Cú hích khi thực hiện tự chủ đại học

Câu chuyện giảng viên ĐH 'chạy sô' để tăng thêm thu nhập không còn là hiếm. Nhưng với những trường tư thục hoặc ĐH công lập tự chủ tài chính trả lương cao thì các giảng viên lại không phải quá lo về điều đó và họ có thể dành thời gian cho công tác nghiên cứu, giảng dạy.

Theo ông Nguyễn Khắc Thành - Hiệu trường ĐH FPT Hà Nội, mức lương tối thiểu dành cho giảng viên và nghiên cứu viên có học vị từ tiến sĩ trở lên của trường FPT sẽ được điều chỉnh lên 25 triệu đồng/tháng. Với mức lương khởi điểm này, nhà trường đảm bảo cho cán bộ có mức thu nhập ổn định để yên tâm công tác và làm việc hiệu quả.

“Trước đây, lương khởi điểm tối thiểu cho bậc này ở mức khoảng 15 triệu đồng/tháng. Mặc dù vậy, giảng viên, nghiên cứu viên của trường vẫn nhận thu nhập theo khối lượng công việc, cá nhân nào làm nhiều, thu nhập sẽ tốt hơn. Giờ tăng lên 25 triệu đồng vẫn chưa phải là mức cuối cùng vì tùy vào hiệu suất công việc, cá nhân có thể thu nhập lên cả trăm triệu đồng mỗi tháng” - Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT Lê Trường Tùng cho biết.

Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP HCM) là một trong số ít các trường ĐH công lập tự chủ tài chính tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động đã thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động ở mức cao so với mặt bằng chung khoảng 2-3 lần…Theo một giảng viên của trường, thu nhập trung bình của giảng viên trường này khoảng trên dưới 30 triệu đồng/tháng. Với một số vị trí và công việc đặc thù, thu nhập còn cao hơn.

Ngoài giờ dạy chuẩn, trường còn trả thù lao từ 25 - 35 USD/giờ dạy thêm. Giảng viên có thể tăng thu nhập nhờ vào hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường thông qua các dự án đặt hàng với khoảng 20 triệu đồng/tháng nếu tham gia đề tài lớn. Nhờ mức thu nhập này, gần như giảng viên của trường không có nhu cầu đi dạy thêm bên ngoài. Ngoài thời gian giảng dạy, có thể tập trung cho nghiên cứu và phục vụ sinh viên.

Nói về mức lương của giảng viên ĐH, PGS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho rằng, câu chuyện “chạy sô” không ai muốn, giảng viên không muốn, nhà trường không muốn nhưng không thể làm khác bởi khi chưa thể đảm bảo cuộc sống cho mình và gia đình thì nói sao đến chuyện dạy tốt, nghiên cứu giỏi.

Cho rằng đây là khó khăn chung của trường ĐH hiện nay, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục – Đào tạo) cho rằng chỉ khi thực hiện tự chủ tài chính một phần và tiến tới là tự chủ toàn diện thì bài toán lương giảng viên mới có những thay đổi tích cực.

Nhìn từ câu chuyện ở trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho thấy, trước khi nhà trường thực hiện tự chủ, tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong” của giảng viên khi phải tranh thủ đi dạy tại các trung tâm, các trường đại học khác để có thêm thu nhập là khá phổ biến. Hiện nay, ngoài chính sách đãi ngộ tốt hơn như tiền lương cơ bản vẫn tăng theo quy định của Nhà nước, thu nhập từ các khoản phụ cấp đã tăng lên, thưởng Tết, nghỉ hè cũng được tăng thêm rõ rệt. Bên cạnh đó, chính sách về nghiên cứu khoa học cũng cao hơn. Mỗi bài báo công bố quốc tế được nhà trường công khai hỗ trợ 20 triệu đồng. Tương tự, đề tài khoa học cấp cơ sở cũng được tăng kinh phí.

Giảng viên là nghề đòi hỏi năng lực chất xám cao. Để được giữ lại trường hoặc vượt qua đợt thi tuyển, các cá nhân đều phải có một bảng thành tích nổi trội nếu không muốn nói là hơn người. Nhưng chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng. Dù rằng, xưa nay, ít người sống được bằng đồng lương chính thức. Giảng viên ĐH cũng không ngoại lệ. Nhưng với bài toán tự chủ tài chính, hi vọng thu nhập của giảng viên sẽ được cải thiện đáng kể để không phải “chạy sô”, chân ngoài dài hơn chân trong, TS Lê Viết Khuyến nói.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/cu-hich-khi-thuc-hien-tu-chu-dai-hoc-tintuc420241