Cứ điểm A1 Những giờ phút cuối cùng

Sau hai lần tiến công cứ điểm A1 chưa thu được nhiều kết quả, tối ngày 6-5-1954, hiệu lệnh tiến công đợt ba của toàn chiến dịch vang lên, đó cũng là thời khắc Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) của quân đội ta tổ chức tiến công cứ điểm A1 lần thứ ba. Trung tướng Nguyễn Hải Bằng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 315 (C315), thuộc Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174 nhớ lại những giờ phút chiến đấu ác liệt cuối cùng đó...

A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng ngự trên các cao điểm phía đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và cách sở chỉ huy của tướng Đờ Cát-xtơ-ri khoảng 500 mét. Nếu sử dụng hỏa lực bắn thẳng từ đồi A1, ta hoàn toàn khống chế các hoạt động trên mặt đất của sở chỉ huy địch. A1 chính là "chìa khóa vàng" và bàn đạp vô cùng lợi hại để triển khai lực lượng tiến công đánh chiếm khu trung tâm và sở chỉ huy địch. Tuy chỉ là một cứ điểm chiến thuật nhưng rất nhạy cảm về chiến dịch, có ý nghĩa quyết định đến hành động chiến dịch của cả hai bên.

Để chuẩn bị cho trận tiến công lần này, ta phải đào đường hầm để đưa khối bộc phá 1.000 kg sát hầm ngầm địch, khi điểm hỏa sẽ đánh bay toàn bộ hầm ngầm. Anh em công binh, bộ binh phải đào liên tục trong 14 ngày. Bên trong phải đào buồng để đặt khối thuốc nổ cao 1,5 mét, rộng 1,5 mét. Vừa đào bên trong vừa bố trí lực lượng giữ cửa hầm đề phòng địch xuống phá. Theo báo cáo của công binh, ta đã đào được 49 mét, có khả năng nằm ngay dưới hầm ngầm. Để có thuốc nổ làm bộc phá, công binh phải tìm chỗ máy bay B24 của địch bị bắn rơi lấy bom và bom nổ chậm, tháo ngòi, cưa lấy thuốc. Gom mãi cũng được 1.000 kg.

Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954, theo hiệu lệnh tiến công đợt ba của toàn chiến dịch, Đại đoàn trưởng 316 Lê Quảng Ba hạ lệnh cho Trung đoàn 174 tiến công đợt ba cứ điểm A1. Các chiến sĩ ở tuyến 1 đã quay lưng lại đồi A1, há miệng để chống sóng xung kích của khối thuốc nổ 1.000 kg được đặt sát hầm ngầm của địch. Nhưng khác với sự chờ đợi của mọi người, không có tiếng nổ lớn như dự kiến. Chỉ thấy một tia chớp lóe lên kèm theo tiếng "ục" nặng nề om dưới lòng đất như một quả bom nổ chậm của địch. Cần biết rằng, xác định bộc phá nổ là một quyết định vô cùng khó khăn, bởi nếu nổ rồi, bộ đội xung phong kịp thời cơ sẽ thuận lợi, ngược lại, sẽ vô cùng nguy hiểm. Sau này, Đại tướng Tổng Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp hỏi Đại đội trưởng công binh: "Vì sao chỉ thấy tiếng nổ nhỏ?". Đại đội trưởng thưa: "Bộc phá càng nổ nhỏ, om sức công phá càng lớn". Còn trong cuốn hồi ký của viên quan ba Pháp Pu-ghết, chỉ huy cứ điểm A1, có viết: Một sự rung rinh chạy suốt chỏm đồi, đất đá rung chuyển và một tiếng nổ át cả các tiếng nổ khác, tiếng gầm kéo dài vài giây trong lòng đất với âm lượng trầm, đỉnh đồi bị vẹt, một bộ phận của Đại đội 2 mất tăm, quân Việt Nam lọt vào cửa mở, chiếm miệng phễu trên đỉnh, nhảy lên trên chúng tôi, một lúc sau tôi mới hiểu rõ tình thế.

TRONG thời khắc vô cùng khó khăn để đưa ra quyết định, Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hữu An đã rất tỉnh táo lệnh cho các đại đội xung phong. Khối thuốc nổ đặt chưa đúng vị trí theo ý muốn là ngay dưới hầm ngầm của địch, còn cách 30 mét, cho nên đã hất tung một đoạn chiến hào, phá sập một đoạn trận địa tạo thành hình phễu rộng khoảng 15 mét, sâu 10 mét. Nhớ lại những lần tiến công trước, bộ đội ta phải chịu đựng liên tiếp các đợt "bão lửa" bởi pháo cối của địch. Cả Trung đoàn vẫn còn ngoài hàng rào mà cáng thương đã làm việc hết công suất. Các đại đội khi xuất quân, đội hình kéo dài, như thế mà sau mỗi loạt đạn pháo của địch lại vơi dần. Tuy nhiên lần này, dưới sức công phá của khối bộc phá, nhiều lô-cốt, ụ súng và quân địch đã tan xác. Thời cơ đã đến. Khi những tên địch còn lại đang choáng váng, quân ta đã áp sát cửa hầm, địch không kịp đối phó. Chúng bỏ chạy xuống hầm ngầm. C315 quyết liệt bám theo.

Khi địch tụt xuống hầm ngầm, quân ta lao theo ném lựu đạn, đánh cận chiến. Chỉ sau 15 phút, ta đã đánh chiếm xong các hầm ngầm cố thủ và chiến hào chung quanh khu A, đồng thời xốc lại đội hình, chờ lệnh chiến đấu mới. Khoảng 23 giờ, C315 được lệnh đánh chiếm toàn bộ khu B, phát triển xuống khu C. Lúc này, càng tiến sâu vào tung thâm, sức kháng cự của địch càng quyết liệt. Ta và địch ở thế "cài răng lược". Tiếng súng, tiếng lựu đạn không lúc nào ngừng. Rút kinh nghiệm hai lần tiến công, Đại đội trưởng C315 Nguyễn Hải Bằng hạ lệnh cho các trung đội vừa vận động trong chiến hào, vừa vận động trên mặt đất để chia cắt địch thành từng đoạn, không cho chúng rút về co cụm chống đỡ. Cách đánh này phát huy hiệu quả, ngoài những tên địch bị tiêu diệt, ta còn bắt sống hàng chục tù binh khác và giải ra ngoài, nhằm ngăn chặn chúng lại nhập với quân phản kích.

Khoảng 2 giờ 30 phút ngày 7-5, C315 đã đánh chiếm hoàn toàn khu B và tiếp tục phát triển xuống khu C. Kết nối giữa khu B và khu C là hầm ngầm địch mới đào sau trận tiến công lần thứ hai của ta, được sử dụng làm sở chỉ huy dự bị để rút về cố thủ, trong trường hợp hầm ngầm khu A mất. Để đánh được là rất khó khăn và ta sẽ rơi vào tình thế rất gay go nếu thời gian đánh kéo dài. Phương án lúc này là gì? Ném lựu đạn sẽ không có kết quả, muốn tiêu diệt phải có thuốc nổ. Nhưng biết tìm đâu thuốc nổ. Sẽ phải thử nghiệm phương án kêu gọi địch đầu hàng, trường hợp chúng không ra thì sẽ phải xuống đánh cảm tử. Đại đội trưởng Nguyễn Hải Bằng cho tập trung lựu đạn, ném xuống cửa hầm và gọi hàng: Khối thuốc nổ đêm qua các anh đã rõ sức mạnh của nó, nếu các anh không ra hàng, chúng tôi sẵn sàng cho nổ khối thuốc mạnh gấp hai lần. Thật bất ngờ, lần lượt từng tên địch cởi trần trùng trục, hai tay giơ lên đầu, lồm cồm chui ra từ hầm ngầm. Đây là đám tàn quân các nơi rút về cố thủ, chờ viện binh lên phản kích. Trong số này có tên Pu-ghết, quan ba chỉ huy cứ điểm A1. Như vậy, toàn bộ quân lính cùng sở chỉ huy cứ điểm A1 gồm 120 tên đã lũ lượt ra hàng, không còn tinh thần để cố thủ. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, Trung đoàn 174 đã đập tan sức kháng cự cuối cùng của địch, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong cứ điểm, làm chủ hoàn toàn A1.

Giải quyết xong cứ điểm A1, ai nấy vui mừng tột độ, đồng thời cũng thấy mỏi mệt rã rời. Định chui vào lô-cốt của địch chợp mắt thì cả Đại đội lại được lệnh của cấp trên giao nhiệm vụ đặt trận địa súng máy trên A1 bắn chặn địch từ Mường Thanh lên phản kích cứ điểm C2. Trận địa tám khẩu đại liên và trung liên của C315 được tổ chức ngay lập tức. Súng bắn không tiếc đạn. Quân địch đang phản kích lên C2 bị chế áp hoàn toàn... Từ khoảng 8 giờ ngày 7-5 trở đi bắt đầu xuất hiện cờ trắng mọc lên ở từng căn cứ địch. Từng lá cờ trắng to, nhỏ xuất hiện, lan dần từ cứ điểm này sang cứ điểm khác... Tối đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch yêu cầu Pháp ngừng ném bom để ta đưa tù binh về phía sau. Bầu trời sáng trăng rất đẹp, yên tĩnh lạ thường, Đại đội trưởng Nguyễn Hải Bằng cho anh em nằm ngay trên đồi A1. Lần đầu tiên anh em rải bạt nằm thoải mái trên mặt đất, nhưng vẫn chờ lệnh đánh tiếp Hồng Cúm nếu địch không hàng. Mọi người vui quá, pha cả chậu cà-phê chiến lợi phẩm uống với nhau, càng kích thích, không ai ngủ được, toàn nói chuyện về đồng bằng: "Chuyến này nhất định sẽ về đồng bằng giải phóng quê hương, rừng núi đâu còn bóng giặc. Anh em nắm tay nhau: "Nhớ quê hương quá! Nhớ đồng bằng quá!".

VĨNH KHANG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/item/23099202-cu-diem-a1-nhung-gio-phut-cuoi-cung.html