Cú bổ nhào của hãng bay tư nhân hàng đầu Ấn Độ

Từng là cánh chim đầu đàn của thế hệ các hãng bay tư nhân Ấn Độ, Jet Airways giờ đây cạn sạch tiền hoạt động đến mức phải dừng tất cả các chuyến bay và đứng trước nguy cơ phá sản.

Hãng hàng không Jet Airways buộc phải ngừng bay vì cạn tiền. Ảnh: AFP

Dừng bay vì hết tiền

Hôm 17-4, hãng hàng không tư nhân lâu đời nhất của Ấn Độ và cũng là hãng bay lớn thứ hai Ấn Độ Jet Airways thông báo tạm dừng tất cả các chuyến bay vì không thể huy động được các khoản vay khẩn cấp từ các ngân hàng. Không còn tiền, Jet Airways không thể trả chi phí nhiên liệu và các dịch vụ quan trọng để duy trì các hoạt động bay.

Trong những tuần gần đây, Jet Airways hủy hàng ngàn chuyến bay, ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại của hàng chục ngàn hành khách bay các tuyến trong nước và quốc tế. Vào đầu tuần này, Jet Airways chỉ còn vận hành bảy chiếc trong tổng đội bay 119 chiếc vì hết tiền để trả cho các công ty cho thuê máy bay. Vào thời kỳ đỉnh cao, Jet Airways vận hành 123 máy bay, phục vụ 600 tuyến bay trong nước và 380 tuyến bay quốc tế.

Jet Airways chìm sâu trong vòng xoáy khủng hoảng trong những tháng gần đây khi các công ty cho Jet Airways thuê máy bay đổ xô lấy lại máy bay cho thuê vì họ lo ngại kế hoạch giải cứu Jet Airways thất bại.

Jet Airways đang gánh khoản nợ hơn 1,2 tỉ đô la trong khi doanh thu đang teo tóp dần. Hãng hàng không này đã không trả nợ cho các ngân hàng và các công ty cho thuê máy bay trong nhiều tháng qua.

Vốn hóa thị trường của cổ phiếu Jet Airways trên sàn giao dịch chứng khoán Bombay (Ấn Độ) chỉ còn 260 triệu đô la so với mức 1,6 tỉ đô la vào năm 2005.

Tháng trước, người sáng lập kiêm Chủ tịch Jet Airways Naresh Goyal đồng ý từ chức như là điều kiện để được một nhóm chủ nợ do Ngân hàng nhà nước Ấn Độ (SBI) đứng đầu cân nhắc giải cứu. Tuy nhiên vào cuối ngày 17-4, thay mặt cho các chủ nợ, SBI cho biết sẽ không cung cấp khoản vay khẩn cấp 218 triệu đô la giúp Jet Airways duy trì hoạt động. SBI cho biết các chủ nợ không muốn một giải pháp chắp vá, có thể hỗ trợ Jet Airways trong ngắn hạn nhưng rồi rồi sau đó, hãng hàng không này sẽ tiếp tục xin vay tiếp.

Giờ đây, Jet Airways chỉ còn trông chờ vào kế hoạch bán 75% cổ phần cho các nhà đầu tư tư nhân. Nếu đến hạn cuối cùng vào ngày 10-5 tới, không có nhà đầu tư nào chấp nhận rót tiền mua cổ phần của Jet Airways, hãng hàng không sẽ phải tuyên bố phá sản và trong vòng 180 ngày phải thanh lý tài sản để trả tiền cho các chủ nợ.

Số phận của Jet Airways vẫn chưa biết ra sao nhưng hiện tại, hơn 20.000 nhân viên của Jet Airways đang điêu đứng. Nhiều phi công và tiếp viên của Jet Airways bị nợ lương trong nhiều tháng qua. Hôm 18-4, hàng trăm nhân viên của Jet Airways tuần hành ở New Delhi và Mumbai để kêu gọi chính phủ giải cứu Jet Airways. Một người biểu tình mang biểu ngữ có dòng chữ: “Cứu lấy Jet Airways, cứu lấy gia đình chúng tôi”.

Hôm 18-4, hàng trăm nhân viên của Jet Airways tuần hành ở Mumbai để kêu gọi chính phủ giải cứu Jet Airways. Ảnh: Business Standard

Trượt dài từ đỉnh cao

Jet Airways ra đời vào năm 1993, hai năm sau khi Ấn Độ tự do hóa nền kinh tế và mở cửa cho đầu tư tư nhân.
Jet Airways là một trong năm hãng bay tư nhân được cấp phép vào lúc đó. Jet Airways nhanh chóng nổi lên là gương mặt sáng giá của ngành hàng không ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn thập niên 1990 và thập niên 2000. Trong khi các hãng bay tư nhân không sống sót nổi, Jet Airways liên tục phát triển vươn lên các tầm cao hơn, bào mòn vị thế độc quyền của hãng hàng không quốc gia Ấn Độ Air India, vốn bị chê bai vì các dịch vụ nghèo nàn.

Jet Airways giành được nhiều khách hàng trung thành từ Air India. Đối với nhiều hành khách Ấn Độ, Jet Airways đã làm thay đổi trải nghiệm hàng không của họ bằng cách cung cấp các dịch vụ đẳng cấp quốc tế.

Đến năm 2010, Jet Airways trở thành hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ. Trước khi lâm vào khủng hoảng, Jet Airways cũng là hãng hàng không vận chuyển quốc tế lớn nhất Ấn Độ.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các đối thủ giá rẻ như IndiGo, SpiceJet, GoAir trên thị trường hàng không Ấn Độ vào giữa thập niên 2000 đã đẩy Jet Airways vào đà tuột dốc không phanh. Các hãng hàng không giá rẻ này bắt đầu chào bán vé với giá thấp hơn nhiều. IndiGo duy trì chi phí hoạt động thấp bằng cách chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản và cắt các suất ăn cho khách trên các chuyến bay.

Để cạnh tranh với các đối thủ mới, Jet Airways lao theo cuộc chiến giảm giá vé dù vẫn cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho hành khách.

Jitender Bhargava, cựu giám đốc Air India, cho biết: “Thách thức lớn nhất đối với Jet Airways là chi phí hoạt động cao hơn hơn nhiều so với các hãng hàng không giá rẻ, khiến Jet Airways không có lợi nhuận”.

Ngoài sức ép cạnh tranh khốc liệt, giá dầu biến động mạnh và đồng rupee giảm giá càng khoét sâu các vấn đề tài chính của Jet Airways. Kể từ năm 2008, Jet Airways liên tục thua lỗ và buộc phải vay ngân hàng để duy trì hoạt động.

Trong khi đó, IndiGo dần gặm nhấm thị phần của Jet Airways và vươn lên trở thành hàng hàng không lớn nhất Ấn Độ.

Năm 2018, tình hình trở nên tệ hại hơn đối với Jet Airways khi giá dầu thô tăng mạnh lên mức 80 đô la/thùng đồng thời đồng rupee mất giá gần 20% so với đồng đô la.

Chuyên gia hàng không Mahantesh Sabarad nhận định: “Hai yếu tố này thực sự làm tổn thương dòng tiền mặt của Jet Airways, khiến hãng hàng không này không thể phục hồi”. Các chuyên gia ước tính trước khi dừng hoạt động, Jet Airways chịu lỗ trung bình mỗi ngày 210 triệu rupee (3 triệu đô la).

Theo BBC, Al Jazeera

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287767/cu-bo-nhao-cua-hang-bay-tu-nhan-hang-dau-an-do.html