CSGT Đồng Nai bị tố bảo kê xe tải: Trách nhiệm ông anh 'cấp trên' cầm đầu?

Trường hợp các cơ quan chức năng xác định đúng nội dung tố cáo một số cán bộ cấp lãnh đạo ở đội và Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai bảo kê, nhận tiền bao che vi phạm thì các cán bộ này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ.

Vụ việc một số cán bộ cấp lãnh đạo ở đội và Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai bị tố cáo "bảo kê", can thiệp, không cho xử lý xe quá tải trên quốc lộ được báo chí đăng tải thời gian gần đây khiến dư luận đặc biệt quan tâm khi hai người tố cáo lại chính là 2 sĩ quan công an đang công tác ở Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh này.

Cụ thể, gần một tháng qua, 2 CSGT đã có đơn tố giác cấp lãnh đạo ở đội và phòng đã có hành vi "bảo kê", can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông, cụ thể là không cho xử lý xe quá tải trên quốc lộ.

Các sĩ quan CSGT này cũng yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật từ trung ương đến địa phương phải vào cuộc làm rõ lãnh đạo cấp đội, cấp phòng "đã nhiều lần bảo kê xe quá tải, can thiệp với cấp dưới để thả xe quá tải" trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Những người tố giác còn cung cấp nhiều clip cho báo ghi lại âm thanh, hình ảnh cho thấy khi tổ tuần tra CSGT đang xử lý xe quá tải chạy trên Quốc lộ 20 thì có cuộc gọi qua lại được xác định là với lãnh đạo đội tuần tra giao thông trên Quốc lộ 20, Quốc lộ 1 can thiệp. Nội dung qua đoạn thoại như: "Xe đã gửi đội", "xe của sếp lớn", "xe này gửi một tháng mấy triệu đó mà", "thôi cho đi"…

 Ảnh cắt từ clip trên Tuổi trẻ.

Ảnh cắt từ clip trên Tuổi trẻ.

Các đoạn hình ảnh, âm thanh ghi lại cũng cho thấy ở nhiều ca trực có rất nhiều xe bị chặn lại, một lúc sau các cuộc gọi thì tài xế lên xe chạy đi. Thông tin tố cáo khẳng định, sau khi nhận các cuộc điện thoại, lực lượng tuần tra phải để xe quá tải đi.

Mới đây khi trả lời báo chí, Trung tá Phạm Hải Cảng - đội trưởng Đội CSGT số 2 (người bị tố cáo) đã phủ nhận việc mình can thiệp vào quá trình xử lý xe vi phạm của tổ công tác cấp dưới.

Ngày 23/11, trả lời báo chí, đại tá Văn Quyết Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (tạm thời phụ trách Công an tỉnh Đồng Nai) cho biết, đã nắm thông tin trên báo chí phản ánh và đang xác minh, làm rõ vụ việc.

“Sau quy trình điều tra, nếu đủ cơ sở thì xử lý theo đúng quy định pháp luật, cá nhân nào làm sai tới đâu thì sẽ bị xử lý tới đó theo đúng quy định của Bộ Công an, không bao che sai phạm. Trong trường hợp tố cáo sai, không đúng sự thật cũng sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật” – đại tá Văn Quyết Thắng cho biết.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu những nội dung trong đơn tố cáo là đúng, thì những cán bộ lãnh đạo ở đội và Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đối với các phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ cần phải chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho bản thân, người tham gia giao thông khác và cũng là giữ gìn cơ sở hạ tầng (cụ thể ở đây là đường xá).

Việc chở quá trọng tải là một hành vi vi phạm quy định khi lưu thông trên đường. Đối với ô tô thì khi chở quá trọng tải thì lái xe có thể bị phạt tiền lên đến 12.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 3 đến 5 tháng. Chủ xe còn có thể bị xử phạt lên đến 40.000.000 đồng (căn cứ nghị định số 46/2016/NĐ-CP).

Luật sư Hoàng Tùng cho biết, đối với sự việc các cán bộ CSGT tố cáo lãnh đạo cấp đội, cấp phòng đã nhiều lần bảo kê xe quá tải, can thiệp với cấp dưới để thả xe quá tải thì cơ quan chức năng nhận được tin tố giác phải có trách nhiệm tiến hành xác minh, kiểm tra các hành vi theo nội dung tố giác.

“Thời hạn tiến hành giải quyết tin tố giác tuân theo quy định tại Điều 147 BLTTHS năm 2015 (thông thường là 20 ngày, hoặc có thể gia hạn thêm). Hết thời hạn luật định và căn cứ vào thông tin thu thập, điều tra được cơ quan điều tra cần ra các quyết định cụ thể như: quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm...”- luật sư Tùng cho biết.

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, sự việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực thi pháp luật của cơ quan nhà nước, uy tín của khối ngành công an nhân dân và niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền. Do đó, cơ quan điều tra cần nhanh chóng làm rõ sự việc, minh bạch trong quá trình thực hiện để tránh bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Tùng nói, trong trường hợp các cơ quan chức năng vào cuộc và xác định đúng như nội dung tố cáo bảo kê để nhận tiền thì Đội trưởng đội CSGT 2 và lãnh đạo Đội CSGT số 1 đã có hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ.

Cụ thể, điều 354 BLHS hiện hành quy định về Tội nhận hối lộ như sau: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng…”.

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, hành vi nhận tiền (nếu có), sau đó lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình yêu cầu cấp dưới cho xe quá tải đi mà không tiến hành xử phạt là hành vi nhận hối lộ.

Tuy nhiên, cần phải tiến hành xác minh, điều tra xem có việc lãnh đạo nhận tiền để bảo kê xe vi phạm hay không? Số tiền nhận từ các lái xe hoặc chủ xe là bao nhiêu? thì mới xác định được cụ thể khung hình phạt.

Hoặc nếu hành vi này xảy ra nhiều lần hay lạm dụng chức vụ quyền hạn, số tiền nhận hối lộ lớn (từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng) thì có thể bị phạt tù giam đến 15 năm (khoản 2 Điều 345).

Mời độc giả xem video Đồng Nai: Cấp dưới tố sếp "bảo kê" xe quá tải:

Nguồn VTC 9.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/csgt-dong-nai-bi-to-bao-ke-xe-tai-trach-nhiem-ong-anh-cap-tren-cam-dau-1308304.html