CSGT "móc ví" người đi đường: Luật sư nói gì?

“Nếu cộng dồn số tiền nhận hối lộ từ những người vi phạm giao thông đưa trong một ca trực cho các viên CSGT từ 2 triệu trở lên, các viên cảnh sát này có thể bị khởi tố theo điểm c, khoản 2, điều 279 Bộ luật Hình sự".

Trước sự việc một tổ cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ trên đường Phạm Văn Đồng, thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM có “hành vi “vòi mãi lộ” được Báo Nhà báo và Công luận ghi lại, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) để tìm hiểu thêm một số vấn đề pháp lý liên quan tới những CSGT này.

Hình ảnh một CSGT đang nói chuyện với người điều khiển phương tiện (Ảnh: Cắt từ video của Báo Nhà báo và Công luận)

Với đoạn video được công bố, theo luật sư những CSGT này đã làm đúng trách nhiệm của mình chưa?

Theo Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30 tháng 10 năm 2012 thì các cảnh sát giao thông trong video này chưa thể hiện đúng tác phong tuần tra.

Thứ nhất: Do đây là khu vực nội thành nên theo Thông tư trên thì Cán bộ đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện cần kiểm soát, tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện cần kiểm soát, đồng thời thổi một hồi còi dài, mạnh, dứt khoát.

Khi người điều khiển phương tiện nhận được tín hiệu và giảm tốc độ, dùng gậy chỉ huy giao thông kết hợp với âm hiệu còi hướng dẫn cho phương tiện cần kiểm soát đỗ vào vị trí phù hợp để kiểm soát.

Thứ hai: Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:

a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

b) Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

c) Thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề;

d) Có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự;

đ) Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Thứ ba: Ngoài ra tôi không biết rằng tổ tuần tra này có kế hoạch tuần tra đã được phê duyệt chưa khi tuần tra, kiểm soát cơ động được kiểm soát tại một điểm. Khi kiểm soát tại một điểm được tuần tra, kiểm soát cơ động nhưng phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.

Việc kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông hoặc tại Trạm Cảnh sát giao thông phải có kế hoạch được Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ hoặc Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp quận, huyện trở lên phê duyệt.

Thứ tư: Qua đoạn video này, tôi chưa thấy bất kỳ một biên bản xử phạt hành chính nào được lập, được người vi phạm ký tên và được xé cùi biên bản.

Nếu việc tuần tra ở góc đường này được phê duyệt thì người phê duyệt ấy sẽ phải có trách nhiệm trả lời trước công luận là cán bộ dưới quyền đã hoàn thành nhiệm vụ tuần tra của mình đến mức độ nào. Và trả lời được câu hỏi bấy lâu của chính quan chức cao cấp ngành công an: "Ngoài đường có cái gì mà ai cũng thích ra đứng?"

Luật sư Phạm Công Út (Ảnh: Chi Mai)

Trong video có đoạn một CSGT được một người (tạm cho là vi phạm) đưa điện thoại để nghe, sau đó CSGT này trả lại giấy tờ cho người đó. Luật sư nghĩ sao về hành động của CSGT nói trên?

Theo Thông tư số 65/2012/TT-BCA thì không có điều khoản nào quy định hoặc cho phép thả người vi phạm mà không cần biên bản sau khi nghe điện thoại từ người vi phạm. Do đó, viên cảnh sát giao thông ấy đã vi phạm ngay chính quy định tuần tra, hành vi ấy cần phải được xử lý nghiêm minh trước khi xử lý người vi phạm giao thông.

Theo ông những CSGT trong đoạn video được ghi lại có nhận tiền?

Có những hành vi ám muội mà người xem có thể suy diễn là người vi phạm móc bóp lấy tiền, cảnh sát nhanh chóng nhận tiền và giao trả giấy tờ xe. Nhưng nếu khẳng định đó là đưa và nhận hối lộ thì sẽ khó có câu trả lời chính xác mỗi người đưa bao nhiêu? Tổng cộng 1 ca tuần tra các cảnh sát ấy "thu hoạch" được bao nhiêu?

Do đó, sự khẳng định này cần chuyển giao cho thủ trưởng cơ quan của họ hoặc cơ quan thanh tra công an hoặc cơ quan cảnh sát điều tra... Chắc chắc những vị ấy đủ năng lực để kết luận một cách khá chính xác để loại trừ sâu mọt trong nội bộ ngành cảnh sát giao thông.

Trong trường hợp những CSGT này bị xác định "nhận hối lộ" thì họ sẽ bị xử lý như thế nào thưa ông?

Nếu số tiền từ 2 triệu trở lên sẽ bị khởi tố theo điểm c, khoản 2, điều 279 Bộ luật Hình sự với mức án từ 7 đến 15 năm. (2 triệu là tổng số tiền của các CSGT thu được trong 1 ca trực chứ không phải của 1 người đưa hối lộ).

Có nghĩa là tất cả những CSGT làm việc trong ca đó đều phải chịu trách nhiệm như nhau?

Đúng vậy, họ chính là đồng phạm vì họ cùng cố ý thực hiện hành vi phạm tội (Nhận hối lộ) theo điều 20 BLHS.

Trong trường hợp số tiền dưới 2 triệu thưa ông?

Nếu dưới 2 triệu họ vẫn có thể bị truy tố theo khoản 1, điều, 279 BLHS do họ có hành vi "phạm tội nhiều lần".

Trong trường hợp nào có thể đưa ra khỏi ngành thưa ông?

Đó là vi phạm điều lệnh, quy chế ngành, có thể cho ra khỏi ngành nếu họ nhiều lần vi phạm; Hoặc chính cơ quan ấy luôn nghiêm khắc với những hành vi vi phạm điều lệnh quy chế ngành để làm gương dù rằng chỉ phát hiện vi phạm một lần duy nhất.

Nguyễn Cường (thực hiện)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/csgt-moc-vi-nguoi-di-duong-luat-su-noi-gi-post121305.info