Cử nhân Trung Quốc làm nghề 'bới rác tìm vàng'

Sau khi tốt nghiệp trường đại học danh tiếng, Wu Kaisi gây chú ý khắp Trung Quốc khi trở thành một người thu gom phế liệu, đồ cũ chuyên nghiệp.

"Cha mẹ coi tôi là nỗi ô nhục. Với họ, việc nổi tiếng với nghề thu mua phế liệu cũng đáng hổ thẹn như gây chú ý khi khỏa thân chạy trên đường phố", Wu Kaisi (27 tuổi) nói với South China Morning Post.

Wu lần đầu tiên được công chúng Trung Quốc chú ý là vào năm 2014, khi anh đi bộ hơn 1.800 km từ Thành Đô đến Quảng Châu chỉ với đôi dép lê. Nhưng sau này, trở thành một người thu gom phế liệu chuyên nghiệp mới khiến anh nổi tiếng khắp đất nước tỷ dân.

Cách đây 6 năm, là một sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đại học lại lựa chọn công việc thu gom đồ cũ đã khiến Wu trở thành hiện tượng. Khi ấy, anh mới tốt nghiệp cử nhân tại trường luật danh tiếng của Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc tại Quảng Châu.

Wu đã dành 7 năm để cố gắng xây dựng văn hóa chợ đồ cũ ở Trung Quốc.

"Cha mẹ luôn muốn tôi trở thành một công chức hoặc làm việc trong công ty lớn, giống tư tưởng truyền thống của các bậc phụ huynh ở miền Bắc Trung Quốc", Wu nói.

Thay vì làm theo kỳ vọng đó, anh chàng quê Sơn Tây lại đam mê đào bới đống đồ bị bỏ đi hoặc "săn tìm kho báu" trong các chợ trời ở thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, vào mỗi sáng thứ 7 và tối thứ 2.

Với Wu, đây không chỉ là một công việc để kiếm tiền. Anh đang cố gắng xây dựng một văn hóa ở Trung Quốc, để mọi người chấp nhận việc mua bán đồ cũ, giống như ở các chợ trời.

Sức hút của phế liệu

Niềm đam mê thu thập phế liệu và đồ cũ của Wu được khơi dậy nhờ một chuyến đi Mỹ kéo dài 2 tháng vào năm cuối đại học.

"Tôi không tốn tiền thuê khách sạn vì có thể tìm chỗ ở ngay sân bay, bến xe bus, công viên", anh kể.

Với kế hoạch du lịch bụi như vậy nên anh rất khó để kiếm được một cửa hàng giặt là. Wu đã đến các chợ trời địa phương để tìm mua đồ cần thiết, như chiếc áo giá 50 xu và quần tây, thứ anh có thể vứt bỏ sau khi chúng bị bẩn.

Wu được truyền cảm hứng thu gom đồ cũ sau chuyến đi tới Mỹ hồi năm cuối đại học.

Ngạc nhiên với sự phát triển thịnh vượng của các chợ đồ cũ ở Mỹ, khi bán hàng ngoài trời, chợ trời và các cửa hàng đồ cũ là một phần quan trọng của nền văn hóa, Wu tự hỏi tại sao không bắt đầu một ngành kinh doanh tương tự ở Trung Quốc.

"Tôi sống ở Trung Quốc 20 năm nhưng không biết chút gì về chợ trời. Không có thông tin về nó trên Internet".

Năm 2015, sau khi trở về Trung Quốc, Wu bắt đầu tìm kiếm các khu chợ trời ở Quảng Châu, nơi anh sinh sống. Tuy nhiên, thông tin gần nhất mà anh tìm được là từ năm 2007, với một bình luận rằng thị trường đã đóng cửa.

Anh chàng 27 tuổi đã tìm thấy rất nhiều chợ trời ở Quảng Châu và bị thu hút bởi chúng.

Không chán nản, anh tiếp tục mở rộng tìm kiếm và thấy 30 địa điểm không chính thức, ví dụ như điểm buôn bán đồ cũ phía sau khách sạn hoặc gần một bến xe buýt. Anh dành 3 tuần để thăm từng địa điểm một.

Cuối cùng, Wu đã tìm thấy hàng chục khu chợ trời sôi động ở Quảng Châu. "Tôi nổi da gà vì sửng sốt khi lần đầu nhìn thấy khu chợ trời. Tôi lập tức đắm chìm vào nó, như có ma lực hút tôi vào. Tôi thậm chí cảm thấy thân thuộc như đang ở nhà".

Wu lớn lên trong một gia đình có thu nhập thấp, phần lớn đồ đạc ở nhà anh đều là đồ cũ. "Nhiều vật dụng trong nhà tôi, như tivi và bếp gas, hay chiếc điện thoại tôi sử dụng đều là đồ cũ".

Wu sẵn sàng thừa nhận những món đồ mình dùng đều đã qua sử dụng. Chiếc tivi thường trục trặc còn bếp gas phải dùng bật lửa để mồi. Tuy nhiên, những bất tiện ấy đều trở thành kỷ niệm ngọt ngào, nhắc Wu phải tiết kiệm trong cuộc sống, và tạo nên mối liên kết đặc biệt giữa anh với những khu chợ trời.

Trải nghiệm đáng giá

Sau khi tốt nghiệp đại học, Wu bắt đầu theo đuổi sở thích sưu tầm đồ cũ sau những chuyến tham quan chợ trời.

Không gian chứa đồ cũ của anh lớn dần, từ phòng ký túc xá sang căn nhà cũ lát gạch xanh rộng 20 m2, sau đó đến nơi rộng 50 m2, và cuối cùng là nhà kho cũ rộng 300 m2.

Kho đồ cũ trước và sau khi được Wu cải tạo để biến thành nơi trưng bày.

Từ một người sưu tầm, anh chuyển sang bán những món đồ mình kiếm được vì cần phải có tiền để duy trì cuộc sống.

"Ban đầu, tôi rất do dự khi bán chúng, nhưng lâu dần, tôi nhận ra rằng 'nhìn thấy đã là nhận được'", anh nhận ra không cần phải ôm mãi những món đồ để tận hưởng chúng. "Tôi đã thoải mái hơn khi bán đi những món đồ".

Giờ đây, sở thích ban đầu của Wu đã biến thành một nghề kinh doanh hiệu quả. Trung bình, anh kiếm được 10.000-15.000 nhân dân tệ (1.500-2.300 USD) mỗi tháng.

Nhà kho, nơi được gọi là "Kho đồ cũ Yongxu", nằm trong một khu thương mại ở Quảng Châu và mở cửa đón khách tham quan. Để hạn chế những người không thực sự hứng thú với đồ cũ, mọi người sẽ phải trả một khoản phí 9 nhân dân tệ khi vào kho.

Công việc này đã cho Wu cơ hội gặp gỡ nhiều người và nghe nhiều câu chuyện thú vị trong suốt 7 năm qua.

Anh nhớ mình từng mua một chiếc túi thư cũ của người phụ nữ tên Zhu Min. Bên trong chiếc túi có những bức thư cô nhận được từ khi còn nhỏ cho tới lúc trưởng thành. Nó giống như một phần cuộc đời của ai đó.

"Một số bức thư bị ướt do ngấm nước và ố vàng sau nhiều năm, nhưng hầu hết chúng đều được bảo quản. Sau khi đọc các bức thư, tôi có thể biết bà ấy tốt nghiệp ngoại ngữ của Trường Đại học Sun Yat-sen năm 1986, sau đó làm việc tại khách sạn White Swan".

Wu đã chia sẻ một vài bức thư trên trang cá nhân của mình. Bà Zhu tình cờ phát hiện và liên lạc với anh để hỏi xem liệu có thể mua lại những bức thư ấy không. Wu đã mời bà đến kho của mình và trao lại những lá thư mà không lấy một đồng.

Bà Zhu đã tâm sự với Wu: "Bức thư này là người bạn thân nhất viết cho tôi hồi cấp 2. và bức thư này là của bố tôi gửi".

Wu cho biết anh rất thích sưu tầm những bức thư nhưng không bao giờ bán chúng. "Những bức thư này là kỷ niệm vô giá và không thể đong đếm được bằng tiền. Thật là may mắn lớn khi tôi có thể trao trả chúng cho chủ nhân hợp pháp".

7 năm không mua quần áo mới

Nhiều người tìm đến Wu khi nghe danh tiếng trên truyền thông hoặc qua sự giới thiệu của bạn bè. Một số người thậm chí mời anh đến nhà để thu gom những món đồ của người thân vừa qua đời, vật bị coi là xui xẻo trong văn hóa Trung Quốc.

Những món đồ cũ mang dấu ấn văn hóa được Wu sưu tầm.

Nhưng Wu nói rằng: "Tôi nghĩ cái chết là điều tự nhiên nhất trong cuộc đời này và tôi không ngại lấy những món đồ ấy. Có những bia tưởng niệm, bia mộ, thậm chí là bình tro cốt trong bộ sưu tập của tôi".

Wu thu thập những món đồ dựa trên đánh giá về tay nghề thủ công, thiết kế và lịch sử của nó. Anh tự tin rằng sau nhiều năm, bản thân có thể biết liệu một món đồ cũ có xứng đáng sưu tầm không chỉ với 3 giây quan sát.

Anh cũng thu thập mọi thứ dựa trên đánh giá rằng "liệu nó có gây được xúc cảm trong tâm hồn mình vào thời điểm ấy hay không".

Wu thu gom những món đồ phục vụ cuộc sống hàng ngày, lục tung các thùng rác và bãi phế liệu để tìm những món như áo sơ mi, tất, giày dép, dầu gội và xà phòng. Anh chàng 27 tuổi khẳng định mình không mua bộ quần áo mới nào kể từ năm cuối đại học.

"Hàng trăm nghìn thứ đồ cũ đã qua tay tôi trong 7 năm, và nếu có thứ gì mà tôi trân trọng nhất, nó chắc chắn là món đồ tôi tìm được tiếp theo vì nó khiến tôi khao khát khám phá".

Tham vọng của Wu là có thể đi thăm các chợ trời trên khắp thế giới và học hỏi từ các quốc gia khác cách phát triển văn hóa chợ đồ cũ.

"Tôi tin rằng thị trường hàng hóa đã qua sử dụng của Trung Quốc vẫn còn sơ khai, theo sau các nước phương Tây khoảng 40 đến 50 năm".

Theo quan điểm của Wu, những thứ anh đang làm không chỉ là một trò tiêu khiển, anh hy vọng văn hóa này sẽ phát triển vì tin rằng nó đem lại lợi ích cho đất nước, bởi Trung Quốc vẫn còn nhiều người nghèo khó có thể cần hàng hóa giá rẻ.

Dù cha mẹ Wu không ủng hộ lựa chọn nghề nghiệp của con trai, anh tin rằng mình đang đi trên con đường đúng đắn.

"Những món đồ cũ có thể ghi lại sự thay đổi của thành phố và là bằng chứng lịch sử. Tôi thấy những gì mình đang làm có ý nghĩa vì có thể đưa mọi thứ đến tay người cần nó", anh bày tỏ.

Đinh Phạm

Ảnh: Wu Kaisi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-nghe-nhat-rac-cu-nhan-trung-quoc-bi-cha-me-khinh-thuong-post1309103.html