Cụ ông 'biến' những thứ tưởng như bỏ đi thành đồ chơi độc, lạ

Những vỏ lon bia, nước ngọt… vô hồn nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của cụ ông liền trở thành những món đồ chơi dành cho trẻ em khiến mọi người mê mẩn.

Đó là những món đồ chơi mà cụ ông Mã Tấn Phát (63 tuổi; ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tạo ra với sự sáng tạo, tỉ mỉ từ những vật dụng gần gũi hàng ngày.

ÔngPhát phân loại vỏ lon bia

ÔngPhát phân loại vỏ lon bia

Chia sẻ về những món đồ chơi "độc, lạ" này, ông Phát cho biết vì gia đình khó khăn, ít vốn làm ăn nên ông nảy ra ý tưởng làm đồ chơi từ vỏ lon bia để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình.

"Đây đều là những thứ tôi tự nghĩ ra và muốn tận dụng những vật dụng tưởng như bỏ đi để vừa làm đồ chơi vừa góp phần bảo vệ môi trường", ông Phát tâm sự.

ÔngPhát đang lắp ráp máy bay từ vỏ lon bia

Để thực hiện ý tưởng, ông Phát đã gặp không ít khó khăn, kể cả thất bại. Nhưng với sự quyết tâm, cụ ông 63 tuổi đã thành công. Những sản phẩm đầu tay được mọi người yêu mến và ủng hộ nên ông cố gắng tạo ra thêm sự đa dạng mẫu mã để "trả ơn" khách hàng. Vậy là ông đã gắn bó với nghề hơn 30 năm, những mẫu đồ chơi ông tạo ra càng nhiều và đã đáp ứng được thị hiếu của thị trường.

Chiếcmáy bay được ông lắp ráp hoàn chỉnh

"Đối với tôi, niềm vui là thấy con cái nên người và sự hài lòng của khách hàng về sản phẩm", ông Phát chia sẻ.

Lúc ông khởi nghiệp, đồ chơi dành cho trẻ ít nên bán rất đắt, ai trong gia đình cũng vui vì "trồng cây" đã cho "quả ngọt". "Tôi đã đem sản phẩm chào bán ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, thậm chí có lần tôi mang sang tận Campuchia để bán", ông Phát "khoe".

Bộsưu tập đồ chơi độc đáo từ vỏ lon bia

Theo đó, vỏ lon bia, nước ngọt… sau khi mua về được ông đem phân loại. Vỏ nào bị móp hay trầy xước thì đem bán ve chai, còn những lon "đạt chuẩn" được ông rửa sạch rồi đem phơi nắng. Ông Phát giải thích thêm: "Những lon không đạt chuẩn thì tạo ra những mẫu đồ chơi không thu hút nên tôi lựa chọn rất kỹ".

Những câu xì- lô - gân vui vui

Khi làm, ông luôn chú trọng đến độ an toàn cho người sử dụng, để tránh bị trầy xước và đứt tay do vỏ lon rất bén.

Để kích thích sự sáng tạo cho trẻ em, ông tạo ra các khớp ráp từng bộ phận thay vì dùng keo dán vừa nhanh vừa tiện. Sáng tạo ra mẫu đồ chơi mới là cả một quá trình ông phải tìm tòi về hình dáng, đặc trưng của sản phẩm thật qua nhiều nguồn khác nhau.

Đồ chơi làm bằng lon bia rất kỳ công, có những loại tính tỉ mỉ cao mất gần 2 ngày mới hoàn thành một sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có mẫu sản phẩm đơn giản làm nhanh, vì vậy nên giá bán dao động từ 50.000 - 300.000 đồng/món.

Đồchơi được ông vô thùng cẩn thận trước khi gửi cho khách

Bà Ngô Thị Bạch Huệ, vợ ông Phát, tâm sự: "Nhiều khi thấy chồng ngồi làm việc lâu, tôi khuyên ông nghỉ ngơi tý rồi làm nhưng ông vẫn cố làm cho xong".

Do lớn tuổi, sức khỏe yếu nên giờ ông Phát không thường đi bán dạo như trước. Những lúc nhớ nghề, ông Phát lại chất đồ lên xe đi bán ở những tuyến đường gần nhà. Khách hàng ở nhiều nơi thấy đẹp nên đặt ông làm.

Từ những thứ tưởng như bỏ đi nhưng với sự sáng tạo của ông Phát đã trở thành những món đồ chơi độc đáo. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường và kích thích sự sáng tạo cho nhiều người. Những câu "xì -lô - gân" vui vui như: "Nhớ thăm em chiều thứ 7", "Don't kiss me", "Việt Nam vô địch"… rất ngộ nghĩnh nhưng cũng đầy ý nghĩa khi được ông Phát lồng các vào sản phẩm của mình.

Phóng sự ảnh: VÂN DU

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/cu-ong-bien-nhung-thu-tuong-nhu-bo-di-thanh-do-choi-doc-la-20180817205650902.htm