'Cú bắt tay dưới gầm bàn'?

90% các dự án BT là chỉ định thầu. Và có thể 'biến tướng thành giao dịch ngầm'. Thành những 'cú bắt tay gầm bàn'. Vấn đề vừa được nêu sáng nay trước Quốc hội.

ĐBQH nêu ý kiến trong phiên QH thảo luận về đầu tư công. Ảnh: Zing

Nói rất rát. Những dẫn chứng hết sức cụ thể. Những con số thật sự đáng ngạc nhiên. Và cả những câu hỏi thuộc diện không thể trả lời... Có thể nói, phát ngôn đáng chú ý nhất trong phiên QH thảo luận về đầu tư công là từ ĐBQH Mai Sỹ Diến.

Có hình thức đầu tư nào mà “khoảng trống pháp lý” đến mức 90% các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng- chuyển giao (BT) lại lựa chọn nhà đầu tư bằng cách chỉ định thầu, vô hiệu hóa những quy định pháp luật về đấu thầu.

Có hình thức nào mà lại tiềm ẩn, và không thiếu những ví dụ nhãn tiền - về khả năng “biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước".

Dường như con số 4.515 tỉ đồng mà Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi qua các dự án BT đang là một dẫn chứng thực tế.

Và có hình thức nào mà ngay cả những câu hỏi về hiệu quả cũng khó có thể trả lời. Sáng nay, ĐBQH Mai Sỹ Diến đã đặt thẳng câu hỏi, rằng: BT thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách? Và thậm chí, cả việc có nên tiếp tục thực hiện hình thức này?

Đầu tư công, với 2 triệu tỉ đồng cho 9.620 dự án trong chỉ 3 năm thực hiện Nghị quyết QH về đầu tư công trung hạn - đang là một khoản chi cực lớn từ ngân sách. Nhìn từ phía dân, khoản tiền đó là thuế, là vay mượn, là nợ công. Và đổi lại, nhu cầu đòi hỏi về những công trình minh bạch, có chất lượng, có hiệu quả là không thể phủ nhận.

Nhưng đầu tư công, dù từ vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, hay vốn quỹ đất qua các hình thức đầu tư mang tính xã hội hóa đang là vấn đề rất lớn, thậm chí gây bất ổn xã hội, gây thất thoát tài sản nhà nước.

2 triệu tỉ đồng, bằng tiền thuế hơn 1,5 năm của cả 90 triệu dân đang được phân bổ, sử dụng, quản lý thật sự thiếu hiệu quả.

Trước QH, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai cũng thẳng thắn về thực tế có quá nhiều dự án dở dang, thiếu vốn khi mà cách phân bổ kiểu “mỗi địa phương 1 dự án (trong khoảng 200.000 tỉ đồng)”.

Và bà cho rằng “nợ công, bội chi lớn, bắt buộc chúng ta phải chọn tập trung, không dàn trải”, bởi “công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa là chỉ một số địa phương được đầu tư”.

Một nhạc trưởng tỉnh táo, công bằng. Một sự phân bổ hợp lý. Một chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Một hệ thống quy chuẩn đủ mạnh mẽ. Dường như những điều cần thiết ấy cũng chính là thứ mà đầu tư công còn thiếu. Và có lẽ, nó nên được bắt đầu bằng việc trả lời câu hỏi hiệu quả của một dự án, ngay từ đầu. Và vấn đề trách nhiêm của những người quyết định.

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cu-bat-tay-duoi-gam-ban-638559.ldo