Cứ công khai bản kê tài sản của cán bộ ở nơi sinh sống sẽ rõ ngay ai gian dối

Theo các chuyên gia, hoạt động kê khai và xác minh tài sản của cán bộ nên được công khai tại địa phương họ sinh sống.

Theo quy định tại Luật phòng chống tham nhũng 2018 của Quốc hội và Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, thông tin kê khai tài sản của cán bộ phải được công khai.

Cụ thể, tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc sở, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện được niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức...

Đối với người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, bản kê khai thu nhập, cá nhân của những đối tượng này được công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện nghiêm việc công khai này. Có ý kiến cho rằng, nên công khai, niêm yết thông tin kê khai tài sản của cán bộ tại địa phương họ sinh sống.

Từ đó, người dân sẽ có những sự đánh giá khách quan về việc kê khai của cán bộ có trung thực hay không. Đồng thời, cũng là biện pháp giúp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền xác minh tài sản một cách chính xác, khách quan, không giống như hình thức bốc thăm để xác minh tài sản, thu nhập cán bộ của Thành phố Hà Nội thực hiện chọn người có tính "may, rủi".

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, việc kê khai tài sản, thu nhập của nhóm cán bộ thuộc diện được kê khai theo quy định là hoạt động nhằm góp phần tăng cường sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Thực tế hiện nay, hoạt động trên vẫn diễn ra tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều cán bộ khi bị bắt do tham nhũng, tham ô, lộ ra khối tài sản "kếch xù", điều này đặt ra câu hỏi về tính trung thực trong kê khai tài sản.

Ông Nguyễn Bá Thuyền (Ảnh: quochoi.vn)

Ông Nguyễn Bá Thuyền (Ảnh: quochoi.vn)

"Bên cạnh đó, câu hỏi được đặt ra về tính minh bạch trong công khai thông tin kê khai của cán bộ được thực hiện như nào. Đồng thời trên một địa bàn cấp tỉnh, thành phố rất rộng lớn hàng trăm đơn vị sự nghiệp công lập, một cơ quan thanh tra khó để xác minh việc kê khai của tất cả các cán bộ hết được", ông Thuyền chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, để thuận lợi cho hoạt động xác minh tài sản, bên cạnh việc thực hiện nghiêm theo quy định là niêm yết công khai tại trụ sở, hoặc tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ sắp được bổ nhiệm, chúng ta cần thực hiện công khai tại địa phương cán bộ sinh sống.

"Người dân họ hiểu rõ nhất về quan hệ, tài sản, gia đình của cán bộ như nào, nên nhận xét, đánh giá về việc kê khai tài sản của cán bộ là khách quan nhất", ông Thuyền chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, việc công khai thông tin kê khai tài sản, thu nhập cán bộ tại địa phương sẽ khiến nhiều cán bộ e ngại với nhiều lý do, ví như phản ánh không đúng sự thật, ảnh hưởng đến danh dự....

Tuy nhiên, ông Thuyền cho rằng, nếu ai phản ánh không đúng sự thật, họ có thể bị xử lý về tội "vu khống". Bởi vậy, việc kê khai tài sản đã là công khai, cán bộ không nên e ngại.

Trước thông tin Hà Nội sẽ tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản của cán bộ, ông Thuyền cho rằng, thực tế hiện nay, có cán bộ làm trong những lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quản lý thị trường... nhiều người rất giàu, bởi vậy việc bốc thăm mang tính chất "may, rủi" sẽ không phù hợp.

"Đối với những nhóm đối tượng trên cần phải xác minh tài sản, thu nhập của họ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải vào vào cuộc ngay với những cán bộ bị tố cáo bất minh về tài sản, chứ không nên để đợi bốc thăm", ông Thuyền nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Thuyền, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức (Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho hay, nếu cán bộ trong sạch, kê khai trung thực tham gia bốc thăm trúng đợt xác minh, cơ quan chức năng đi xác minh sẽ không đúng đối tượng, mất thời gian. Đồng nghĩa với việc cán bộ khác kê khai gian dối lại bốc thăm trượt, sẽ được bỏ qua việc xác minh.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức (Ảnh: GT)

"Hình thức bốc thăm không phù hợp với công cuộc phòng chống tham nhũng. Mục tiêu của việc kê khai và xác minh là để minh bạch tài sản. Chúng ta phải khẳng định những người nằm trong diện này không phải là họ có lỗi gì cả, đây là quy định để minh bạch trước tập thể, nhân dân", Tiến sĩ Chức cho hay.

Theo ông Chức, trong thực tế, có những phản ánh không chính xác về tài sản của cán bộ, nên việc xác minh tài sản cũng là cơ hội minh bạch trước dân, làm cho dân tin hơn về sự liêm khiết của cán bộ.

Bởi vậy, sau khi có kết quả xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, cơ quan chức năng nên công bố công khai cho người dân nắm thông tin.

"Đồng thời cũng giống như việc kê khai, kết quả xác minh cũng nên được công khai tại địa phương cán bộ sinh sống, để người dân có những đánh giá khách quan, chính xác", ông Chức nhấn mạnh.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cu-cong-khai-ban-ke-tai-san-cua-can-bo-o-noi-sinh-song-se-ro-ngay-ai-gian-doi-post229189.gd