Cụ Mơ 'thoát nghèo'

Câu chuyện cụ Đỗ Thị Mơ, 84 tuổi, ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đạp xe lên xã xin thoát nghèo đã tạo nên hiệu ứng, sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng về ý chí vươn lên thoát nghèo. Sau cụ Mơ, nhiều hộ dân cũng đã học theo cụ để xin thoát nghèo.

Chuyện cổ tích đời thường

Chúng tôi về thăm cụ Mơ một chiều giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ rộng chừng 20m2 nằm trong con ngõ nhỏ. Trò chuyện với cụ, không ai nghĩ năm nay cụ đã ở tuổi 84, bởi cách nói chuyện vui vẻ, dí dỏm, lưu loát và rất minh mẫn. Trong công việc sinh hoạt hàng ngày như trồng rau, nuôi gà, chăm đàn chó… cụ vẫn làm nhanh nhẹn, thoăn thoắt.

Cụ Mơ kể, cụ sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại một xã ven biển của huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Thuở nhỏ cụ theo gia đình lên Thường Xuân xây dựng kinh tế mới, lớn lên và lập gia đình tại đây. Cụ bồi hồi nhớ lại: "Năm 1987, chồng tôi mất, một mình tôi nuôi 11 người con (10 người con đẻ và 1 con nuôi). Đến nay, 2 con đã mất, còn lại đều đã ổn định cuộc sống. Riêng tôi, không ở chung và cậy nhờ đứa con nào, vì tôi còn lo cho mình được".

Cụ Mơ phấn khởi kể với chúng tôi về câu chuyện xin thoát nghèo "không giống ai". Cách đây hơn 1 năm, cụ xin chính quyền xã gạch tên khỏi danh sách hộ nghèo, nhưng đến nay xã vẫn chưa thực hiện. Vì thế, mới đây cụ vẫn đạp xe lên xã để thắc mắc và xin cho ra khỏi hộ nghèo. Cụ Mơ giãi bày, hiện cụ thấy mình không còn nghèo nữa mà ngược lại còn giúp được nhiều người khó khăn khác. Hơn nữa, cụ muốn thoát nghèo để làm gương cho những người khác ở địa phương noi theo.

"Chế độ chính sách đối với người nghèo là sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và cần thiết, đó là chính sách nhân văn cao cả phát huy truyền thống "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Tuy nhiên, tôi xin rút khỏi danh sách hộ nghèo, nhường suất cho những hộ khó khăn hơn. Không phải giàu có gì, nhưng tôi có thể tự nuôi bản thân và cũng giúp được những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Cái gì xứng đáng thì mình nhận", cụ Mơ giãi bày.

Cụ Mơ nhẩm tính, hiện cụ có căn nhà cấp 4 rộng 20m2, còn trồng được lúa và rau, nuôi được gà mang ra chợ bán thì không thể nghèo được. Một ngày đi chợ, cụ bán được 30.000 - 50.000 đồng tiền rau, trung bình 1 tháng cũng thu nhập được hơn 1 triệu đồng. Thời gian rảnh cụ thích làm thơ, những bài thơ với nội dung răn dạy con cháu sống đẹp và đạo đức với người, với đời.

Hiệu ứng tích cực từ hành động nhân văn

Nói về cụ Mơ, chị Cầm Thị Hà, xã Lương Sơn ngưỡng mộ: "Trường hợp như cụ quả là xưa nay hiếm. Hành động đẹp của cụ thật đáng trân trọng và nể phục, khiến những người trẻ hơn như chúng tôi cảm thấy xấu hổ. Bởi lẽ, nhiều gia đình dù có nhiều người còn ở độ tuổi lao động nhưng không chịu làm ăn mà lại muốn vào hộ nghèo. Cứ buổi chiều rỗi là tôi lại sang nhà cùng cụ hái rau, quét sân vườn. Tấm gương của cụ thật xứng đáng để chúng tôi noi theo".

Ông Lương Xuân Thiêm, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết: "Hiện cụ Mơ đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi. Đây là lần thứ hai cụ đặt vấn đề xin thoát nghèo. Lần đầu vào năm 2018, lúc đó xét thấy vẫn còn khó khăn nên xã chưa giải quyết. Lần này căn cứ vào điều kiện thực tế, thu nhập hàng tháng và nguyện vọng của cụ, cuối năm 2019 xã làm thủ tục để cụ thoát nghèo. Nguyện vọng xin ra khỏi hộ nghèo là hành động đẹp. Qua đây chúng tôi sẽ tuyên truyền, nhân rộng trường hợp cụ Mơ là tấm gương luôn phấn đấu, lao động, không ỷ lại, trông chờ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước".

Câu chuyện cụ Mơ đạp xe lên UBND xã xin thoát nghèo đã tạo nên hiệu ứng xã hội, nhiều tấm gương, lá đơn xin thoát nghèo ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… được biết đến. Đặc biệt hơn, tại xã Lương Sơn đã có 101 hộ dân thoát nghèo theo tấm gương của cụ Mơ. Chủ tịch UBND xã Lương Sơn Lương Văn Thiêm cho biết: "Năm 2019, toàn xã còn 193 hộ nghèo, nhưng đến nay chỉ còn 92 hộ nghèo. Sau tấm gương thoát nghèo của cụ Mơ, rất nhiều hộ dân cũng xin thoát nghèo. Cuối năm 2019, xã tiến hành rà soát lại các hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Khi đoàn xác minh đến các gia đình, nhiều hộ đã tự nguyện xin thoát nghèo và không cần phải xác minh, điều tra lại. Họ cho rằng cụ Mơ đã thoát nghèo thì họ cũng xin theo. Không ngờ câu chuyện cụ lên xã xin thoát nghèo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của xã hội và có thêm nhiều tấm gương thoát nghèo ở các tỉnh, thành được biết đến. Từ đó, nhân lên hiệu ứng thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống". .

Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Cầm Bá Xuân cho biết: "Trường hợp cụ Mơ lên xã xin thoát nghèo là câu chuyện rất nhân văn, tạo nên hiệu ứng xã hội tốt. Cụ cũng là tấm gương điển hình trong công tác giảm đói nghèo trên địa bàn huyện nói riêng, các địa phương khác trong cả nước nói chung".

Phóng viên Báo Điện tử Dân sinh và cụ Mơ trong buổi chiều cuối năm Canh Tý 2020.

Mong gia đình nghèo nào cũng có Tết

Đến thăm cụ Mơ những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý, vừa hái rau, vừa nhổ cỏ trong vườn, cụ kể: "Khi còn là hộ nghèo, thấy những gia đình trong thôn còn khó khăn hơn, Tết đến mà vẫn lo từng bữa, tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người. Ông trời còn cho tôi sức khỏe, tự làm được mọi việc trong nhà và vẫn có thể đi chợ bán rau để kiếm thêm thu nhập tự lo cho bản thân, nên tồi "nhường" suất nghèo cho gia đình còn khó khăn hơn tôi. Năm nay thoát nghèo rồi, cũng phấn khởi hơn vì chế độ chính sách hộ nghèo của mình có thể dành cho người nghèo khác, để họ được ấm no trong những ngày Tết".

Năm nay cụ đón Tết thế nào? Cụ Mơ móm mém: "Với tôi, ngày nào còn khỏe thì ngày đó là Tết. Giờ thèm ăn bánh đúc ngày xưa thôi".

Cuộc sống đơn giản như vậy, nhưng chúng tôi biết rằng cụ rất hạnh phúc vì mình vẫn còn tự lo được cho bản thân. "Sau khi thoát được nghèo, tôi thấy rất vui và phấn khởi. Nhân dịp Tết đến xuân về, xin gửi lời chúc đến đông đảo người dân, đặc biệt là những người nghèo như tôi trên khắp đất nước, sớm nỗ lực, phấn đấu để thoát nghèo", cụ Mơ vui vẻ cho biết.

THU HƯƠNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/cu-mo-thoat-ngheo-20200901104652367.htm