Cù Lao Chàm - 'hòn ngọc xanh' với nhiều thế mạnh về kinh tế, du lịch

Cù Lao Chàm được ví như 'hòn ngọc xanh' của xứ Quảng với vẻ hoang sơ tuyệt đep. Nơi đây không chỉ có lợi thế về du lịch mà còn có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế.

Cù Lao Chàm (Quảng Nam). (Ảnh: dulichvietnam)

Cù Lao Chàm (Quảng Nam). (Ảnh: dulichvietnam)

Cù Lao Chàm là một cụm đảo bao gồm các đảo Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông; về mặt hành chính trực thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 16km và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Cụm đảo Cù Lao Chàm giống như những hòn ngọc xanh trên biển, có vai trò như tấm bình phong che chắn sóng gió mỗi khi biển động cho thành phố Hội An.

Đây còn là một địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rặng san hô ở khu vực biển Cù Lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ.

Cù Lao Chàm vẫn còn nhiều dấu tích của nền văn hóa Sa Huỳnh

Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.

Rừng nguyên sinh Cù Lao Chàm với nhiều loại gỗ quý trong đó có lim xanh, chò nâu, gõ mật… Bên cạnh đó, rừng Cù Lao Chàm có hơn 288 loài cây thuốc Nam gồm những loại dược liệu quý.

Du khách ngắm san hô ở biển Cù Lao Chàm.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm còn có rạn san hô với 311 loài phân bổ trên 356 ha. Thảm cỏ biển có khoảng 60ha, thảm rong biển có 76 loài có kích thước lớn, trong đó phổ biến nhất là 7 loài rong mơ.

Ho ngô đồng nở rực rỡ hai bên đường đến Cù Lao Chàm. (Ảnh: Dân trí)

Du khách đến Cù Lao Chàm ngoài tắm biển, nghỉ ngơi còn có thêm một trải nghiệm lý thú khác là check-in bên cánh rừng hoa ngô đồng.

Mùa hoa ngô đồng ở Cù Lao Chàm thường bắt đầu khoảng vào tháng 4, lúc này lá cây bắt đầu ngả màu vàng, nhưng thời điểm đẹp nhất để ngắm những bông hoa ngô đồng nở rộ là vào tháng 7 và tháng 8; khi đó ngô đồng bừng nở sắc hoa đỏ thắm cả một góc rừng.

Tại Cù Lao Chàm luôn có các tàu của bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam trực bảo vệ chủ quyền, cứu hộ cứu nạn. (Ảnh: Thanh Niên)

Người dân Cù Lao Chàm ân đảo sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản. Những năm gần đây, người dân địa phương đã chuyển một phần lao động sang hoạt động kinh doanh du lịch và dịch vụ nhưng vẫn giữ được bản chất thật thà và mến khách.

Miếu tổ nghề Yến ở Cù Lao Chàm. (Ảnh: Dân trí)

Ngoài thế mạnh trong phát triển kinh tế và du lịch, người dân Cù Lao Chàm còn có nghề chính là khai thác yến sào đã có từ xa xưa. Hằng năm vào ngày mồng 10/3 âm lịch, lễ Giỗ Tổ nghề Yến được tổ chức tại 2 ngôi miếu tổ nghề tại thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp (đảo Cù Lao Chàm) và thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh (Hội An).

Minh Tuệ (tổng hợp)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/cu-lao-cham-hon-ngoc-xanh-voi-nhieu-the-manh-ve-kinh-te-du-lich-107677.html