Cụ ông U.80 sống một mình, ngày ngày cặm cụi lên thư viện học tiếng Anh

Dù ở tuổi đã xế chiều nhưng có một người đàn ông đều đặn mỗi ngày vẫn đến thư viện miệt mài bên sách vở để học tiếng anh, dù phải sống một cuộc đời đơn độc, nghèo khó.

U80 sống đơn độc, ngày ngày cặm cụi lên thư viên học ngoại ngữ. - Ảnh Lê Nam

25 năm miệt mài học tiếng Anh

Chỉ cần đến thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM (Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM) hỏi về ông cụ học tiếng Anh mỗi ngày là sẽ được mọi người giới thiệu ngay.

Hình ảnh một ông cụ tóc đã bạc phơ, gầy gò, lưng khom, bàn tay gầy gầy xương xương nhưng mỗi ngày đều đặn ngồi ở một góc của thư viện, lật từng trang từ điển, cặm cụi chép bài đã không còn xa lạ với nơi đây.

VIDEO: Một ngày của cụ ông 77 tuổi, đều đặn lên Thư viện thành phố để học iếng Anh - Thực hiện: Lê Nam - Nhật Diễm

Ông Từ Trung Chánh, năm nay đã 77 tuổi, đã 25 năm nay không một ngày nào ông không chăm chỉ bên sách vở chỉ để mong vốn tiếng Anh của mình tiến bộ hơn. Hiện ông Chánh đã có đến 50 quyển 200 trang ghi đầy từ vựng tiếng Anh là thành quả ổng tích lũy được trong mấy chục năm.

Mỗi quyển viết về một chủ đề từ vựng mà ông phải học như giáo dục, y tế, quân sự, ngoại giao… có những quyển đã nhuộm màu theo năm tháng nhưng được ông Chánh lưu giữ rất cẩn trọng, xem như tài sản quý giá của cuộc đời mình.

Hơn 20 năm, học Chánh tự học tiếng Anh ở nhà với hàng chục quyển tập ghi chép cẩn thận. - Ảnh Nhật Diễm

Lúc trước ông chủ yếu học ở nhà, ở công viên, chỉ một năm trở lại đây ông tìm đến thư viện để học. Ông có chia sẻ để biết được thư viện đến học cũng nhờ một người bạn thấy ông hay ra công viên ngồi học, không đầy đủ bàn ghế lại không có nhiều sách vở, tài liệu để tra cứu nên đã giới thiệu ông đến thư viện này. Mỗi ngày cứ đều đặn từ 7 giờ là ông đã ra khỏi nhà để đến đây học đến chiều mới trở về, chỉ trừ thứ 6 là ngày thư viện nghỉ thì ông Chánh tự học ở công viên.

Hiện ông Chánh đã có đến 50 quyển 200 trang ghi đầy từ vựng tiếng Anh là thành quả ổng tích lũy được trong mấy chục năm.

Cái duyên khiến ông đều chăm chỉ trao dồi tiếng Anh như bây giờ cũng từ tình cảm dành cho cô con gái út của mình. Ngày trước vì thấy con học ngoại ngữ rất khó khăn, nhiều chỗ không hiểu, ông đã cặm cụi chép hết các từ vựng ra giấy, giảng dạy cho con chỉ mong con có thể thông thạo.

Ông Chánh lên thư viện thành phố học tiếng Anh mỗi ngày, trừ ngày thứ 6 thư viện đóng cửa, ông ra công viên học.

Ông cũng chia sẻ thêm do thấy mọi người dịch tiếng Anh nhanh và chuẩn xác mà từ đó làm động lực cho ông học tập để mong một ngày mình cũng được như vậy, có thể đọc báo nước ngoài một cách rành rọt.

Ông Chánh cho biết “Tôi chỉ là lo lắng không có đủ từ để diễn đạt ý muốn của mình. Tôi muốn mỗi lần tôi nói ra một câu lần phải đúng văn phạm, giống như một người Anh, người Mỹ mỗi lần nói ra phải đúng văn phạm. Tiếng Anh thực sự nó dễ về kết cấu văn phạm, hồi tôi học tiếng Pháp tôi chưa từng viết được một câu hoàn chỉnh nhưng giờ tiếng Anh thì tôi dễ dàng thôi, nói và viết một câu hoàn chỉnh đều được”.

Từng câu từ đều được ông tra cứu, ghi chép lại rất tỉ mỉ, ông dùng 3 màu mực và phân loại cẩn thận. Màu xanh để viết động từ quy tắc, màu đỏ cho động từ bất quy tắc. Hệ động từ màu xanh thì danh từ phía sau màu đỏ và ngược lại. Những từ loại khác như tính từ, trạng từ, giới từ, liên từ ông viết màu đen. Ông dự định trong 2 năm nữa nếu có điều kiện sẽ dùng tất cả tài liệu mình đã ghi chép, tìm hiểu xuất bản một cuốn sách liên quan đến cấu trúc âm tiết của tiếng Anh.

Tinh thần học tập của cụ ông này khiến nhiều sinh viên nể phục. - Ảnh Lê Nam

Bạn Nguyễn Đức ( sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM) chia sẻ: “Một tuần em vào đây cũng 3 đến 4 lần, ngày nào thấy bác cũng lên đây từ rất là sớm và bác học cũng rất là chăm chỉ thì em cũng rất ngưỡng mộ bác. bác là người lớn tuổi nhưng bác hay vào thư viện để tìm hiểu thì em rất là ngưỡng mộ tinh thần học hỏi của bác”.

Một tuổi già vẫn luôn tươi cười

Chia sẻ về gia đình, ông Chánh cho biết mình có vợ là dược sĩ nhưng ly dị đã lâu, ông có 3 người con đều học rất giỏi trong đó có 2 cô con gái hiện sống ở nước ngoài và một con trai ở Việt Nam. Ông thuê sống ở một phòng trọ trong hẻm trên đường Phạm Ngũ Lão cũng được 30 năm nay. Nói là thuê nhưng chủ trọ cũng thấy ông khó khăn nên cũng cho ông ở nhờ không lấy phí.

Ông thuê sống ở một phòng trọ trong hẻm trên đường Phạm Ngũ Lão cũng được 30 năm nay.

Cuộc sống của một ông cụ ở tuổi xế chiều lại gặp nhiều thiếu thốn, chỉ đôi lúc có vài người cần dịch vài hay lâu lâu có người cần ổng dạy cho từ vựng, ngữ pháp cũng giúp ông có được đồng vô đồng ra nhưng không mấy nhiều nhặn.

Mọi bút thước, sách vở ông có được là nhờ các bạn trẻ ở thư viện thấy ông khó khăn nên giúp đỡ. Mỗi ngày ông cụ phải chật vật từng bữa ăn, được bữa may mắn thì ăn cơm từ thiện 2.000 đồng, bữa tối chỉ vỏn vẹn ổ bánh mì hay vài trái chuối cho qua ngày.

Cuộc sống của một ông cụ ở tuổi xế chiều lại đơn độc gặp nhiều thiếu thốn.

Cứ thế mỗi ngày cụ vẫn hăng say học tập, tìm niềm vui quên đi những vướng bận trong lòng nhờ tiếng anh.

Dù cuộc sống còn nhiều lo toan nhưng chưa bao giờ thấy ông Chánh buồn rầu, ông cụ đã 77 mùa xuân vẫn tươi cười, khuôn mặt luôn ánh lên một sự tự hào khi được ai hỏi về vốn tiếng Anh của mình.

“Học lúc nào cũng được hết nhưng phải có ham mê hay không ham mê thôi, phải ham mê như tôi thì cái gì cũng được được hết á. Tôi đến thư viện học tiếng Anh cũng để cho vui chứ ở mình buồn lắm, đi học nghiên cứu mới thấy thú vị” ông Chánh chia sẻ.

Cứ thế mỗi ngày cụ vẫn hăng say học tập, tìm niềm vui quên đi những vướng bận trong lòng nhờ tiếng Anh.

Lê Nam

Nhật Diễm

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/cu-ong-u80-song-mot-minh-ngay-ngay-cam-cui-len-thu-vien-hoc-tieng-anh-975076.html