Cử nhân ở Anh tìm đủ cách để sống sót qua thời kỳ bão giá

Đối mặt với những khoản chi đắt đỏ, nhiều cử nhân ở Anh chọn sống cùng gia đình, hạn chế chi tiêu và từ bỏ việc học thạc sĩ để tiết kiệm tiền.

Nhiều tuần gần đây, các trường đại học ở Anh náo nhiệt hơn bao giờ hết khi tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên. Tuy nhiên, trái với vẻ náo nhiệt của buổi lễ quan trọng, tâm trạng nhiều sinh viên chùng hẳn xuống vì phải đối mặt với loạt khó khăn mới.

Năm nay, chi phí sinh hoạt (gas, điện, nước, lương thực) tăng vọt khiến nhiều tân cử nhân ở Anh rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo The Guardian, hệ cử nhân mới ra trường luôn chật vật trong một thời gian dài sau khi tốt nghiệp. Shreya Nanda, làm việc tại Viện Nghiên cứu Chính sách công, cho biết cô và những người bạn cùng tuổi từng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi tiêu trong nhiều năm. Những sinh viên mới ra trường như Shreya chỉ tìm được một công việc mức lương khiêm tốn, trong khi giá thuê nhà, chi phí sinh hoạt và thuế suất cận biên lại tăng cao.

Không chỉ riêng Shreya Nanda, nhiều tân cử nhân tại Anh cũng đang chật vật với cuộc sống khi bước vào thị trường lao động. Họ buộc phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí từ bỏ sở thích để có thể sống sót qua thời kỳ bão giá.

Nhiều sinh viên Anh mới ra trường không dám chi tiêu hoang phí vì giá cả leo thang. Ảnh: Northwestern Mutual.

Không dám đi du lịch

Rachel Boani (21 tuổi), sinh viên Đại học Edinburgh, nói rằng khủng hoảng chi phí sinh hoạt chính là yếu tố khiến cô quyết định tìm việc ngay sau khi tốt nghiệp, thay vì đi du lịch hoặc nghỉ ngơi. Cô cho rằng việc đi du lịch sẽ khiến cô mất đi thời gian làm việc. Bản thân nữ sinh 21 tuổi cũng ý thức được cô không có khoản tiền tiết kiệm lớn để phục vụ cho sở thích của bản thân.

"Tôi thích đi du lịch vào mùa hè, nhưng tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà và lo chi phí sinh hoạt. Tôi không thể tiết kiệm nổi đồng nào để đi chơi", nữ sinh nói với The Guardian.

Trong năm qua, Boani đã chi phần lớn số tiền tiết kiệm cho lễ tốt nghiệp. Dù được cha mẹ hỗ trợ trả chi phí trang phục, nữ sinh vẫn phải bỏ tiền thuê khách sạn, tổ chức tiệc liên hoan và loạt chi phí lặt vặt khác khi mời gia đình, bạn bè đến dự ngày lễ quan trọng này.

Không chỉ riêng nữ sinh Đại học Edinburgh, nhiều sinh viên khác cũng khó chịu vì số tiền phải bỏ ra cho lễ tốt nghiệp quá lớn. Các trường đại học lại không thể hỗ trợ sinh viên trong những khoản chi tiêu này.

Sau khi tốt nghiệp, Boani trở về nhà. Hiện, cô đang tìm kiếm một căn nhà trọ giá cả phải chăng ở Manchester. Nữ sinh từng có ý định ở lại Edinburgh sinh sống khi ra trường, nhưng chi phí đắt đỏ ở thành phố này buộc cô phải suy nghĩ lại và thay đổi kế hoạch.

Tân cử nhân 21 tuổi mong muốn chuyển đến London để bắt đầu sự nghiệp. Tuy nhiên, cô dự tính bản thân sẽ phải chờ ít nhất 1-2 năm để tiết kiệm đủ tiền để thuê nhà và trang trải chi phí sinh hoạt.

Ở cùng cha mẹ để tiết kiệm tiền

Tốt nghiệp là cơ hội để nhiều người trẻ bắt đầu cuộc sống mới ở một vùng đất mới. Nhưng với Hannah Munden (22 tuổi), sinh viên Đại học Sussex, tốt nghiệp lại khiến cô phải đắn đo trước những lựa chọn. Nữ sinh quyết định chuyển về sống cùng gia đình ở Brighton để tiết kiệm chi phí.

Hiện, Hannah tìm được công việc trong ngành quản lý tiếp thị. Công việc có thể làm trực tiếp và trực tuyến nên cô không cần đến văn phòng thường xuyên. Hannah dành phần lớn thời gian ở nhà, nhưng điều này cũng khiến cô cảm thấy không thoải mái.

Khi là sinh viên Đại học Sussex, Hannah đã được tận hưởng cuộc sống độc lập, không bị cha mẹ kiểm soát. Giờ đây, cô lại phải trở về nhà và đấu tranh giữa việc chọn cuộc sống tự do nhưng đắt đỏ hay chọn cuộc sống có ràng buộc nhưng chi phí "dễ thở" hơn.

Dù không hề mong muốn, Hannah vẫn phải chấp nhận sống cùng gia đình vì việc chuyển ra riêng quá khó khăn, nhất là trong thời điểm chi phí sinh hoạt tăng vọt như hiện nay.

Nếu muốn chuyển đến London, Hannah Munden phải tốn khoảng 800 bảng/tháng (tương đương 965 USD) cho một căn nhà trọ phù hợp. Chưa kể, cô còn phải chi tiền cho các khoản sinh hoạt và thanh toán lãi suất cho khoản nợ sinh viên. Ở tuổi 22, Hannah nhận thức rõ bản thân chưa thể kham nổi những khoản tiền đó.

"Điều tôi lo lắng hơn cả là những thế hệ sau này, ví dụ con tôi, sẽ phải sống như thế nào với cuộc sống đắt đỏ này. Dù có những lựa chọn thay thế, liệu chúng có thể sống khi chi phí cứ tăng từng ngày thế này không?", cô gái đặt vấn đề.

Không thể học lên thạc sĩ

Deyna Grimshaw (21 tuổi), sinh viên Đại học Birmingham, do dự khi nói về việc tiếp tục học lên thạc sĩ. Cô nhận thấy việc tiếp tục theo đuổi chương trình sau đại học sẽ tạo thêm áp lực mới do vấn đề chi tiêu, bao gồm học phí và tiền sinh hoạt.

Hiện, Deyna tìm kiếm công việc ở quê nhà. Cô chấp nhận thử sức với những công việc không hoàn toàn hứng thú để đảm bảo bản thân tìm được công việc trong mùa hè này.

Với cô gái 21 tuổi, chi phí thuê nhà luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Cuộc khủng hoảng chi phí khiến Deyna chỉ có thể ở nhà và không thể dọn ra ở riêng. Dù muốn sống cùng bạn bè, nữ sinh buộc phải tạm hoãn vì không thể bỏ hơn 1.000 bảng mỗi tháng (tương đương 1.200 USD) chỉ để trả tiền thuê nhà.

Chi phí cho các khoản ăn uống cũng là một bài toán khiến Deyna đau đầu. Cô nhận thấy khoản chi cho thực phẩm tăng cao hơn so với vài tháng trước, dù cô chỉ mua những món đồ tương tự, thậm chí mua ít đi.

Chia sẻ về việc học đại học, nữ sinh Đại học Birmingham thẳng thắn nói rằng những trải nghiệm ở trường không hề xứng đáng với khoản nợ cô phải gánh chịu để được đi học. Deyna Grimshaw đã phải vay 60.000 bảng (tương đương 72.000 USD) để vào đại học. Nữ sinh lo lắng với công việc và mức lương hiện tại, cô không thể trả hết khoản nợ sinh viên.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cu-nhan-o-anh-tim-du-cach-de-song-sot-qua-thoi-ky-bao-gia-post1343323.html