấp cứu, các chú CSGT chỉ nhắc nhở và còn chỉ đường đến bệnh viện rất tận tình. Kỷ niệm đó khiến em có ấn tượng rất tốt với các chú CSGT” - Bình nhớ lại.
Chính vì kỷ niệm đẹp đó, sau khi học hết cấp 3, cái duyên với nghề CSGT của Bình lại đến một lần nữa khi em thi đỗ vào trường Trung cấp Cảnh sát. Sau 6 năm khoác trên mình bộ cảnh phục, Trung úy Phùng Thế Bình càng thêm yêu và quý trọng công việc của mình.

Quý Nguyễn – Công Trình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/csgt-cuu-nguoi-qua-con-nguy-kich-313409.html