'Cứ sống với đồng lương bèo bọt mới là nhà giáo thanh cao?'

'Dưới ánh hào quang của mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề giáo', thế nhưng đằng sau ánh hào quang ấy là những khoảng tối trăn trở mà chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu.

Gần đây những vụ việc thầy cô đánh học sinh không chỉ khiến dư luận sục sôi mà chính những người đứng trên bục giảng cũng đau đáu nghĩ suy.

Cô giáo Đinh Thị Lan, giáo viên một trường Tiểu học tại Hải Phòng mong rằng xã hội sẽ có cái nhìn thấu đáo, cảm thông hơn với thầy cô giáo rơi vào trường hợp này: “Ngày xưa, chúng tôi đi học, lười biếng bị cô giáo đánh sưng mông. Thậm chí về nhà còn bị bố mẹ đánh thêm vài roi. Thế nhưng chúng tôi yêu quý thầy cô lắm, có đứa ăn cơm nhà cô còn nhiều hơn ở nhà.

Còn ngày nay, học sinh mắc lỗi bị cô đánh cho vài roi là về mách mẹ, mách bố. Một số phụ huynh thương con nên đến trường làm ầm lên mà chẳng quan tâm vì sao con mình bị phạt và phạt ra sao? Thậm chí nhiều học sinh quay clip đăng tải trên mạng xã hội.

Nhiều giáo viên bị kỷ luật, buộc thôi việc do một phút không kiềm chế được mình. Nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của giáo viên, người thì ngại đụng chạm, lên lớp chỉ chăm chăm giảng bài, phó mặc ai nghe thì nghe, người thì tỏ ra sợ hãi khi bị phân công làm công tác chủ nhiệm”.

Cô giáo Vũ Ngọc Hà, một giáo viên mầm non tâm sự rằng những lời nói vô tình, những ánh mắt nghi ngờ của phụ huynh, đã khiến giáo viên ít nhiều bị tổn thương. “Sau thông tin về một vài trường hợp bạo hành trẻ, khi đến đón con, vừa ra đến cửa, cha mẹ đã hỏi han hôm nay cô có làm gì con không? Khi nghe vậy, chúng tôi buồn vì không còn được phụ huynh tin tưởng như trước nữa”, chị Hà kể.

Nghề giáo với nhiều trăn trở mà chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu

“Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào vương trên tóc thầy”, đó là những câu hát trong bài “Bụi phấn” mà học sinh mọi thế hệ thuộc nằm lòng. Thế nhưng ngày nay, trên bục giảng không chỉ bụi phấn rơi, mồ hôi rơi mà còn có cả giọt nước mắt, thậm chí là giọt máu... rơi.

“Khi bắt gặp trên báo những câu chuyện về thầy cô giáo bị học sinh, phụ huynh hay côn đồ từ ngoài vào trường đánh nhập viện, tôi không kìm được nước mắt. Thậm chí tôi đi dạy mà nơm nớp lo sợ vì không biết khi nào đến lượt mình. Bục giảng vốn là nơi an toàn mà sao giờ cũng nguy hiểm đến thế. Dù có lý do gì đi chăng nữa thì thầy cô của mình, thầy cô của con cháu mình cũng không đáng bị đối xử như vậy chứ”, cô giáo Lê Thủy Tiên, một giáo viên Trung học phổ thông tại Hà Nội chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc, giáo viên dạy Văn tại TP Hồ Chí Minh nói rằng suốt 3 năm đứng trên bục giảng, chưa một phút giây nào ngọn lửa yêu nghề trong chị thôi bập bùng. Chưa một phút giây nào chị Ngọc hối hận khi chọn gieo mình vào nghiệp “gõ đầu trẻ” mặc dù gia đình không ủng hộ chị theo nghề này: “Khi làm giáo viên, chị suy nghĩ nhất là hiện nay học sinh học xong không ứng dụng được gì vào cuộc sống. Nhiều khi muốn có những tiết học dạy học sinh những kĩ năng sống nhưng chương trình giảng dạy không cho phép, nên cứ tự thấy mình dạy nhàm chán đi mà khó thay đổi được.

Với người khác thì chị không biết như thế nào, chứ với chị thì nghề giáo có vui có buồn. Nhiều khi dạy xong mà học sinh nhớ những lời mình dạy, gặp nó chào là chị vui lắm rồi”.

Thế nhưng chị Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng không tránh khỏi những lúc chạnh lòng, nghĩ nghề giáo bạc bẽo lắm. Giống như việc dạy và học thêm. “Có ai muốn ngày đi làm tối về dạy thêm hay không? Chắc chẳng ai muốn cả, nhưng có những thầy cô dạy thêm vì được học sinh, phụ huynh gửi gắm niềm tin, có thầy cô vì cơm áo, gạo tiền mà ngày dạy trên trường tối lại về dạy thêm, khuya thì soạn bài, chấm bài.

Nhiều phụ huynh vơ đũa cả nắm, cứ nói giáo viên ăn tiền này nọ, chẳng lẽ cứ sống với mức lương bèo bọt mới đúng là nhà giáo thanh cao? Nhưng cuộc sống mà, giờ cái gì cũng cần tiền, giáo viên phải sống qua ngày chứ.

Vắt kiệt chất xám ra để dạy học sinh thêm kiến thức thì có gì đâu mà sai. Vậy mà có nhiều lời nói làm mình tổn thương”, chị Ngọc bức xúc.

Thời gian qua, hàng loạt giáo viên tại nhiều tỉnh thành đã viết đơn xin ra khỏi biên chế vì lương quá bèo bọt, thêm vào đó là những giọt nước mắt của cô giáo Hà Tĩnh vì mức lương hưu hơn 1 triệu đồng đã tác động không nhỏ đến tâm lý của những “người lái đò thầm lặng”.

Cô giáo Trần Thị Minh, giáo viên trung học cơ sở tại Hà Nội kể những ngày đầu mới đi dạy, chị đã nhiều lần muốn bỏ việc vì không thể xoay sở với đồng lương còm cõi, cứ thiếu trước hụt sau.

“Bố chị bảo đi làm công nhân lương còn cao hơn. Nhưng nghề chọn người chứ người không chọn nghề. Chị nghỉ ốm có mấy hôm mà đã nhớ lũ trẻ, nhớ trường nhớ lớp thì nghỉ làm sao được. Nhìn thấy học sinh tiến bộ từng ngày, ngoan ngoãn lễ phép là động lực khiến chị gắn bó với nghề”, chị Minh cười nói.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Mạnh Long

Nguồn ANTT: http://antt.vn/cu-song-voi-dong-luong-beo-bot-moi-la-nha-giao-thanh-cao-215578.htm