Cụ bà 95 tuổi với thói quen dọn dẹp căn nhà 'không một hạt bụi'

Năm tháng qua đi không chừa một ai, nhưng khó có thể khiến bà bớt đi lòng yêu đời. Điều này có thể nhìn thấy qua cách cụ bà đối xử với căn nhà và cuộc sống của mình.

Cụ bà 95 tuổi ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) đã trở nên nổi tiếng nhờ thói quen sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, giữ nơi sống "không một hạt bụi, không gian tối giản", khiến cư dân mạng càng xem càng thích mắt.

Mặc dù tuổi tác đã cao nhưng cụ bà vẫn khỏe mạnh và đầu óc vô cùng minh mẫn, cuộc sống rất có nề nếp. Mấy chục năm như một, nhà cửa lúc nào cũng chỉnh tề, sạch sẽ. Thói quen và cách sống này rất đáng được giới trẻ học tập.

Cụ bà sống tại căn hộ do con cái mua cho, không gian không lớn, đồ đạc cũng không quá nhiều, có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Nhiêu đây có lẽ là đủ đối với người lớn tuổi như bà.

Lối vào nhà có một tủ giày cao nửa mét, phía dưới để trống. Có thể xếp giày theo hàng, rất dễ lấy, trông gọn gàng, không lộn xộn chút nào.

Bà cụ tuy đã 95 tuổi nhưng chưa bao giờ muốn nhàn rỗi, luôn tìm việc gì đó để làm. Khi còn trẻ, bà là một nhân viên gương mẫu trong công xưởng vận hành theo quy trình rõ ràng. Về hưu, bà vẫn giữ nề nếp thói quen có trình tự này.

Lúc rảnh rỗi, bà cũng ngồi máy may làm đồ thủ công. Bà đã tự tay may vỏ gối, ga trải giường, chăn bông cho con cháu và quần áo cho mình, tay nghề cũng không hề thua kém sản phẩm bán trong cửa hàng.

Mỗi ngày bà thức dậy lúc 5 giờ, việc đầu tiên là vào bếp nấu cháo, cùng với đó là quét tước nhà cửa.

Bà cho rằng: “Sáng dậy quét nhà là thói quen quy củ từ xưa đến nay, không thể vứt bỏ!”. Bà kiên trì với việc quét và lau dọn mỗi ngày, lau bệ cửa sổ, bàn ghế, để nhà cửa luôn sạch sẽ.

Có lẽ trong mắt một số người, cuộc sống kỷ luật tự giác ngày này qua năm khác rất nhàm chán và khó có thể kiên trì. Nhưng những thói quen này dường như đã khắc sâu vào tiềm thức của người già như cụ bà 95 tuổi. Một ngày không dọn dẹp ngược lại còn khó chịu đến đứng ngồi không yên.

Không gian trong nhà tuy có vẻ không đặc biệt sang trọng, thậm chí có phần thô sơ nhưng kiểu sắp xếp thứ tự gần gũi với cuộc sống lại thiết thực hơn, mang hơi thở đời thường, khiến người ta dễ dàng cảm thấy hạnh phúc.

"Ẩm thực muôn phương, không bằng bát cơm dân dã ấm tình người". Bữa ăn chính là mảnh ghép hạnh phúc trong cuộc đời của mỗi người.

Người già một ngày ba bữa không cần cầu kỳ, chỉ cần ăn món mình thích, đó cũng là cao lương mỹ vị.

Mặc dù tuổi già sức yếu, nhưng cụ bà luôn tự nấu ăn. Bà nói: “Con trai, con gái đã có gia đình riêng, rảnh rỗi thì đến chơi với bà, không rảnh thì không cưỡng cầu. Việc gì mình làm được thì phải tự làm, kẻo tạo gánh nặng cho con cái”.

Ăn cơm xong, bà dọn dẹp, rửa bát và vứt rác ngay lập tức mà không để dồn đống. Sau đó bà thường đi dạo và trò chuyện với hàng xóm.

Ở tuổi này, sức khỏe giảm sút, chân tay không còn lanh lợi là chuyện dễ hiểu. Vì thế con cái đã gọi người lắp cho bà một thanh vịn trong nhà vệ sinh để bà có thể đứng ngồi thuận tiện hơn.

Năm tháng qua đi không chừa một ai, nhưng khó có thể khiến bà bớt đi lòng yêu đời, điều này có thể nhìn thấy qua cách cụ bà đối xử với căn nhà và cuộc sống của mình.

Chuẩn bị quần áo trước một ngày, xếp chăn ga gối đệm, trải giường phẳng phiu; đồ đạc không nhiều, thu dọn cũng nhanh, nếu rảnh rỗi hơn thì lau cửa sổ, cửa ra vào.

Khi trời nắng, bà thường giặt ga trải giường, chăn mền và quần áo trái mùa.

Có lẽ đã quen với nếp sống từ nhỏ, bà luôn cảm thấy quần áo giặt bằng tay là sạch nhất. Bà vẫn giữ thói quen này cho đến khi sức khỏe không cho phép.

Khi được hỏi “Bà có muốn con cháu học theo cách sống này của bà hay không?”, cụ bà 95 tuổi mỉm cười:

“Mỗi người, mỗi độ tuổi, đều có cách sống khác nhau. Hãy sống theo cách mình cảm thấy hạnh phúc là được. Học hỏi là chuyện đáng hoan nghênh, nhưng chỉ tiếp thu nếu nó phù hợp với bản thân. Có lẽ vì bà đã già nên mọi thứ xung quanh cũng đơn giản hơn hẳn, do đó mới dễ dàng cảm thấy vui vẻ, bình yên. Tụi trẻ sẽ thấy vui vẻ theo cách chúng muốn”.

Nguồn: Zhihu

Trung Hạ

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cu-ba-95-tuoi-voi-thoi-quen-don-dep-can-nha-khong-mot-hat-bui-20230504161448038.htm