Cú sốc trước thềm năm học mới: Hàng nghìn giáo viên bỗng nhiên... mất việc!

Từ 1.9, gần 300 giáo viên tại Thanh Oai (Hà Nội) và hơn 1.400 giáo viên tại Cà Mau 'bỗng nhiên' đứng trước nguy cơ mất việc làm. Đây là cú sốc đối với những thầy cô chấp nhận đứng trên bục giảng với đồng lương ít ỏi, nhất là khi năm học mới chỉ chưa đầy 1 tháng nữa là bắt đầu.

Hàng trăm giáo viên huyện Thanh Oai (Hà Nội) nhận được thông tin sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1.9.2018.

Kêu cứu

Trong lá thư kêu cứu gửi Báo Lao Động, một số giáo viên ở huyện Thanh Oai bày tỏ sự ngỡ ngàng khi cho biết: Theo thông báo số 1020 (ngày 19.7.2018) của UBND huyện Thanh Oai, những trường hợp trước đây được UBND huyện đã ký hợp đồng lao động sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Tổng số giáo viên bị chấm dứt hợp đồng là 278 giáo viên (bao gồm cả mầm non, tiểu học và THCS).

Trong số gần 300 hợp đồng có nguy cơ mất việc, có người đã đứng lớp hơn 20 năm. “Chúng tôi là vì lòng yêu nghề mà đã cống hiến hơn 20 năm cho ngành giáo dục. Nay tôi đã gần 50 tuổi, vậy nếu UBND huyện không tiếp tục ký hợp đồng thì tôi biết đi đâu về đâu. Sự cống hiến 20 năm của tôi không được công nhận hay sao?”, cô giáo Lê Thị B, dạy tiếng Anh ở Trường Tiểu học Kim Bài - xin giấu tên vì lo bị lãnh đạo giáo dục huyện “ác cảm” - nói với Lao Động. Điều đáng nói là ngày 24.7, Phòng Nội vụ của huyện Thanh Oai đã mời các thầy cô giáo khối mầm non, tiểu học, trung học để lý giải rõ ràng. Tuy nhiên, theo các thầy cô, những lời giải thích này không thỏa đáng.

Công văn của UBND huyện Thanh Oai về việc chỉ đạo chấm dứt hợp đồng lao động với các giáo viên .Ảnh: ĐÌNH ĐẠT

Trong khi đó, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tuệ Sơn - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Oai - cho biết: Việc chấm dứt hợp đồng với giáo viên là thực hiện một số nội dung tại Quyết định của UBND TP.Hà Nội ban hành Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP.Hà Nội.

Ông Sơn giải thích thêm: Hiện tại, số lượng giáo viên bị chấm dứt hợp đồng vào ngày 1.9 tới đây là 278 người. “Nếu huyện Thanh Oai không thực hiện theo nghị quyết của cấp trên thì sẽ bị xử lý. Nên huyện sẽ kiên quyết thực hiện theo chỉ đạo về việc cắt hợp đồng” - ông Sơn cho hay.

Thiếu 1.000 giáo viên nhưng vẫn cắt hàng loạt

Trong khi đó, tại Cà Mau, ông Nguyễn Minh Luân - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cà Mau - cho biết con số chính thức sau khi rà soát tại các địa phương, có đến 1.405 giáo viên phải chấm dứt HĐLĐ trước ngày 1.9. Đây là số giáo viên do trường, huyện tự hợp đồng lao động không thông qua Sở GDĐT, UBND tỉnh. Nói cách khác, những hợp đồng này là sai quy định.

Tuy vậy, theo Sở GDĐT tỉnh này, nhu cầu thực tế và quy định của Bộ GDĐT, ngành giáo dục tỉnh vẫn còn thiếu nhiều biên chế. Cụ thể là còn 604 biên chế giáo viên được giao chưa tuyển dụng và thiếu hơn 1.908 biên chế theo Thông tư 06, Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giám đốc Sở GDĐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân thông tin tình trạng thừa giáo viên. Ảnh: P.V

Đề cập về việc chấm dứt hợp đồng đối với số giáo viên nói trên dù vẫn còn thiếu giáo viên theo quy định của ngành giáo dục, ông Nguyễn Minh Luân lý giải: Tổng biên chế được giao đối với ngành giáo dục của tỉnh Cà Mau là 15.215 vị trí việc làm, biên chế hiện có là 14.893, như vậy thấp hơn biên chế được giao 322 vị trí. Nhưng nếu so với Thông tư 06 và Thông tư 16 của Bộ GDĐT thì thiếu đến 1.908 vị trí. Lý giải thêm về việc tại sao có chuyện phải cắt hợp đồng trong khi toàn ngành đang thiếu giáo viên, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cà Mau thông tin: “Đối với số giáo viên còn thiếu, xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh cho ký hợp đồng lại. Như vậy, có những giáo viên vừa bị cắt hợp đồng, nhưng theo chủ trương của tỉnh sẽ được tiếp nhận lại”.

Hiện tỉnh Cà Mau đang triển khai đề án việc làm, trong đó có việc đưa 1.000 lao động đi nước ngoài làm việc. Tỉnh khuyến khích số giáo viên dôi dư ưu tiên tuyển dụng theo đề án này.

ĐẶNG CHUNG - NHẬT HỒ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/cu-soc-truoc-them-nam-hoc-moi-hang-nghin-giao-vien-bong-nhien-mat-viec-621858.ldo