Cư dân nhiều nơi yêu cầu nghiệm thu PCCC sau vụ cháy Carina Plaza

Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza ở TPHCM, nhiều cư dân sinh sống tại các chung cư ở Hà Nội thấp thỏm lo lắng khi điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa được đảm bảo hoặc công trình chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở. Nhiều cư dân tại các tòa nhà đã căng băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư nghiệm thu PCCC.

Cư dân tại chung cư Capital Garden (Ngõ 102, phố Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội) đã đồng loạt căng băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu nghiệm thu PCCC. Ảnh: K.O

Hàng loạt vụ cháy liên tiếp xảy ra

Vụ cháy chung cư cao cấp Carina xảy ra vào 23/3 khiến 13 người tử vong, nhiều tài sản bị thiêu rụi đã khiến nhiều người lo sợ về tình trạng đảm bảo an toàn PCCC tại các khu chung cư. Carina vốn là một chung cư cao cấp khi người ta phải bỏ ra cả tỷ bạc để có được một nơi trú nắng, trú mưa ở trong đó. Nhưng khi hỏa hoạn xảy ra chuông báo cháy không hoạt động, người dân chỉ biết đến vụ cháy khi hơi nóng, và khói bốc lên cùng tiếng còi cứu hỏa inh ỏi.

Cũng trong khoảng thời gian này một loạt vụ cháy đã xảy ra trên địa bàn Hà Nội khiến người dân lo lắng về công tác PCCC tại các khu chung cư. Cụ thể, vào ngày 20/3/2018 ở căn hộ 904, thuộc tòa nhà CT2B, chung cư Tràng An Complex (số 1, Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra hỏa hoạn. Theo người dân, khi xảy ra hỏa hoạn và đến thời điểm đám cháy được dập tắt hoàn toàn (khoảng 5 phút) nhưng chuông báo cháy không hoạt động.

Lo lắng và bức xúc về sự an toàn của bản thân, hàng loạt hộ dân sống tại chung cư Tràng An Complex (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đồng loạt treo băng rôn “Có cháy phải chữa cháy, không đổ lỗi cho dân” hay “Yêu cầu GPH công bố quy trình PCCC với cư dân” và tố chủ đầu tư không đảm bảo PCCC.

Vào ngày 26/03, chủ đầu tư tòa nhà là Công ty cổ phần quản lý nhà GP Invest (GPI) đã có văn bản giải thích đến cư dân. Trong văn bản nêu rõ: “Khi cháy xảy ra ở phòng 904 - CT2B, đám cháy được dập tắt bằng đầu Sprinkler (đầu chữa cháy tự động kích hoạt) nên nhân viên trực phòng trung tâm đã cô lập tín hiệu chuông báo cháy, cô lập tín hiệu liên động tăng áp buồng thang... nhằm mục đích tránh làm hoang mang và đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân...”. Tuy nhiên, phía cư dân cho rằng, những lời giải thích này không hợp lý, họ treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư đối thoại trực tiếp với cư dân.

Tiếp đến, vào khoảng 10h ngày 25/3 tại tòa chung cư CT5 Văn Khê (Hà Đông – Hà Nội) cũng đã xảy ra một vụ hỏa hoạn tại căn hộ trên tầng 21. Điều đáng nói là, khi đám cháy xảy ra, cư dân tại tòa nhà không hề nghe thấy chuông báo cháy. Được biết, công trình này được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt số 16-08/TD-PCCC ngày 24 tháng 1 năm 2008 do Công an tỉnh Hà Tây (cũ) cấp, song vẫn chưa được nghiệm thu về hệ thống phòng cháy chữa cháy. Sau vụ việc, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã chuyển hồ sơ những vi phạm về PCCC trong đầu tư xây dựng của dự án này cho cơ quan Cảnh sát điều tra.

Mới đây nhất, vào tối ngày 27/3, hàng chục hộ dân sống trong tòa nhà chung cư A1, đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng được một phen hoảng hồn vì vụ hỏa hoạn xảy ra tại một phòng kỹ thuật ở tầng 18. Được biết, nguyên nhân đám cháy bước đầu được xác định xuất phát từ một chiếc đệm mút ở một căn hộ bỏ không (không có người ở) trên tầng 18 tòa nhà chung cư. Nhưng thêm một lần nữa, người dân lại thấy hoài nghi về chất lượng PCCC tại khu chung cư này khi cư dân tại đây cho biết suốt thời điểm xảy ra cháy chuông báo cháy tại nhà chung cư A1 cũng không hề hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư cũng chưa có giải thích với cư dân về sự việc trên.

Trước thực trạng trên, hàng loạt cư dân sống tại các khu chung cư đã treo băng – rôn, biểu ngữ yêu cầu chủ đầu tư (CĐT) phải khắc phục và hoàn hiện hạ tầng về PCCC.

Dân chung cư đồng loạt “kêu cứu”

Trạm biến áp được đặt ngay dưới tầng hầm B1, ngay sau lối để xe ô tô, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ.

Vào ngày 27/03/2018, cư dân tại chung cư Capital Garden (Ngõ 102, phố Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội) đã đồng loạt căng băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty THHH Khách sạn Kinh Đô phải hoàn thiện, nghiệm thu an toàn phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định của các cơ quan chức năng.

Những dòng chữ: “Kinh Đô sai phạm nghiêm trọng PCCC, trách nhiệm thuộc về ai”, “Yêu cầu nghiệm thu PCCC”, “Mở lối thoát hiểm tầng 1 cho cư dân”, “Capital Garden không muốn là Carina thứ 2”,... được giăng khắp tòa nhà.

Theo chia sẻ của các cư dân, đây không phải lần đầu tiên người dân ở đây tổ chức phản đối chủ đầu tư. Trong suốt gần 2 năm sau khi đưa vào sử dụng, người dân đã nhiều lần phản ứng tương tự vì bị cắt nước, điện, không lắp đặt hệ thống PCCC đầy đủ.

Mới đây nhất, vào ngày 26/03/2018, phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC nhưng công trình vẫn chưa thể được nghiệm thu vì nhiều hạng mục chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Cụ thể: lực hút của quạt hút khói tầng B1 yếu, không đảm bảo; 2 bơm cấp cho hệ thống chữa cháy từ tầng 1 đến tầng 24 không hoạt động; tại khu vực tầng 1 cơ sở đã tổ chức ngăn chia mặt bằng bịt lối thoát nạn hướng Bắc của công trình;...

Tại biên bản kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 cũng chỉ rõ: “Quá trình thi công xây dựng công trình có điều chỉnh so với hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt nhưng chưa tổ chức thẩm duyệt thiết kế bổ sung, chưa được cảnh sát PCCC nghiệm thu tổng thể nhưng đã đưa công trình vào sử dụng, hoạt động”.

Ngoài ra chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công năng của 2 tầng kĩ thuật, 2 tầng cây xanh thành căn hộ. Đặc biệt: “Tầng hầm B1 bố trí thêm phòng máy biến áp, phòng máy phát điện, phòng trực, phòng thu rác. Tại thời điểm kiểm tra trong phòng trạm biến áp và phòng hạ thế cơ sở đã thi công lắp đặt hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy tự động bằng khí tuy nhiên chưa duy trì hoạt động của hệ thống. Chưa thi công hệ thống cửa sập cho cửa thông gió. Còn hiện tượng sắp xếp ô tô trước cửa của trạm biến áp, phòng hạ thế” biên bản kiểm tra an toàn PCCC lập vào ngày 26/3/2018 chỉ rõ.

Theo bà P.K.D (một cư dân sống tại Capital Garden) cho hay: “Từ khi vào đây, mong muốn lớn nhất của cư dân chúng tôi là chủ đầu tư có thể làm đúng theo như thiết kế ban đầu. Trả lại chúng tôi lối thoát hiểm, lắp đặt hoàn thiện hệ thống PCCC để cư dân có thể yên tâm sinh sống. Nếu ở đây có xảy ra hỏa hoạn thì thương vong còn lớn hơn nhiều so với Carina. Chúng tôi bỏ ra cả tiền tỷ chỉ mong có 1 nơi để an cư lập nghiệp nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ toàn mua bực dọc vào người”.

Không chỉ cư dân tại Tràng An Complex hay Capital Garden bức xúc tố chủ đầu tư vi phạm an toàn PCCC mà trước đó cũng đã nhiều lần cư dân tại các khu chung cư căng băng rôn, xuống đường phản đối khi sự an toàn của bản thân không được đảm bảo. Rõ ràng, chưa bao giờ vấn đề PCCC lại “nóng” như thời điểm này. Hàng loạt vụ việc xảy ra, thương vong cũng đã có khiến người ta hoài nghi thậm chí lo sợ về vấn đề PCCC tại các khu chung cư. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư vì vấn đề lợi nhuận mà phớt lờ các quy định về PCCC.

TP Hà Nội đã nêu tên 17 công trình nhà chung cư cao tầng (đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng) vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn hiện hành của PCCC. Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội kiến nghị giải pháp cho phép giảm bớt một số quy chuẩn đối với công trình cụ thể, khi có giải pháp thay thế và được sự thẩm duyệt bởi Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy (Bộ Công an). Để khắc phục tồn tại về phòng cháy chữa cháy của những công trình trên, Hà Nội đưa ra 10 nhóm giải pháp, tương ứng với nhóm chung cư có cùng vấn đề phải giải quyết. Với công trình không có khả năng thi công hệ thống tăng áp cho buồng thang bộ, thành phố đề xuất mở ô cửa thoáng mặt sau các buồng thang bộ. Với công trình tồn tại về hệ thống thu rác, đề xuất giải pháp ống đổ rác làm bằng vật liệu không cháy, miệng ống phải tự động đóng kín…

Kim Oanh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cu-dan-nhieu-noi-yeu-cau-nghiem-thu-pccc-sau-vu-chay-carina-plaza-20180330162046066.htm