'Cù lao xác sống' - kịch bản ngô nghê, zombie ngớ ngẩn

Dù có nhiều ý tưởng, kịch bản 'Cù lao xác sống' lại dàn trải và lạm dụng yếu tố hài hước. Kết quả, các tình tiết trong phim không gây sợ mà có phần ngô nghê, phi lý.

Thể loại: Hài, hành động, kinh dị
Đạo diễn: Nguyễn Thành Nam
Diễn viên: Huỳnh Đông, Ốc Thanh Vân, Hoàng Mèo
Đánh giá: 5/10

(*) Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

 Hình ảnh trong phim Cù lao xác sống.

Hình ảnh trong phim Cù lao xác sống.

Giữa đêm thanh vắng, một chiếc ghe trôi lênh đênh trên sông Mekong rồi dừng lại ở vùng cù lao thuộc phía hạ nguồn. Lúc này, có cụ già vô tình phát hiện xác sống nằm trên ghe, chưa kịp làm gì thì đã bị nó tấn công.

Rất nhanh sau đó, đại dịch bắt đầu lan rộng khiến vùng quê nghèo dần trở thành đống đổ nát. Mọi người đổ xô chạy trốn đến bến phà theo lời khuyên của chính quyền.

Giữa bối cảnh đó, thầy thuốc Công (Huỳnh Đông) dẫn theo cha là ông Tám (Tấn Thi) và con gái Na (Mona Bảo Tiên) tìm cách thoát khỏi lũ thây ma.

Kịch bản lan man

Cù lao xác sống - Nguyễn Thành Nam đạo diễn - có mở màn tương đối tốt. Trong khoảng 10 phút đầu, ê-kíp đưa khán giả bước vào không khí hỗn loạn của miền Tây sông nước khi đại dịch xác sống ập đến.

Nhiều cảnh quay được dụng công dàn dựng để tạo sự hồi hộp. Đạo diễn phô diễn kỹ thuật bằng cách thay đổi nhiều góc máy, từ cú long take (một lần quay duy nhất, không cắt dựng) cho đến việc đặt máy quay từ trên cao chĩa thẳng xuống, cho người xem cái nhìn toàn diện về khoảnh khắc con người đối mặt thảm họa.

Bối cảnh ban đêm càng làm tăng thêm sự căng thẳng. Song, nhiều chỗ ánh sáng thiết lập chưa tốt nên hơi khó xem. Một số đoạn cắt dựng hơi vội, thể hiện được nội dung nhưng chưa tạo được cảm xúc mạnh.

Tác phẩm có mở màn tương đối tốt, kéo dài khoảng 10 phút.

Sau phần mở màn, các nhân vật chính xuất hiện và chuyện phim mới thực sự bắt đầu. Số phận ba thành viên nhà ông Tám được mô tả như một hành trình mang màu sắc phiêu lưu (adventure). Trên đường đi, họ gặp nhiều trở ngại nhưng cũng nhận được một vài sự trợ giúp, đồng thời làm quen một số nhân vật mới.

Để dẫn dắt câu chuyện, ê-kíp pha trộn nhiều yếu tố từ hành động (action), kinh dị (horror), giật gân (thriller). Tuy nhiên, hài hước (comedy) vẫn là gia vị chính. Việc biên kịch lồng ghép nhiều tình tiết gây cười vô tình làm mất đi không khí căng thẳng, ngột ngạt được thiết lập từ đầu.

Đơn cử, ngay từ khi xuất hiện ông Tám đã không hề mảy may lo sợ bầy xác sống. Đổi lại, nhân vật còn bật đài radio cho chúng nghe, gọi tên chúng như người quen. Sau đó, gia đình ông gặp được Hoàng (La Thành) – một người thường xuyên có cử chỉ, lời nói tiếu lâm, không giấu giếm việc thích con trai.

Đôi lúc, ê-kíp chưa kiểm soát tốt phong cách lẫn thể loại. Khi các diễn viên nhí đối thoại, tác phẩm ngô nghê như phim thiếu nhi. Đến khi các bạn trẻ trò chuyện thì lại mùi mẫn chẳng khác phim tình cảm lãng mạn. Xuyên suốt thời lượng 93 phút, biên kịch cũng thêm thắt cú twist nhưng chưa đủ mạnh, không tạo được sự bất ngờ.

Nhân vật thiếu chiều sâu

Trái ngược với 10 phút đầu, phần còn lại của phim đơn giản, ít được chăm chút hơn. Nhiều phân đoạn đạo diễn xử lý chưa tốt, cắt dựng cũng không hợp lý khiến có cảnh quá ngắn, cảnh lại quá dài. Trong khi đó, kịch bản không đào sâu sự ghê rợn của xác sống, mà chỉ cài cắm tình huống để khai thác chủ đề nhân tính, từ đó làm nổi bật tình người.

Thông qua hành trình của gia đình Công (Huỳnh Đông), phim làm nổi bật chủ đề nhân tính, tình người.

Dù chưa gặp bao giờ, dân địa phương không hề xa lạ với chủng loài khát máu. Họ biết rõ về xác sống qua phim ảnh, báo đài. Tuy nhiên, khi gặp hoạn nạn phần lớn đều trở nên vô tâm. Có người sẵn sàng lừa gạt làng xóm láng giếng để tìm cơ hội sống sót.

Bù lại, các nhân vật luôn thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời trước đại dịch. Điển hình là ông Tám - lớn tuổi nhưng không sợ chết, bình tĩnh khuyên nhủ con trai. Khi gặp một người bạn cũ, ông cùng ngồi chuyện trò, sau đó cả hai hát cải lương để tạm quên đi nỗi buồn.

Nhiều nhân vật liên tục xuất hiện nhưng không có ai thực sự được đầu tư, chỉ khiến mạch phim bị loãng. Là vai chính nhưng Huỳnh Đông có ít đất diễn. Tâm lý nhân vật Công cũng chưa được xây dựng và phát triển tốt. Người xem khó thể đồng cảm với lý do anh biến chất, từ một thầy thuốc trở thành một người ích kỷ.

Một số nhân vật xuất hiện thoáng qua nhưng không để lại nhiều ấn tượng như ông Sùng (Hoàng Mèo), Diễm (Ốc Thanh Vân), Liễu (Hà Kim Phượng). Trong khi đó, chuyện tình của cô bán cà phê Trinh (Lê Lộc) và chồng Kiệt (Trần Phong) lại được đề cập nhiều ngay cả khi hai nhân vật này chỉ xuất hiện ở khoảng 30 phút cuối.

Phim có nhiều nhân vật nhưng không được khai thác sâu.

Kịch bản có đặt ra một số tình huống hóc búa như việc bé gái bị kẹt trong ô tô vây quanh là xác sống khát máu. Tuy nhiên, cách giải quyết sau đó lại đơn giản. Không chỉ dễ dàng vượt qua chúng, các nhân vật còn lấy xe làm nơi tạm nghỉ qua đêm, tổ chức ăn uống vui chơi giải trí.

Cách xây dựng zombie lỗi thời

Trước nay, Việt Nam chưa từng có phim chiếu rạp khai thác chủ đề xác sống (zombie). Lợi thế này giúp ê-kíp có thể tự do sáng tạo, đồng thời tạo được sự tò mò cho khán giả.

Trong Cù lao xác sống, tạo hình xác sống gần như đi theo khuôn mẫu truyền thống. Chúng có gương mặt ghê rợn nhưng di chuyển chậm chạp, khó thể theo kịp tốc độ con người. Một số nhân vật chỉ cần dùng gậy là có thể đập chết hoặc đánh vật tay không với chúng dễ dàng. Điều này khiến xác sống không còn là yếu tố đáng sợ, thậm chí còn gây cười.

Ê-kíp có sự sáng tạo nhưng không mới, đôi lúc khiến kịch bản trở nên phi lý. Chẳng hạn, xác sống là loài vô tri nhưng vẫn có nhu cầu ngủ vào ban đêm. Trong một cảnh quay, biên kịch còn biến xác sống thành cương thi (jiangshi) giống phim Hong Kong. Lúc này, con người chỉ cần nín thở là đánh lừa được chúng.

Nếu so với xác sống chạy như điên trong World War Z (2013) hay biết suy nghĩ trong Army of the Dead (2021), những thây ma trong phim Việt chỉ là phiên bản ngớ ngẩn và lỗi thời.

Tạo hình xác sống trong phim vừa ngớ ngẩn vừa lỗi thời.

Điểm cộng là tạo hình trong phim được đầu tư. Phần hóa trang giúp các diễn viên thực sự trở thành xác sống biết đi. Song, phân đoạn từ người chuyển thành xác sống còn được thực hiện qua loa, để lộ điểm yếu về kỹ xảo.

Một số cảnh cận cho người xem nhìn rõ gương mặt thối rữa, vết cắn bê bết máu,... Thế nên phim bị dán nhãn C18 (hạn chế người xem dưới 18 tuổi) vì có nhiều cảnh máu me, bạo lực.

Bên cạnh đó, thành công của ê-kíp là chọn chủ đề ngoại nhưng vẫn giữ được hồn Việt. Bối cảnh miền Tây Nam Bộ được lựa chọn và sử dụng hợp lý. Từ cánh đồng lúa, cầu khỉ cho đến vùng làng quê, sông nước... đều hiện lên vừa quen thuộc vừa lạ lẫm.

Diễn xuất trong phim chỉ ở mức tròn vai. Từ Huỳnh Đông, Ốc Thanh Vân, Hoàng Mèo đều là những gương mặt có kinh nghiệm nhưng xuất hiện nhạt nhòa. Đóng vai trò cứu phim lại là hai diễn viên Tấn Thi và Thanh Hằng. Cả hai dù không có nhiều đất diễn nhưng đều tạo cảm xúc cho người xem.

Là phim Việt duy nhất khởi chiếu vào dịp lễ 2/9, Cù lao xác sống không gặp sự cạnh tranh từ các đối thủ nước nhà. Sau 6 ngày chiếu, phim hiện thu về hơn 10 tỷ đồng, chứng tỏ xác sống vẫn là một đề tài hút khách.

Nhìn chung, dự án có nhiều ý tưởng nhưng triển khai chưa tốt. Với thời lượng ngắn, phim chưa thể giải quyết hết vấn đề đặt ra. Cuối cùng, tác phẩm khép lại trong sự dang dở, với kết thúc mở và lời gợi ý về phần hai.

Song, thật khó để đặt niềm tin vào phần tiếp theo khi chất lượng phần một chỉ ở mức trung bình.

Sơn Phước

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cu-lao-xac-song-kich-ban-ngo-nghe-zombie-ngo-ngan-post1352544.html