Cú hích chứng quyền

Chứng quyền có đảm bảo (covered warrant) sẽ được IPO và niêm yết vào tháng 6.2019. Loại chứng khoán phái sinh này có tạo được cú hích cho thị trường chứng khoán?

Hai trong số 16 mã chứng khoán được chọn làm chứng khoán cơ sở cho đợt phát hành đầu tiên của 7 công ty chứng khoán là Thế Giới Di Động (MWG) và FPT. Trong buổi giới thiệu về chứng quyền của VNDirect, nếu MWG được nhận định sẽ tăng 36% giá trị trong vòng một năm tới, thì FPT lại nhận được thái độ định giá thận trọng hơn rất nhiều khi không có mức giá mục tiêu. “Cổ phiếu phòng thủ” nhận xét của đại diện phân tích VNDirect cho FPT và nhận xét này hầu như đúng cho cổ phiếu thuộc danh mục VN30, với những thỏa mãn về vốn hóa lớn, kinh doanh tốt và khối lượng giao dịch ổn định.

Cổ phiếu phòng thủ

Là một sản phẩm phái sinh từ chứng khoán cơ sở, chứng quyền được thiết kế ngang hàng với chứng khoán khi cũng trải qua giai đoạn IPO, niêm yết trên HoSE và sau đó giao dịch với những ràng buộc như các chứng khoán khác trong biên độ giá xác định và thời hạn thanh toán bù trừ 2 ngày (T+2). Giá chứng quyền rất rẻ, chỉ từ 1.000-3.500 đồng trong trường hợp chứng quyền của VNDirect phát hành, thế nhưng tỉ lệ chuyển đổi và giá thực hiện mới là yếu tố cần được quan tâm.

Tổng lượng chứng quyền mà các công ty chứng khoán phát hành có thể tương đương với 10% số lượng tự do chuyển nhượng. Việc các công ty chứng khoán phải phòng hộ rủi ro bằng cách mua chứng khoán cơ sở ở một tỉ lệ tương ứng với số lượng chứng quyền phát hành ra làm dấy lên kỳ vọng giá chứng khoán sẽ tăng. “Nếu tổng lượng phát hành của các công ty chứng khoán ít thì việc phòng hộ này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá chứng khoán”, ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Chiến lược thị trường của VNDirect, bình luận về khả năng này.

Được phát hành bởi tổ chức tài chính trung gian là công ty chứng khoán, chứng quyền không có mối liên hệ nào với các doanh nghiệp niêm yết và loại chứng khoán mà chúng trao quyền mua. Đến ngày thực hiện hợp đồng, sau kỳ hạn từ 3-12 tháng, tiền chính là phương tiện để thanh toán chứ không phải chứng khoán. “Đối với nhà đầu tư, việc chọn tổ chức phát hành rất quan trọng”, ông Dũng bình luận. Việc đảm bảo thanh khoản cũng tùy thuộc công ty chứng khoán, mà rủi ro của chứng quyền cũng nằm ở khả năng thanh toán của công ty chứng khoán phát hành.

Chứng quyền trên thế giới có 2 loại mua và bán. Tuy nhiên, trước mắt, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có chứng quyền mua, điều này hạn chế ứng dụng đa dạng của chứng quyền trong việc thiết lập các chiến thuật phòng hộ rủi ro cho nhà đầu tư. “Với điều kiện hiện tại, công ty chứng khoán không thể phát hành chứng quyền bán vì không có công cụ phòng hộ rủi ro tương ứng”, ông Dũng giải thích cho khởi đầu này.

Yếu tố đòn bẩy

Chứng quyền có bảo đảm còn là sản phẩm mang đặc tính đòn bẩy khá lớn khi chi phí sở hữu chứng quyền khá thấp so với giá trị của chứng khoán cơ sở nhưng có thể mang lại lợi nhuận tương đương. “Tuy nhiên, đặc tính đòn bẩy cũng mang lại rủi ro khá lớn cho nhà đầu tư vì thông thường giá trị của chứng quyền có bảo đảm tăng hoặc giảm nhanh hơn nhiều lần so với mức tăng hoặc giảm giá trị của chứng khoán cơ sở”, HoSE cảnh báo.

Yếu tố đòn bẩy cũng là lực hút của thị trường phái sinh, dành cho nhà đầu tư ưa mạo hiểm. Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 95% nhà đầu tư trên thị trường phái sinh là cá nhân, phần còn lại thuộc về nhà đầu tư tổ chức, bao gồm cả hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán, còn nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỉ lệ không đáng kể.

Chứng quyền có bảo đảm đầu tiên xuất hiện vào những năm cuối thập niên 80 tại Hồng Kông, sau đó lan rộng và phát triển mạnh ở cả thị trường châu Á và châu Âu, đặc biệt từ năm 2003 đến nay. Theo thống kê của Liên đoàn Sở Giao dịch Chứng khoán Thế giới, tính đến cuối năm 2015, đã có hơn 1,7 triệu loại chứng quyền được niêm yết trên toàn cầu và giá trị chứng quyền giao dịch đã đạt hơn 1.000 tỉ USD. 5 thị trường tại châu Á gồm: Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia nằm trong số 10 thị trường chứng quyền hàng đầu thế giới.

Tại châu Á, bên cạnh các thị trường chứng khoán đã phát triển và đang giao dịch thành công chứng quyền, vẫn có trường hợp đóng cửa thị trường chứng quyền như tại Trung Quốc. Được khởi xướng năm 2004, chứng quyền phổ biến tại Trung Quốc vào năm 2006, nhưng đã đóng cửa vào năm 2010.

Nghiên cứu của các học giả cho thấy sự đóng cửa thị trường chứng quyền Trung Quốc liên quan đến sự đầu cơ quá mức, việc thiếu kiến thức của những người tham gia và việc hết hạn của các chứng quyền liên quan đến cải cách. Tại Trung Quốc, khối lượng giao dịch mỗi ngày của chứng quyền gấp 3 lần khối lượng phát hành, giá thị trường của chứng quyền cũng cao hơn rất nhiều so với mô hình định giá Black-Scholes (được dùng để định giá chứng quyền) khi kiểm tra lại bằng dữ liệu lịch sử. Một lý do khác Trung Quốc không có thị trường chứng quyền là chứng quyền do các công ty phát hành được sử dụng để bù đắp cho cuộc cải cách chứng khoán trong giai đoạn 2004-2008, hết hạn trong 1-2 năm.

“Xem chứng quyền là sản phẩm chiến lược, chúng tôi kỳ vọng thị trường chứng quyền sẽ sôi động như thị trường phái sinh”, ông Dũng nhận định. Liệu kỳ vọng này có trùng với mong đợi của số đông nhà đầu tư?.

Hằng Nguyễn

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/chung-khoan/cu-hich-chung-quyen-3329156/