Cử tạ Việt Nam chậm thay đổi theo thế giới

Sau thế hệ của Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn, cử tạ Việt Nam không còn những VĐV đủ khả năng nhận trọng trách lớn tại sân chơi quốc tế. Bên cạnh những lý do khách quan như thế giới điều chỉnh luật thi đấu, sự thực là những người làm cử tạ của Việt Nam chưa bắt kịp với cuộc chơi mới.

4 năm và 1 lời giải thích

Tại ASIAD 19, cử tạ Việt Nam đến Hàng Châu với 6 vận động viên. Không ai trong số họ có thành tích lọt vào nhóm giành huy chương. Á quân ASIAD 18 Trịnh Văn Vinh rất nỗ lực thi đấu sau khi mới trở lại, nhưng anh chỉ đứng hạng 6 chung cuộc. Xếp trên Văn Vinh là đồng đội Nguyễn Trần Anh Tuấn.

Tính đến thời điểm 6 tháng trước khi Olympic Paris chính thức diễn ra, Trịnh Văn Vinh cũng là đô cử hiếm hoi của Việt Nam có cơ hội giành vé dự Thế vận hội. Một VĐV khác có thể đạt chuẩn đến Paris, nhưng cơ hội thấp hơn là Phạm Thị Hồng Thanh. Ở một góc độ nào đó, đây là thành tích đi xuống.

3 năm trước, khi tham dự Olympic Paris, cử tạ chính là môn có nhiều VĐV đạt chuẩn A nhất của thể thao Việt Nam. Nếu cử tạ Việt Nam không bị cắt 1 suất vì có nhiều VĐV dương tính với doping, Vương Thị Huyền đã có cơ hội đến Nhật Bản cùng hai đồng đội Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên.

Có một số nguyên nhân khách quan dẫn đến thành tích đi xuống của cử tạ Việt Nam tại ASIAD và Olympic. Lý do thường được đưa ra là bởi Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cắt bỏ hạng cân 56kg, vốn là sở trường của Việt Nam, khỏi hệ thống thi đấu Olympic.

Lý do này là điều dễ hiểu và hợp lý khi các VĐV chuẩn bị cho Olympic Tokyo. Nhưng sau 3 năm, việc này được viện dẫn thêm một lần nữa. Đáng chú ý hơn, còn có ý kiến cho rằng Việt Nam chịu thiệt thòi vì sở hữu nhiều đô cử đẳng cấp thế giới ở hạng cân 56kg nam thời điểm hiện tại.

Xét về mặt thành tích, Việt Nam hiện có một số đô cử vô địch thế giới ở hạng cân 56kg nam là điều chính xác. Nhưng nếu nhìn rõ hơn, ta có thể thấy, trong số phần lớn đối thủ cạnh tranh với họ, không có nhiều người đến từ các cường quốc cử tạ như Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên.

Trong quá khứ, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên luôn sở hữu những VĐV hàng đầu thế giới tại hạng cân 56kg nam. Nhưng từ khi biết thông tin IWF và IOC thay đổi luật, họ đã điều chỉnh rất nhanh để phù hợp với mục tiêu hướng đến Olympic. Tuy nhiên, Việt Nam lại không làm như vậy.

Thạch Kim Tuấn là đô cử Việt Nam hiếm hoi đôn cân từ hạng 56kg lên 62kg để thi đấu quốc tế. Ở chiều ngược lại, những đô cử có tố chất tốt, giàu tiềm năng phát triển tại hạng cân 56kg nam vẫn ở lại mức này. Họ vẫn vô địch thế giới, vô địch SEA Games, đổi lại là giấc mơ Olympic xa rời tầm tay.

VĐV Hoàng Thị Duyên từng được kỳ vọng giành huy chương Olympic Tokyo.

Không thể dựa mãi vào VĐV

Tiêu chí đánh giá nền thể thao của một quốc gia xuất phát từ việc, liệu họ có thể liên tục đào tạo ra VĐV kế cận lứa đàn anh, đàn chị hay không. Cử tạ Việt Nam trước đây từng làm được điều này, nhưng đó là ở hạng cân 56kg nam. Đến thời điểm các tổ chức quốc tế đổi luật, thế hệ này cũng biến mất.

Trịnh Văn Vinh đã bước sang tuổi 29. Thời gian thi đấu của anh không còn nhiều nữa, đặc biệt trong bối cảnh VĐV này phải tạm dừng thi đấu trong một thời gian dài. Tuy nhiên, Vinh vẫn phải gánh trên vai trách nhiệm vượt quá khả năng như giành huy chương ASIAD, cũng như sớm có vé Olympic.

Vào thời điểm Nguyễn Trần Anh Tuấn có thành tích tốt hơn Văn Vinh tại ASIAD 19, kết quả đó tưởng như sẽ dẫn đến một hướng đi mới cho cử tạ Việt Nam. Nhưng sau tất cả, Văn Vinh vẫn là người được tập trung hướng đến Thế vận hội. Anh Tuấn không có cơ hội sát cánh, cạnh tranh cùng người đàn anh nữa ở những giải đấu cấp độ cao nhất.

Ở hạng mục cử tạ nữ, các VĐV hiện gặp khá nhiều khó khăn trong việc thể hiện bản thân vươn tầm quốc tế. Sau khi Nguyễn Thị Thiết đứng hạng 4 tại Olympic Bắc Kinh 2008, những đô cử đàn em chưa thể làm tốt hơn cột mốc đó. Hoàng Thị Duyên từng được kỳ vọng tỏa sáng tại Tokyo, nhưng cô lại tái phát chấn thương. Phong độ của Hoàng Thị Duyên cũng dần đi xuống kể từ đó đến nay, dù cô mới bước sang tuổi 28.

Tại hạng cân của Hoàng Thị Duyên thi đấu, Việt Nam còn có 1 đô cử trẻ giàu tiềm năng là Quàng Thị Tâm. Tuy nhiên, cơ hội thi đấu quốc tế của VĐV này còn khá hạn chế. Vì vậy, người được kỳ vọng có thể cạnh tranh vé Olympic lại thuộc về Hồng Thanh, dù gần đây cô cũng không có phong độ tốt.

Những dẫn chứng trên chỉ ra một sự thật: Cử tạ Việt Nam không còn lớp VĐV kế cận ở đẳng cấp châu Á và Olympic nữa. Ở một góc độ nào đó, những người làm cử tạ của Việt Nam cần học lại mô hình quản lý, phát triển môn thể thao này theo một hướng hoàn toàn mới, thay vì đi theo lối mòn cũ.

Cử tạ là môn thuần Olympic giống bơi, điền kinh. Sự phát triển của môn thể thao này, vì thế, cũng là minh chứng rõ nhất cho thấy mức độ phát triển chung. Những VĐV tốt nhất cần được định hướng đến những sân chơi như ASIAD, Olympic, thay vì để dành cho SEA Games và những giải đấu quốc tế khác nằm ngoài hệ thống Thế vận hội.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/cu-ta-viet-nam-cham-thay-doi-theo-the-gioi-i726873/